Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (4): 

Lợi ích của Việt Nam trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Có 3 kịch bản về cấu trúc an ninh tại khu vực sẽ tác động tới lợi ích quốc gia của Việt Nam ở những mức độ và khía cạnh khác nhau theo cả hai chiều thuận - nghịch.
Việt Nam chủ động phát huy lợi thế địa chiến lược để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia

Việt Nam chủ động phát huy lợi thế địa chiến lược để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia

Về cách tiếp cận, việc dự báo tác động của các kịch bản dựa trên cơ sở nghiên cứu, phân tích những biến động, thay đổi bên trong cấu trúc cũng như điều kiện và khả năng lựa chọn chính sách của Việt Nam trong từng kịch bản cụ thể, và tập trung đánh giá trên ba đối tượng chịu tác động trực tiếp là môi trường an ninh, không gian phát triển và vị thế quốc gia. Thứ tự được sắp xếp từ thuận lợi đến bất lợi nhất đối với Việt Nam, làm cơ sở đưa ra khuyến nghị về chính sách nhằm đem lại lợi ích lớn nhất cho quốc gia.

Kịch bản có lợi nhất đối với lợi ích của Việt Nam cũng như toàn Cộng đồng ASEAN

Trong ba kịch bản, kịch bản 3 là lý tưởng và có lợi nhất đối với lợi ích của Việt Nam cũng như toàn Cộng đồng ASEAN. Ở kịch bản này, khu vực hình thành được một dạng thức cấu trúc bao trùm do ASEAN đóng vai trò trung tâm hơn dựa trên nhu cầu hợp tác của tất cả các quốc gia trong khu vực. Theo đó, các cơ chế hợp tác an ninh do ASEAN làm trung tâm sẽ có tầm quan trọng hơn; các quyết định đa phương có được từ hoạt động của các cơ chế này, tuy có thể vẫn chưa mang tính pháp lý, nhưng có ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Những cơ chế hợp tác an ninh như ARF, ADMM+, EAS phát huy tốt vai trò, tạo điều kiện cho những cam kết cân bằng, có tính pháp lý và bền vững cho những tranh chấp, bất đồng an ninh phức tạp song phương và đa phương tại khu vực, trong đó có một Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) cho vấn đề Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác của khu vực tiếp tục được duy trì và phát triển trên cơ sở các nguyên tắc đồng thuận và luật pháp quốc tế. Các quốc gia đều có nhu cầu hợp tác và tôn trọng các nguyên tắc, luật lệ chung. Các cường quốc, kể cả Mỹ và Trung Quốc, ủng hộ ASEAN và các cơ chế hợp tác an ninh của. Tổ chức này giữ vai trò quan trọng, không thể thay thế trong việc cân bằng và kiềm chế các tham vọng quốc gia, không để xảy ra xung đột, chiến tranh. Các tranh chấp và căng thẳng trong khu vực ít có khả năng leo thang do sự tự kiềm chế của các bên. Các nước vừa và nhỏ như Việt Nam không rơi vào tình thế phải “chọn bên”, có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác, lựa chọn chính sách và hành vi đối ngoại phù hợp với mục tiêu và lợi ích quốc gia.

Trong xu hướng chung đó, Việt Nam có điều kiện huy động sức mạnh từ bên ngoài để phát triển kinh tế và giải quyết các mối thách thức, đe dọa chung như tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố. Trong vấn đề bảo vệ chủ quyền và giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển, mặc dù chưa thể tìm được giải pháp triệt để và hài hòa lợi ích chung, nhưng nguy cơ xung đột vũ trang sẽ giảm và các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng sẽ phải cân nhắc hơn trong các hành động đơn phương lấn chiếm, cải tạo, quân sự hóa các thực thể ở vùng biển này.

Đây là kịch bản mà Việt Nam có nhiều cơ hội nhất để nâng cao vị thế quốc gia, phát huy hiệu quả ưu thế địa - chiến lược đặc thù trong củng cố ASEAN và các cơ chế do ASEAN thiết lập, bảo đảm tối đa môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, phát triển. Tuy nhiên, trong triển vọng tình hình đến năm 2030, kịch bản này cũng đặt lên Việt Nam trách nhiệm nặng nề phải chủ động đi đầu, nắm vai trò lãnh đạo trong ASEAN, tranh thủ được sự ủng hộ của các nước thành viên; đưa ra được những sáng kiến an ninh khu vực có tính đột phá; giành được sự ủng hộ hoặc không chống lại của các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ.

