Cơ bản đề nghị giữ nguyên mức xử phạt vi phạm giao thông

ANTĐ - Bộ GTVT vừa có Tờ trình gửi Chính phủ Dự thảo Nghị định (NĐ) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Dự thảo Nghị định giảm mức xử phạt lái xe liên quan đến hộp đen

Tại Dự thảo trình Chính phủ lần này, Bộ GTVT đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, phù hợp với tình hình hiện tại, đồng thời vẫn đủ sức răn đe, hạn chế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Theo đó, về cơ bản giữ nguyên mức phạt như NĐ 71 hiện hành; giảm các mức phạt quá cao với cá nhân, nhưng tăng mức phạt gấp đôi đối với tổ chức vi phạm. Cụ thể, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cùng một hành vi vi phạm. 

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định hình thức tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có thời hạn 24 tháng đối với người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thực hiện hành vi vi phạm “điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy”. Dự thảo cũng hạ mức phạt lái xe xuống còn từ 1 - 2 triệu đồng và bỏ hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX 30 ngày với vi phạm không gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) hoặc gắn thiết bị không hoạt động. Theo quy định hiện hành, đối với phương tiện vận tải không gắn thiết bị hoặc gắn thiết bị mà không hoạt động thì bên cạnh việc xử phạt từ 2-3 triệu đồng, lái xe còn bị tước quyền sử dụng GPLX một tháng. 

Tại Tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT không đưa vào Dự thảo xử phạt xe không chính chủ. Theo Bộ GTVT, vấn đề này vẫn đang tồn tại 2 luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến đề nghị, chưa quy định việc xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên trong Dự thảo NĐ, bởi hiện nay, việc quy định trách nhiệm của cá nhân phải chuyển quyền sở hữu phương tiện khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế là chưa rõ ràng, khó xác định đối tượng vi phạm. Bộ GTVT cho biết, qua đóng góp ý kiến, có 10 cơ quan Bộ, ngang Bộ, 16 địa phương và 5 tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đồng tình với quan điểm này.

Bên cạnh đó vẫn có 3 Bộ và 21 địa phương đề nghị tiếp tục quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên trong Dự thảo NĐ; đồng thời giảm mức và giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt. Bởi, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế thì phải làm thủ tục sang tên, thay đổi đăng ký xe. Như vậy, mọi hành vi vi phạm quy định này đều phải bị xử lý. Mặc dù vậy,  Dự thảo NĐ mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ thể hiện theo ý kiến một, không xử phạt đối với hành vi này.