Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (6):

Cơ chế hợp tác an ninh khu vực ASEAN dựa trên luật pháp quốc tế để ngăn chặn xung đột

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các cơ chế hợp tác an ninh khu vực mà ASEAN có vai trò quan trọng như EAS, ARF, ADMM+ và EAMF cần được phát huy hiệu quả trong ngăn chặn xung đột tại các “điểm nóng” ở khu vực, đặc biệt là Biển Đông, nhất là trong thời gian 2020 - 2021 khi Việt Nam có một địa vị quốc tế thuận lợi.
Việt Nam có ưu thế để phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây có lợi chung cho toàn Đông Nam Á

Việt Nam có ưu thế để phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây có lợi chung cho toàn Đông Nam Á

ADMM+ hiện là cơ chế trực tiếp nhất cho việc này, tuy nhiên tác dụng của nó có nhiều hạn chế do hình thức tổ chức, vận hành còn lỏng lẻo. Cần từng bước chuẩn bị nâng cấp khuôn khổ ADMM+ thành một cơ chế chặt chẽ hơn về tổ chức và những quyết định của ADMM+ có tính hiệu quả cao hơn. Các triển vọng thiết lập cơ chế hợp tác an ninh tập thể, ràng buộc cần xuất phát từ ADMM+ trong khi thúc đẩy các hoạt động cùng chiều tại EAMF, ARF, EAS và những cơ chế khác.

Việt Nam cần đặt tầm quan trọng thực sự vào công cụ pháp lý trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng trong không gian sinh tồn của mình. Trong quan hệ quốc tế, nước lớn thường dựa vào tình trạng “bất đối xứng” và lợi dụng công thức “song phương” sử dụng ưu thế vượt trội để áp đặt giải pháp lên nước nhỏ, đồng thời nuôi dưỡng mâu thuẫn, bất hòa giữa các nước nhỏ, thực hiện “chia để trị”.

Các tranh chấp giữa các nước ASEAN với nhau, trong đó có những vấn đề giữa Việt Nam với các nước ASEAN láng giềng trên bộ và trên biển, có thể bị nước lớn lợi dụng gây bất hòa trong ASEAN và khó khăn cho Việt Nam. Trong tình hình mới và với vị thế quốc tế mới, Việt Nam cần chọn lựa, chủ động thúc đẩy giải quyết bằng pháp lý một số vấn đề tranh chấp, bất đồng của mình và giữa các nước ASEAN, củng cố tiền lệ đã có, tạo thành xu thế chính trong xử lý tranh chấp, bất đồng tại khu vực.

Đối với tranh chấp Biển Đông, Việt Nam cần tham khảo sâu sắc cách thức mà Philippine đã tiến hành và đạt kết quả tốt cho vụ kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài đối với tính pháp lý của “đường chín đoạn” của Trung Quốc và tình trạng của các cấu trúc tại Trường Sa, kéo theo phạm vi hải phận được hưởng của các cấu trúc đó. Đây là công thức tích cực mà Việt Nam có thể vận dụng đối với tình trạng của Hoàng Sa. Tình hình tại bãi Tư Chính ở nửa sau năm 2019 cũng đặt Việt Nam vào một thế cần cân nhắc sử dụng công cụ pháp lý này để có thể đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc.

Thúc đẩy hình thành cơ chế an ninh tập thể, ràng buộc về pháp lý tại khu vực, trực tiếp là tại Đông Nam Á

Cọ xát chiến lược ngày càng gay gắt tất yếu sẽ dẫn tới sự ra đời của những thiết chế an ninh tập thể ràng buộc tại khu vực để giúp kiểm soát, xử lý xung đột, bảo vệ lợi ích của các bên liên quan. Trên thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn bị ràng buộc bởi những định dạng tổ chức loại này, tuy nhiên những cơ chế, khuôn khổ như thế giúp bảo đảm lợi ích của các nước nhỏ tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; và điều này cũng được những cường quốc khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Nga ủng hộ nhằm giúp kiềm chế cả Trung Quốc và Mỹ. Đây là điều mà Việt Nam cần nắm bắt, chủ động thúc đẩy khi ở cương vị quốc tế mới thông qua các cách thức phù hợp, trong đó yếu tố quan trọng nhất là tạo nên sự thống nhất chung trong ASEAN.

