Trường Sa - nơi hội tụ yêu thương (1):

Chuyến tàu nối hai bờ nỗi nhớ

ANTĐ - Thiên nhiên nơi đảo nổi, đảo chìm và những con người dạn dày sóng gió ở Trường Sa đã mang lại trong tôi những xúc cảm mãnh liệt cùng niềm tin sắt son: Quân, dân huyện đảo Trường Sa anh hùng sẽ mãi vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, canh giữ cho biển đảo vẹn toàn và trường tồn cùng dân tộc.

Cảng Cát Lái, Tp.HCM, một buổi sớm nhộn nhịp đến lạ thường. Gần hai trăm con người từ khắp mọi miền đất nước đã tụ hội về đây với những gói quà, hành lý lỉnh kỉnh chuẩn bị cho một chuyến đi biển, đảo dài ngày. Một chút nữa thôi, những hành khách đặc biệt này sẽ lên hai con tàu hải quân HQ-936 và HQ-996 để rẽ sóng tới các đảo chìm, đảo nổi, xã đảo trên huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà thăm chồng, thăm con sau những tháng ngày dài xa cách và nặng lòng nhớ thương. Và đây là đợt thứ hai, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Quân chủng Hải quân tổ chức đưa thân nhân từ đất liền ra thăm động viên chồng, con và nhân dân đang sinh sống, lao động, công tác trên huyện đảo Trường Sa.

Tôi lên con tàu HQ-936 hành quân về hướng Bắc Trường Sa, bắt đầu một hành trình hơn mười ngày đêm cùng thân nhân thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các đảo, xã đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông. Còn ở hướng Nam, con tàu HQ-996 sẽ đưa đoàn thân nhân hành quân thăm cụm đảo, xã đảo nằm ở Nam Trường Sa. Quả thực với tôi, đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa. Lý do không chỉ đây là lần đầu tiên tôi được ra với bộ đội Trường Sa, mà còn bởi những con người đáng yêu, đáng trân trọng và rất đáng tri ân đang ở trên con tàu này là những tấm gương về đức hy sinh.

Trên boong tàu và trên các đảo Nam Yết, Sơn Ca khi thấy những giọt lệ khóc con, khóc cháu của những người cha, người chú các liệt sỹ Đặng Hoàng Hùng, Nguyễn Văn Hà, Phạm Văn Thế và Đỗ Khánh Hưng, tất cả mọi người trong đoàn chẳng ai cầm nổi lòng mình. Những giọt lệ thương xót các anh ngã xuống vì chủ quyền biển đảo quê hương khi tuổi đời còn rất trẻ, mới mười tám, đôi mươi. Có anh hy sinh khi chưa lập gia đình như liệt sỹ Hoàng Thế Anh, Nguyễn Văn Hà (hy sinh tròn 21 tuổi), hạ sỹ Đỗ Khánh Hưng (hy sinh lúc 26 tuổi), và có đồng chí nằm xuống nơi đảo xa khi con thơ chưa kịp chào đời như liệt sỹ Phạm Văn Thế.

 Chị Phạm Thu Hằng, xúc động gặp con trai Trần Vũ Hoàng Anh trên đảo Sinh Tồn Đông

 Chị Phạm Thu Hằng, xúc động gặp con trai Trần Vũ Hoàng Anh trên đảo Sinh Tồn Đông

Trên đảo Sơn Ca, bên phần mộ của con trai - Thượng úy Phạm Văn Thế, ông Phạm Văn Thuật, 58 tuổi quê xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nói với chúng tôi mà như tâm sự cùng con trai: “Em Thế là con cả trong gia đình. Em hy sinh khi vợ mang thai được vài tháng. Nay con trai của Thế hơn 4 tuổi rồi, gia đình mới có dịp ra phần mộ thắp hương cho em. Khi còn sống, em Thế thích ăn bưởi lắm, nên lần này ra đảo Sơn Ca viếng Thế, tôi mang theo hai quả bưởi từ quê nhà. Một quả dành cho Thế. Còn một quả để phần cháu Đỗ Khánh Hưng có mộ phần cạnh mộ phần của Thế!”.

