Có cách nào hóa giải những cơn cuồng ghen đoạt mạng cả người yêu thương?

ANTD.VN - Trong thời gian gần đây, đã xảy ra rất nhiều vụ án nghiêm trọng ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống tinh thần của người dân. Đa số những vụ án này, đối tượng phạm tội chủ yếu là thanh thiếu niên, chiếm gần 70% vụ án hình sự theo công bố của Viện nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm – Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa.

Như ANTĐ đã đưa tin, vào tối ngày 14-10 một vụ án nghiêm trọng xảy ra trên phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nạn nhân là một cô gái trẻ, bị một đối tượng nam cầm hung khí đâm trọng thương, khiến nạn nhân gục xuống đường và bị chảy rất nhiều máu.

Hiện trường vụ án tối ngày 14-10 trên đường Bùi Thị Xuân

Theo tìm hiểu, nạn nhân là chị Nguyễn T (sinh năm 1993, quê quán Hưng Yên, hiện đang tạm trú tại quận Hai bà Trưng). Chị T đang làm y tá tại một thẩm mỹ viên trên phố Bùi Thị Xuân. Đối tượng gây ra sự việc là người yêu cũ của chị T, tên là V (SN 1994, ở Tứ Kỳ, Hải Dương). “Hai người đã yêu nhau khoảng 5 năm khi còn học trung cấp Y ở Hải Dương. Sau đó T và V đã chia tay nhau từ năm 2016”. Khi biết chị T có bạn trai, V liên tục nhắn tin hăm dọa, từ việc dọa “tạt axit” cho tới sát hại.

Sau khi được cấp cứu kịp thời chị T đã qua cơn nguy kịch, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, truy bắt đối tượng V để xử lý theo pháp luật.

Đây không phải là vụ án “tình” đầu tiên gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của nhiều người dân. Trước đó, dư luận đã từng rung động trước những vụ án “tình”, ngang nhiên tước đoạt mạng sống người khác chỉ vì cuồng ghen như: vụ thảm sát Bình Phước tháng 7 -2015, vụ án nữ sinh bị người yêu sát hại bằng 15 nhát dao ở Quảng Nam, vụ án cô giáo bị chồng sắp cưới sát hại ở TP Hồ Chí Minh… và còn rất nhiều những vụ án thương tâm khác.

Những vụ án “tình” làm chấn động dư luận

Trưa 23-4-2018, người dân TP.HCM bàng hoàng khi hay tin nữ giáo viên tại Q.Bình Thạnh bị chồng sắp cưới sát hại. Cô N.T.T (26 tuổi), là giáo viên dạy toán tại Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh). Thời gian công tác tại trường, cô T. quen và yêu Võ Minh Thắng (27 tuổi), là giáo viên dạy thể dục cùng trường. Sau khoảng một năm yêu nhau, hai người tính tới hôn nhân.

Đường Trường Sa (TPHCM) – nơi cô giáo T bị chồng sắp cưới đâm tử vong

Thế nhưng trước ngày tổ chức đám cưới, cô T. thấy Thắng có dấu hiệu “bắt cá hai tay” nên quyết định hủy đám cưới. Cũng chính quyết định này mà tai họa ập đến với cô gái trẻ. Trên đường từ trường về nhà, cô đã bị Thắng dùng dao đâm nhiều nhát vào người, dẫn đến tử vong. Cái chết của cô T. khiến người thân, học sinh và cả giáo viên trong trường bàng hoàng không tin nổi. Bởi những nhát dao tàn độc đó do chínhThắng, người thầy giáo được nhiều người khen là hiền lành, dễ thương.

Năm 2017, người dân Quảng Nam rúng động bởi việc một nữ sinh bị người yêu sát hại dã man bằng 15 nhát dao. Kẻ gây ra thảm án không ai khác chính là người từng chung sống với nạn nhân.

Phan Anh Tú (27 tuổi, xã Đại Hiệp, H.Đại Lộc, Quảng Nam) và T.V.T.T. (20 tuổi, sinh viên Trường đại học Quảng Nam) yêu nhau trong một thời gian dài. Hai người thậm chí đã từng sống chung tại một phòng trọ ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam).

Thời gian chung sống, tình cảm giữa hai người bị rạn nứt, từng vài lần nói lời chia tay rồi quay lại. Đầu tháng 12-2017, Tú và T. phát sinh mâu thuẫn vì Tú nghĩ T. có người khác. Mâu thuẫn đến đỉnh điểm, T. đòi chia tay với Tú và sau đó, nữ sinh này đã bị người yêu dùng dao đoạt đi mạng sống.

Cũng vì níu kéo tình cảm bất thành, Phạm Văn Trưởng (29 tuổi, ngụ Hải Dương), đã đâm nữ sinh V.T.H (20 tuổi) vào sáng ngày 7-6-2016 tại chợ Thanh Bình (TP Hải Dương) bằng hàng chục nhát dao.

Trưởng từng có thời gian làm việc tại nhà H. và rồi quen biết và dần nảy sinh tình cảm với nhau. Cả hai người đã có thời gian dài yêu đương cho đến khi học xong lớp 12, H. lên TP Hải Dương đi bán hàng thuê. Lúc này, H. quyết tâm chia tay Trưởng dù gã nhiều lần níu kéo.

Buổi sáng oan nghiệt, Trưởng ra tay sát hại bạn gái ngay tại giữa chợ...

Sát hại cả gia đình người yêu cũ...