Những cơ chế an ninh tập thể, ràng buộc nói trên cần trực tiếp giúp kiềm chế, quản lý và xử lý khủng hoảng, xung đột tại Đông Nam Á, nhất là tại Biển Đông. ASEAN đang nỗ lực thuyết phục 5 cường quốc hạt nhân (P5 thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) tham gia Hiệp ước khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân, và thương lượng với Trung Quốc để có một Bộ Quy tắc về ứng xử trên Biển Đông, tuy nhiên cả hai nỗ lực trên đều chưa thành do lợi ích của các bên còn nhiều khác biệt, chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Thời gian tới, khi khả năng xung đột tăng lên sẽ tạo thêm điều kiện để đạt được những thỏa thuận nói trên. ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng còn cần tính toán xa hơn nữa, hướng tới một thỏa thuận thành lập một tổ chức hợp tác quân sự đa phương tại Đông Nam Á để các bên đều có thể bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời hợp tác trong khuôn khổ để bảo vệ môi trường an ninh chung.

Xét về mặt địa - chiến lược, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng vai trò chủ động với tư cách quốc gia, chủ trì trong ASEAN với tư cách nước thành viên để thúc đẩy tiến trình này, thậm chí là một địa điểm thuận lợi để có thể thiết lập căn cứ đóng quân của một lực lượng đa quốc gia vì lợi ích chung.Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi Việt Nam cần có những thay đổi quan trọng trong cách hiểu và triển khai chính sách an ninh, đối ngoại “ba không” truyền thống cho phù hợp nhằm bảo đảm có được sự hợp tác đủ mạnh để bảo vệ các lợi ích quốc gia - dân tộc trong những tình huống bị đe dọa, không để rơi vào tình trạng bị cô lập, đơn lẻ.

Cần phân biệt rõ bên cạnh việc duy trì nguyên tắc truyền thống không liên minh, đồng minh với một bên nào để chống lại một bên khác, song Việt Nam sẵn sàng hợp tác với một hoặc nhiều bên vì lợi ích an ninh chung của toàn khu vực, và Việt Nam có quyền làm mọi điều trong chủ quyền của mình để bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ trong phạm vi phù hợp với luật pháp quốc tế.

Một khuôn khổ an ninh tập thể với những cơ chế có tính bắt buộc với các bên tham gia là phù hợp với lợi ích của tất cả các bên có liên quan. Việt Nam cần điều chỉnh cách tiếp cận và chủ động phát huy ưu thế địa - chiến lược của mình trong tình hình mới, hướng tới tạo nên sự thống nhất trong ASEAN thông qua hợp tác chặt chẽ với những thành viên then chốt trên từng vấn đề, phạm vi để tác động lên các thành viên còn lại, đồng thời tranh thủ tác động, ảnh hưởng từ nước lớn có cùng lợi ích và trực tiếp liên quan vì lợi ích quốc gia và phù hợp với lợi ích chung.

Bảo đảm không gian phát triển

Bảo đảm không gian phát triển thuận lợi và bền vững là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với triển vọng phát triển của đất nước. Không gian phát triển thiết yếu đối với Việt Nam trước hết là Đông Nam Á, trực tiếp là Biển Đông và Tiểu vùng sông Mekong. Mục tiêu đặt ra là Việt Nam duy trì và phát huy được khả năng khai thác, phát triển được lợi ích bền vững trong không gian phát triển thiết yếu đó, đồng thời phát triển, mở rộng các không gian bên ngoài Đông Nam Á với những đối tác chủ yếu bên ngoài Đông Nam Á trong những khuôn khổ có tính bền vững và bổ khuyết cho nhau.

Trên vấn đề này, Việt Nam cũng có ưu thế đặc thù để có thể đóng vai trò rất quan trọng đối với toàn khu vực. Một số vấn đề Việt Nam cần chú trọng thúc đẩy trong những năm tới là hợp tác phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Phạm vi lợi ích kinh tế biển của Việt Nam là tương đối rộng so với quan niệm phổ thông. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế biển của Việt Nam lâu nay chủ yếu chú trọng đến lợi ích kinh tế ở bờ biển cho đến phạm vi khu vực đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa tính từ đường cơ sở theo luật quốc tế. Tuy nhiên, “kinh tế biển” bao gồm ba thành phần chính, gồm nền kinh tế các tỉnh ven biển, trong phạm vi khu vực đặc quyền kinh tế và lợi ích kinh tế trên đại dương - là tài sản chung của tất cả các nước có biển và không có biển.