Sự nối tiếp xu hướng diễn biến của tình hình trong 10 năm qua

Kịch bản 1 là sự nối tiếp xu hướng diễn biến của tình hình trong 10 năm qua, vì thế không hứa hẹn tạo nên sự chuyển biến, thay đổi đáng kể nào trong cấu trúc an ninh khu vực so với hiện tại, và những tác động của nó đối với Việt Nam cũng sẽ tiếp tục theo chiều hướng hiện có. An ninh khu vực tiếp tục được điều tiết trong môi trường tồn tại song song hai tiểu cấu trúc được xây dựng trên hai tập hợp lực lượng do Mỹ và Trung Quốc đứng đầu, vừa độc lập, vừa đan xen nhau, vừa đối kháng, vừa hợp tác; ASEAN tiếp tục giữ vai trò “trung tâm” kết nối, phối hợp hoạt động của hai tiểu cấu trúc trên và duy trì không gian phù hợp với lợi ích của mình, song có thể gặp nhiều khó khăn do tính đối kháng giữa hai tiểu cấu trúc tăng lên.

Tuy nhiên tính chất, mức độ, phạm vi của tác động sẽ thay đổi tùy thuộc vào trạng thái quan hệ Mỹ - Trung. Từ năm 2017 đến nay chứng kiến sự phản ứng quyết liệt của Mỹ thể hiện qua một loạt chính sách cứng rắn, toàn diện mà Chính quyền Trump triển khai để ngăn chặn Trung Quốc. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng quyết liệt, tuy nhiên, có thể thấy rõ Mỹ đã không thể ngăn chặn được Trung Quốc xác lập ưu thế tại Biển Đông, trong khi Mỹ dường như bỏ trống địa bàn Đông Nam Á “lục địa” để Trung Quốc đơn phương áp đặt chiến lược tại đây.

Tình hình trên tạo ra trạng thái mất cân bằng về ảnh hưởng của nước lớn tại Đông Nam Á, và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất. Nếu chiều hướng này tiếp tục mạnh lên, về an ninh, Việt Nam khó có thể bảo vệ vững chắc được những gì đang kiểm soát tại thực địa trên Biển Đông, chưa nói đến việc giành lại chủ quyền ở những nơi đã bị Trung Quốc chiếm giữ. Tại Tiểu vùng, ảnh hưởng của Việt Nam đối với các nước khác tại Đông Nam Á “lục địa” sẽ tiếp tục suy giảm trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục tăng lên, kéo theo sự nổi lên hoặc trầm trọng hơn những vấn đề an ninh hiện có đối với Việt Nam, ví như những tranh chấp, bất đồng giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Triển vọng này có thể đẩy Việt Nam vào thế bị bao vây, môi trường an ninh xấu đi, cả các vấn đề an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống.

Môi trường an ninh diễn biến theo xu hướng trên sẽ tiếp tục thu hẹp không gian phát triển của Việt Nam. Việc không bảo vệ và triển khai thiếu hiệu quả các lợi ích trên Biển Đông đi cùng với việc ảnh hưởng về kinh tế bị co hẹp tại Tiểu vùng sông Mekong đặt Việt Nam vào tình thế thụ động hơn trong hợp tác song phương với Trung Quốc và có thể phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nguồn khác để bảo vệ lợi ích của mình.

Tuy nhiên, xu hướng trên có thể thay đổi phụ thuộc vào kết quả triển khai chiến lược của các nước lớn tại khu vực. Sự cạnh tranh Trung - Mỹ gia tăng, thể hiện qua việc triển khai của BRI và IPS, sẽ đặt Việt Nam vào thế cao trong bàn cờ chiến lược của nước lớn, cả Trung Quốc và Mỹ đều cần ưu tiên tranh thủ, kéo theo sự quan tâm gia tăng của các cường quốc khu vực. Nếu khai thác được ưu thế này, Việt Nam có thể giành được những lợi thế nhất định trong tạo môi trường thuận lợi khi xử lý các vấn đề an ninh, đồng thời mở rộng không gian phát triển của mình. Song điều này cần Việt Nam chủ động phát huy được lợi thế địa - chiến lược của mình, hướng được ASEAN vào những kế hoạch hành động phù hợp, tận dụng tốt vai trò của các diễn đàn, cơ chế hợp tác của ASEAN, mạnh dạn đưa ra các sáng kiến hợp tác đa phương theo hướng ủng hộ sự cân bằng lực lượng, nhất là trên lĩnh vực an ninh tại khu vực, trực tiếp là tại Biển Đông và Tiểu vùng. Thời điểm 2020 - 2021 là rất có ý nghĩa cho Việt Nam và ASEAN để thực hiện những bước đi này.

