Có hay không việc tội phạm dùng thuốc mê gây án?

ANTD.VN -Từ nhiều năm nay, dư luận không ít lần xôn xao, bàn tán về thủ đoạn của loại tội phạm gây mê trộm, cướp tài sản. Một cái phất tay, một cốc nước, thậm chí chỉ bằng một cái nhìn, bị hại cứ thế đờ đẫn, có bao nhiêu tài sản quý giá đưa hết cho đối tượng. Thực hư về chuyện này ra sao? có hay không việc tội phạm dùng thuốc mê để gây án?

Nghi án cô gái trẻ bị gã đàn ông không quen "vét" sạch ví đầy kỳ lạ

Hôm qua, ngày 26-4, trao đổi với PV Báo ANTĐ, chị Phạm P. (SN 1993, trú tại phố Mễ Trì Thượng) cho biết, sự việc kỳ lạ xảy đến với chị vào tối 21-4, bắt đầu từ vị trí cửa hàng xăng dầu Nam Trung Yên tới đường Trung Yên 10B (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

 Theo lời kể nạn nhân, khi đang điều khiển xe máy sang đường, cô bất ngờ bị người đàn ông lạ mặt hỏi câu lạ lùng, nhờ “đi lấy tiền hộ”. Không giải thích được tại sao bản thân lại đi theo người lạ suốt quãng đường hơn 300m, rồi vào sâu trong ngõ và rút sạch ví tiền giao cho anh ta, cô gái sau đó nhận ra bản thân bị lừa trong tình huống kỳ lạ.

Chị P. cung cấp thông tin cho PV Báo ANTĐ

Sự việc "kỳ lạ" này khiến nhiều người nghi ngờ tội phạm đã dùng thuốc mê để gây án

Có hay không việc tội phạm dùng thuốc mê để gây án?

BS. Nguyễn Hồng Hải - Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết: nếu nạn nhân bị ngấm thuốc mê, người ngoài có thể nhận thấy thông qua gương mặt của họ: nạn nhân có biểu hiện lờ đờ, gương mặt mệt mỏi, không tỉnh táo, nói những câu lơ ngơ, vô nghĩa. Hiện tại, thuốc gây mê có hai dạng phổ biến: thuốc dùng đường tiêm tĩnh mạch để khởi mê nhanh và thuốc gây mê bay hơi thể khí được dùng qua đường hô hấp để duy trì trạng thái mê.

Tuy nhiên, việc sử dụng khí để gây mê rất khó, đòi hỏi người sử dụng phải có kiến thức, bởi nếu không sẽ có nguy cơ bị... gục trước đối tượng muốn "nhắm đánh" khí mê. BS. Hải khẳng định, với những quy định nghiêm ngặt trong việc quản lý của Bộ Y tế, loại biệt dược này chỉ được dùng trong hệ thống y tế, có sự chỉ định và kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức - giảng viên chính Bộ môn Dược, Đại học Y dược TP.HCM cho biết: Chỉ qua các lời khai của nạn nhân, không thể xác định đâu là nguyên nhân khiến cho nạn nhân rơi vào trạng thái mê muội, rồi đưa hết tài sản cho kẻ xấu.

Đồng thuận với ý kiến của BS. Hải, PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức khẳng định một lần nữa: Trước những quy định nghiêm ngặt về kiểm soát các loại thuốc gây mê của ngành y tế, tội phạm khó có khả năng tiếp cận những loại thuốc đặc biệt này.

Theo lời một điều tra viên từ Cục Điều tra hình sự, Bộ Công an: những vụ trộm cướp tài sản gây ồn ào trong dư luận gần đây không phải do thôi miên hay dùng thuốc mê mới mà chỉ là tin đồn thất thiệt. Bởi mọi hành động, ám thị trong thôi miên phải được thân chủ đồng ý và hợp tác với tinh thần thoải mái, tự nguyện, nếu không ám thị đó sẽ bị đẩy ngược trở lại.

Thực chất, khi thực hiện vụ án, bọn tội phạm đã lên kế hoạch chi tiết tiếp cận "con mồi". Chúng dành thời quan sát hoạt động của nạn nhân, khi tổ chức trộm cướp tài sản, chúng sẽ dùng chiêu cũ là tạo những tình tiết làm phân tán "con mồi" lợi dụng sơ hở để cho đồng phạm trộm cắp đồ. Vì thế, người dân cần tránh tâm trạng hoang mang, lo sợ trước những tin đồn thất thiệt về "thuật thôi miên, đánh thuốc mê" cướp tài sản đang bị kẻ xấu lợi dụng để truyền bá trong thời gian gần đây.