Thiếu tướng,Tiến sĩ Đỗ Lê Chi (Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an)

Thiếu tướng,Tiến sĩ Đỗ Lê Chi

(Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an)

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII, ngày 22-10-2018 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là không đạt yêu cầu, chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW liệu có khắc phục những yếu kém được nêu trên để đạt được những mục tiêu đề ra hay không còn là vấn đề lớn. Ba trong số các lý do khách quan đã cản trở việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X là: (i) Việt Nam bị chèn ép ngay tại khu vực thuộc chủ quyền của mình, không thể triển khai được các lợi ích chủ yếu như khai thác dầu khí trên thềm lục địa của mình, (ii) đầu tư của Trung Quốc hoặc có yếu tố Trung Quốc tại nhiều địa phương ven biển của Việt Nam gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái biển, triệt tiêu các yêu cầu cho phát triển bền vững, và (iii) Hành động xâm lấn trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa, phá hoại ngư trường truyền thống, ngăn chặn hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Đáng chú ý là cả ba yếu tố này có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong 10 năm tới theo chiều hướng gay gắt hơn.

Để giúp duy trì được không gian kinh tế biển, bên cạnh việc khắc phục những nguyên nhân chủ quan đã nêu, vấn đề lớn nhất là ngăn chặn có hiệu quả những yêu sách và hành động bất hợp pháp của Trung Quốc. Trong khi việc xử lý vấn đề thông qua con đường đơn phương (tự Việt Nam), song phương (Việt - Trung) đều không khả thi, giải pháp còn lại chỉ có thể là hợp tác quốc tế, dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, tạo nên sức mạnh quốc tế.

Điều này đòi hỏi Việt Nam trước hết phải cho thấy được sự nghiêm túc và chủ động của quốc gia trong việc tôn trọng và thực thi các cam kết với luật pháp quốc tế, đồng thời tích cực sử dụng công cụ pháp lý trong xử lý vấn đề. Đây là điểm liên quan đến chủ quyền thực chất, theo luật của Việt Nam ở Biển Đông được xác định căn cứ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần hết sức chú trọng đến việc chọn lựa nhà đầu tư vào các cơ sở phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Việc Trung Quốc triển khai BRI có thể mang lại cho nhiều nước có nền kinh tế nhỏ, có bờ biển, sự hấp dẫn to lớn từ vốn đầu tư và những điều kiện dễ dãi, tuy nhiên cũng đã có nhiều bài học lớn từ một số nước nhỏ về “bẫy nợ”, “bãi rác”, môi trường bị hủy hoại từ đầu tư của Trung Quốc mà tác động của nó là toàn diện, sâu sắc và lâu dài đối với vận mệnh của một quốc gia.

Việc chọn nhà đầu tư có chung lợi ích, có tiềm năng bảo vệ lợi ích của họ hoặc của đồng minh của họ trong hợp tác với Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng để bảo đảm và phát huy lợi ích biển của Việt Nam trong phạm vi phù hợp với luật quốc tế. Việt Nam cũng cần tính toán vươn tới phạm vi đại dương để phát huy lợi ích biển của quốc gia, nhất là trong bối cảnh nguồn lợi ở biển gần dần cạn kiệt và các tranh chấp lợi ích ngày càng phức tạp.

Điều này đòi hỏi Việt Nam cần tìm kiếm và tham gia những khuôn khổ hợp tác trên biển rộng lớn hơn, theo cách mà Việt Nam tham gia các thỏa thuận thương mại đa phương trong những năm qua nhằm thoát khỏi thế bị bao vây, lệ thuộc về kinh tế vào một vài nước. Các thỏa thuận nghiên cứu chung trên biển và đại dương với một số nước có chung lợi ích chiến lược có thể là những bước đi phù hợp đầu tiên.

(Còn tiếp)

Bài 7: Giữ vững an ninh khu vực, thúc đẩy sự can dự thực chất có phối hợp của các nước lớn tại tiểu vùng sông Mekong