Kịch bản 1 vừa là thách thức lớn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội không nhỏ cho Việt Nam và ASEAN. Diễn biến trong những năm tới tùy thuộc một phần quan trọng vào cách thức hoạch định và triển khai chính sách của ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng trong hai năm 2020 - 2021.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Đỗ Lê Chi (Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử công an, Bộ Công an)

Thiếu tướng, Tiến sĩ Đỗ Lê Chi (Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử công an, Bộ Công an)

Những dạng thức cấu trúc mới, hình thành một trật tự mới

Kịch bản 2, trong cả hai trường hợp Mỹ và Trung Quốc xung đột hay thỏa hiệp, cũng đều dẫn tới các dạng thức cấu trúc hiện có bị phá vỡ, có thể dẫn tới những dạng thức cấu trúc mới, hình thành một trật tự mới, tác động trực tiếp và sâu sắc đến lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, nhất là với những nước nằm ở vị trí địa - chiến lược nhạy cảm như Việt Nam.

Với trường hợp cạnh tranh Trung - Mỹ dẫn tới xung đột, chiến tranh thì Biển Đông chính là địa bàn có nguy cơ hàng đầu trở thành “chiến trường” phân tranh của các nước lớn. Điều đó sẽ làm thay đổi toàn bộ môi trường an ninh ở Biển Đông nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bất kể bên nào có lợi thế lớn hơn. Không gian sinh tồn của Việt Nam bị thu hẹp, các huyết mạch kinh tế toàn cầu đi qua Biển Đông bị tê liệt. Trong bối cảnh đó, với tiềm lực hiện có, Việt Nam không còn khả năng tự chủ, rất khó khăn trong việc lựa chọn chính sách phù hợp để bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia của mình.

Trong trường hợp Mỹ - Trung thỏa hiệp, thiết lập một “trật tự G2” phân chia ảnh hưởng tại khu vực, Mỹ chấp nhận “quyền quản lý” của Trung Quốc tại Đông Nam Á, Việt Nam cùng nhiều nước ASEAN sẽ phải chấp nhận vai trò chi phối của Trung Quốc trong xử lý các vấn đề an ninh cũng như phát triển tại khu vực. Các trật tự, cấu trúc, cơ chế hợp tác, quy tắc ứng xử hiện tại bị phá vỡ, tiểu cấu trúc “Đàn sếu bay” sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nhiều trong một trật tự mới. Các nước ASEAN sẽ phải chọn bên, trong trường hợp này AM-5 có thể sẽ nghiêng hẳn sang Trung Quốc, còn AS-5 sẽ ít nhiều giữ được sự cân đối nhất định, tuy nhiên quan hệ “đồng minh” với Mỹ (như Phillippines) sẽ không còn phát huy được nhiều tác dụng.

Trong trường hợp Thái Lan thỏa hiệp với Trung Quốc đến mức Trung Quốc có thể xây dựng được kênh đào Kra, bức tranh địa - chiến lược tại Đông Nam Á sẽ thay đổi rất to lớn theo ý đồ của Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc thành công trong kiểm soát được bãi Tư Chính của Việt Nam và thiết lập được một cơ sở quân sự tại Shihanoukville (Campuchia) như dư luận đồn đoán thì vùng biển Nam Biển Đông sẽ nằm trong quyền kiểm soát hoàn toàn của Trung Quốc.

Trong cả hai trường hợp thuộc kịch bản này, Việt Nam đều là quốc gia bị tác động xấu nhất. Trong trường hợp xảy ra xung đột, chiến tranh, Việt Nam có thể sẽ là “bãi chiến trường” như trong quá khứ. Trong trường hợp Mỹ thỏa hiệp, chấp nhận ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc tại Đông Nam Á, những giá trị cốt lõi của Việt Nam như độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đều bị suy giảm nghiêm trọng. Đây là kịch bản xấu nhất mà Việt Nam cần nỗ lực góp phần để ngăn chặn vì lợi ích của quốc gia và toàn khu vực.

(Còn tiếp)

Bài 5: Điều kiện để đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia