Có ai phạm tội trong việc thí sinh uống nhầm axít hay không?

ANTĐ - Tối 11-1, trong đêm bán kết 4 của chương trình Vietnam’s Got Talent, một sự cố hy hữu đã xảy ra ngay trên sân khấu được phát sóng trực tiếp, theo đó thí sinh Trần Tấn Phát đã thất bại trong màn trình diễn của mình, dẫn tới việc uống phải ly axit vô cùng nguy hiểm. 

Trước khi biểu diễn, Tấn Phát nhắc đi nhắc lại: mọi người không nên thử ở nhà vì đây là tiết mục cực kỳ nguy hiểm... Theo ban tổ chức, cho đến khi nhận ra những biểu hiện bất thường trên mặt Tấn Phát, tiết mục đã được cắt nhanh để đưa Tấn Phát ra ngoài sơ cấp cứu, rồi đến bệnh viện... Bác sĩ cho biết: bệnh nhân bị bỏng vùng họng miệng, tổn thương độ 2 do axit. Bệnh nhân sau khi thử nhầm axit đã phun ra nhưng vì đã uống ly nước sau đó nên vẫn có khả năng uống axit loãng vào trong bụng. Nếu bệnh nhân bị tổn thương đường tiêu hóa, nguy cơ có thể xảy ra là sẽ bị xuất huyết dạ dày. Được biết, thí sinh Trần Tấn Phát đã ký cam kết tự chịu trách nhiệm về mọi hậu quả (nếu có) xảy ra trong khi biểu diễn.

Vấn đề cần trao đổi là ai sẽ phải chịu trách nhiệm về tai nạn này và mức độ xử lý như thế nào?

Có ai phạm tội trong việc thí sinh uống nhầm axít hay không? ảnh 1

Những người tổ chức phải biết không được phép sử dụng axít tùy tiện

Ban tổ chức và thí sinh tham gia chương trình cần kiểm tra thật kỹ về mức độ an toàn rồi hãy trình diễn, không nên để hậu quả xảy ra như thế. Để xảy ra việc này tôi cho rằng một phần lỗi là ở Ban tổ chức, khi biết rằng đây là trò chơi mang tính may rủi (thí sinh trình bày), mà vẫn cho thí sinh trình diễn. Hơn nữa axit là loại hóa chất đặc biệt có thể dẫn đến chết người không được phép tùy tiện sử dụng, và lại càng không được phép mang ra làm trò chơi. Đài truyền hình cũng phải thực hiện nghiêm những quy định đó. Kể cả khi Thí sinh cam kết sẽ chịu trách nhiệm thì Ban tổ chức cũng phải có trách nhiệm không cho phép tiết mục như vậy tham gia chương trình. Tôi thấy có dấu hiệu của tội vô ý gây thương tích trong trường hợp này.

Trần Thị Huệ (Văn Giang, Hưng Yên)

Ban tổ chức thiếu sự chuẩn bị đối phó với sự cố

Sự cố thì bất thường, chúng ta không thể nào lường trước được tất cả các tình huống, nhưng tôi cho rằng Nhà nước cần đưa ra những quy định cụ thể cho những chương trình truyền hình mang tính nguy hiểm như trường hợp của thí sinh uống nhầm axit vừa qua. Trường hợp uống nhầm axit vừa rồi là một trò chơi mang tính may rủi, mà may rủi thì không nên đưa lên truyền hình để đại chúng xem. Ngoài những quy định cụ thể, chặt chẽ, tôi cho rằng những người làm chương trình truyền hình cũng phải ý thức được tính nguy hiểm của các chương trình mình làm để kiểm soát và hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Việc chàng trai Trần Tấn Phát vào đến vòng bán kết chỉ với một trò chơi “rùng rợn” cho thấy nhiều chương trình truyền hình chỉ tập trung vào khía cạnh câu khách mà bỏ qua những nguyên tắc an toàn. Vẫn biết, một trong những điều kiện bắt buộc mà mỗi thí sinh khi đăng ký tham gia các chương trình truyền hình thực tế trên truyền hình là phải đảm bảo tính an toàn tiết mục của mình cũng như tự chịu trách nhiệm nếu rủi ro xảy ra, nhưng rõ ràng, nếu BTC chương trình không chuẩn bị những phương án dự phòng, bảo vệ cần thiết thì trong trường hợp này không thể vô can mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sức khỏe của thí sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không thể nói thí sinh đã tự chịu trách nhiệm thì những người tổ chức đương nhiên không phải chịu trách nhiệm cho dù có nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của thí sinh. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm trước công chúng, và trách nhiệm trước pháp luật chứ không phải chỉ là trách nhiệm với thí sinh tham gia, vì không phải ai cũng được phép sử dụng axit.