Vụ “thảm án Bình Phước” xảy ra vào tháng 7-2015 mới thực sự là đỉnh điểm của những cơn cuồng ghen điên rồ.

Nguyễn Hải Dương (28 tuổi, quê An Giang) cùng đồng bọn ra tay sát hại cả 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi, huyện Chơn Thành, Bình Phước).

Nguyên nhân chỉ xuất phát từ mâu thuẫn chuyện tình cảm giữa Nguyễn Hải Dương với con gái ông Mỹ là Lê Thị Ánh Linh (24 tuổi).

Người thân khóc ngất trong phiên xử Nguyễn Hải Dương, kẻ gây nên vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước

 Trước đó, Nguyễn Hải Dương quen với Ánh Linh trong một lần đi sinh nhật. Thời gian yêu nhau, Linh hết mực yêu thương và giúp đỡ Dương về tiền bạc.

Tuy nhiên, trong quá trình yêu nhau, cả hai thường xảy ra mâu thuẫn cãi vã và dẫn đến việc chia tay. Nguyễn Hải Dương nhiều lần níu kéo tình cảm nhưng bất thành nên đã cùng đồng bọn “thảm sát” cả gia đình Ánh Linh để trả thù.

Qua những vụ án trên, có thể thấy nguồn cơn dẫn đến những bi kịch là do mâu thuẫn tình cảm, ghen tuông mù quáng, quá yêu, quá ghen và sợ mất người mình yêu.

Ghen bắt nguồn từ đâu?

Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Viện nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an): Hành vi bộc phát dẫn tới những vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm trong sinh hoạt gia đình không chỉ là biểu hiện nhất thời mà đã tích tụ trong một thời gian dài. Bên cạnh đó có vấn đề đạo đức xuống cấp, việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống không được đề cao dẫn tới khi xảy ra xung đột, dù là xung đột nhỏ nhưng hậu quả họ gây ra lại rất lớn.

Không chỉ đánh ghen, nhiều vụ án mạng xảy ra từ chính những trận ghen tuông mù quáng

Dưới góc độ tâm lý học, Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý (Hội Tâm lý giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), phân tích, ghen là một trạng thái tâm lý xuất phát từ suy nghĩ nhận thức rồi dẫn tới hành động. Khi ghen, người ta sẽ dễ dàng bị chuyển đổi từ trạng thái tâm lý giận dữ sang hành động bạo lực mù quáng. Nếu người đó nhận thức và đạo đức kém, việc họ sẵn sàng cướp đi sinh mạng của người họ yêu, người cùng chung sống với họ rất dễ xảy ra. Một số chuyên gia cho rằng, những vụ án giết người do ghen tuông thường bộc phát nên rất khó phát hiện.

 Để đấu tranh có hiệu quả, hạn chế loại tội phạm này, quan trọng là phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức và tuyên truyền pháp luật cho mọi đối tượng. Cái ác xuất phát từ tâm, tâm ác dẫn đến hành vi thủ ác. Cái ác sẽ không có chỗ đứng nếu con người định hướng cho mình lối sống nhân văn. Bên cạnh việc giáo dục hướng thiện, cần đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc phát hiện, xử lý, hóa giải các mâu thuẫn từ cơ sở.

Vì sao ngày càng có nhiều thanh thiếu niên phạm tội?

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Cả xã hội không khỏi giật mình trước thực trạng thanh thiếu niên luôn mang theo vũ khí, các em sẵn sàng sử dụng nó để phạm trọng tội chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ... Chúng ta không thể không bất an về thực trạng trẻ em phạm nhiều trọng tội với các hành vi, thủ đoạn tàn ác đến rợn người như hiện nay…”.   

Hiện nay, tình trạng trẻ hóa tội phạm ngày càng nhiều với tính chất, mức độ, hành vi tội phạm ngày càng nguy hiểm, hung hãn. PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Viện nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) chỉ ra nhiều nguyên nhân từ yếu tố từ tâm lý, đạo đức, rồi kinh tế, văn hóa và cả ảnh hưởng của truyền thông... Trong xã hội mở hiện nay có rất nhiều sức ép, từ nền kinh tế thị trường, từ việc làm, lao động và từ những giá trị cuộc sống thay đổi đã khiến một bộ phận dân chúng, nhất là giới trẻ đã có sự thay đổi về mặt nhận thức, hành vi và đặc biệt đó là sự xuống cấp về đạo đức và lối sống.

“Chúng ta thấy những hành vi xấu xa, bạc ác, tàn nhẫn trước đây thường bị lên án, bị xử lý và trừng trị rất nghiêm khắc, trong xã hội người ta lên án rất mạnh mẽ. Nhưng ngày nay, những việc này đối với nhiều người lại trở thành việc bình thường. Khi đạo đức, nhận thức, lối sống biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, và đặc biệt là giá trị của đồng tiền được lên ngôi, người ta chạy theo những giá trị đó cho nên nó dẫn đến những xung đột, tranh chấp, tranh đoạt. Đấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi của tội phạm, nhất là trong những người trẻ tuổi”.

Việc trẻ em vi phạm pháp luật liên quan chặt chẽ đến nhiều vấn đề khác nhau và nó được xem như một hệ lụy. Hệ lụy của việc gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc con cái, nhà trường chưa thực sự làm tốt việc giáo dục đạo đức làm người cho lớp trẻ, một số tổ chức có liên quan đến việc giáo dục học sinh vẫn chưa theo kịp những diễn tiến phức tạp về tâm lý nhóm trong sự biến chuyển của xã hội.