Phạm Văn Phúc (Q. Ba Đình, Hà Nội)

Đã vi phạm các quy định pháp luật về sử dụng hóa chất

Theo quy định của Luật Hoá chất, tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng hoá chất vào một số mục đích nhất định như để sản xuất hàng hoá, tiêu dùng, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Không có quy định nào cho phép sử dụng hoá chất để “thi thố” trong một chương trình truyền hình thực tế. Nếu có sử dụng vào mục đích tiêu dùng, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ thực hiện đúng chỉ dẫn kỹ thuật đi kèm với hóa chất hoặc thể hiện trên nhãn hóa chất; bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. Nếu loại axit mà thí sinh này sử dụng trong chương trình được xếp vào loại hoá chất nguy hiểm, căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 6 Nghị định 163/2003/NĐ-CP ngày 12.11.2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoá chất thì người sử dụng hoá chất sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng nếu có hành vi “không thực hiện đăng ký sử dụng hoá chất nguy hiểm trước khi bắt đầu sử dụng”;  1 triệu đến 2 triệu đồng nếu có hành vi “chứa, đựng hoá chất không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc có nguy cơ gây nhầm lẫn với các sản phẩm, hàng hoá khác”. Trong trường hợp cụ thể này, người bị xử phạt là bản thân thí sinh Trần Tấn Phát hoặc VTV mà cụ thể là ê kíp thực hiện chương trình Vietnam’s Got Talent. Căn cứ vào quy chế, thể lệ chương trình để xác định đối tượng bị xử phạt.

Lê Thế Hữu (Q1. TP Hồ Chí Minh)

Bình luận của luật sư 

Căn cứ vào nội dung vụ việc và chương trình biểu diễn được phát rộng rãi trên VTV3, chúng ta thấy như sau: Thí sinh Trần Tấn Phát đã ký cam kết tự chịu trách nhiệm về mọi hậu quả do tiết mục biểu diễn của mình gây ra. Thí sinh biểu diễn một tiết mục có thể gây nguy hiểm đến sinh mạng và tai nạn đã xảy ra, thí sinh Trần Tấn Phát đã uống nhầm một lượng axit sunfuric. Đáng chú ý, sau khi Trần Tấn Phát uống nhầm ly axít, BTC chương trình ngay thời điểm đó cũng không cho dừng tiết mục diễn, hoặc không hỏi xem Tấn Phát có thể biểu diễn được tiếp hay không. Mặc dù cố gắng hoàn thành nốt bài thi nhưng trên truyền hình, khán giả hoàn hoàn nhận thấy gương mặt Tấn Phát đã biến sắc tái xanh, môi bị rộp trắng. Anh chàng cũng luống cuống uống hết những ly nước còn lại. Trong khi khán giả truyền hình và tại trường quay khá hoảng hốt cho tiết mục của Tấn Phát, thì MC Thanh Vân vẫn dẫn chương trình theo đúng kịch bản thay vì cô phải đưa Tấn Phát vào trong để sơ cứu kịp thời. Việc MC coi như không vấn đề gì xảy ra, vẫn níu chân chàng ảo thuật trên sân khấu để giao lưu, hỏi ý kiến các thành viên ban giám khảo có thể coi là một sự xử lý thiếu chủ động chứ không thể nói là “tai nạn nghề nghiệp” đơn thuần.

Như vậy, ở đây, có mấy vấn đề pháp lý cần được phân tích. 

Chương trình này có được cấp phép không? Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, theo Nghị định 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thì chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam - Vietnam’s Got Talent không nằm trong những chương trình cần Cục cấp giấy phép. Theo đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn: “Đây là chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với công ty tư nhân thực hiện. Phía Đài Truyền hình Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm về nội dung của chương trình”. Như vậy, ban tổ chức chương trình và VTV là đơn vị phải chịu  trách nhiệm trước pháp luật về chương trình này. 

Về việc cho phép thí sinh biểu diễn tiết mục nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của thí sinh, nhưng không chuẩn bị đầy đủ các phương tiện và tổ chức ứng cứu, khắc phục hậu quả. Trong trường hợp này, Ban tổ chức chương trình và VTV không có ý định gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh mạng của thí sinh Trần Tấn Phát. Việc thí sinh  gây tai nạn là ngoài ý muốn, do vậy, nếu hậu quả xảy ra cũng chỉ do vô ý. Về ý kiến bạn đọc cho rằng việc không chuẩn bị phương án đối phó, khắc phục hậu quả, thậm chí việc trì hoãn cấp cứu gây tổn hại đến sức khỏe thí sinh là có dấu hiệu vi phạm điều 108 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, bạn đọc cần hiểu kỹ điều luật này. Điều luật có quy định: Chỉ khi nào sức khỏe bị hại có tỷ lệ thương tật đến 31%, vụ án mới được khởi tố. Vì vậy, nếu sau khi điều trị, thí sinh Trần Tấn Phát có tỷ lệ thương tật đến 31%, vụ án chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Như vậy nếu Tấn Phát không có yêu cầu, vụ án sẽ không bị khởi tố.

Về cam kết của thí sinh chịu trách nhiệm, về mặt pháp lý, thí sinh sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn các tổn thất về mặt dân sự khi xảy ra tai nạn trong khi biểu diễn. Đây là bài học cho tất cả các chương trình giải trí có các tiết mục nguy hiểm.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)