Hôm người bố Nguyễn Sơn, từ xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tới đảo Nam Yết, thắp hương bên phần mộ con là liệt sỹ Nguyễn Văn Hà, hy sinh khi 21 tuổi đúng vào ngày giỗ đầu của Hà. Ông Sơn tâm sự: “Tính đến hôm nay, Hà mất được đúng một năm bảy ngày rồi. Trước lúc bác rời quê ra đảo thăm mộ Hà, gia đình cũng đã làm mâm cơm cúng giỗ đầu cho Hà!”. Thương xót đứa con trai đầu lòng ngoan hiền, hiếu thảo, ông Sơn cứ nấn ná bên mộ của con mãi. Hình như ông muốn tâm sự với con nhiều điều, trên gương mặt cương nghị, rắn rỏi của ông như toát nên niềm kiêu hãnh, tự hào về người con đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền biển đảo quê hương.

Một gia đình có ba thế hệ, với 5 người là bộ đội hải quân, trong đó có hai liệt sỹ, đó là gia đình Trung tá Hoàng Đức Tuấn, công tác tại Nhà máy X56 (Cục kỹ thuật Hải quân). Lần này, Trung tá Hoàng Đức Tuấn ra đảo Nam Yết hương khói trên mộ phần của con, cũng là để an ủi, xoa dịu nỗi đau mất mát của cả gia đình, dòng họ. Bởi liệt sỹ Đặng Hoàng Hùng là con trai duy nhất trong gia đình. Hùng hy sinh ngày 25-2-2004, khi cứu suồng và hàng. Vậy là gần 7 năm kể từ ngày Hùng hy sinh, bố Tuấn mới ra được phần mộ để hương khói cho Hùng. Nhìn mộ phần của con được đồng đội chăm chút, khói hương chu đáo, lòng Trung tá Hoàng Đức Tuấn ấm lại và trào dâng tình yêu thương những lính đảo ngày đêm vật lộn với phong ba bão táp, sẵn sàng hy sinh máu xương bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.

Hai mẹ con bà Tình trên đảo Song Tử Tây 

 Hai mẹ con bà Tình trên đảo Song Tử Tây

Cuộc sống của quân và dân ở đảo chìm, đảo nổi, nơi cách xa đất liền hàng trăm hải lý, không chỉ vất vả, gian lao, mà còn chịu nhiều thiếu thốn. Và cái thiếu nhất vẫn là tình cảm gia đình, tình mẫu tử, nghĩa vợ chồng. Với nhiều cán bộ, chiến sỹ, nhất là những đồng chí giữ cương vị chủ chốt ở đảo, xã đảo thì mỗi năm số ngày gần gũi những người thương yêu chỉ được mấy tuần. Làm nhiệm vụ ngoài hải đảo xa xôi, cách đất liền vài trăm hải lý, nên những lúc gia đình có công to việc lớn, thậm chí khi vợ sinh con, lúc bố mẹ từ trần, những người lính đảo chỉ biết se sắt lòng vì không thể ở gần bên.

Ở đảo chìm Đá Nam, Thượng úy Kiều Việt Phong cho biết, dịp đầu năm nay, nghe tin bố của Thiếu úy Trương Văn Quân, quê Thạch Hà, Hà Tĩnh tử nạn, nhưng Quân không thể về được để từ biệt người cha. Vậy là, cả đảo xúm vào động viên an ủi. Đâu phải mình Quân, bản thân đảo trưởng Phong có vợ, con nhỏ ở tận tỉnh miền núi Vĩnh Phúc, suốt ba năm đi đảo Phong chỉ ở với vợ con được vỏn vẹn mấy tuần.

Thương con đằng đẵng xa nhà, nên quà mang ra đảo tặng con trai Thiếu úy Lê Xuân Thắng ở đảo Song Tử Tây, của ông Lê Xuân Vóc là tấm hình của vợ và con Thắng. Ông Vóc kể: “Em Thắng lấy vợ được hai năm, mà mới chỉ về phép được một tháng dịp cưới vợ thôi!”. Nên, từ lúc nhận ảnh của vợ và cậu con trai bụ bẫm, kháu khỉnh được đặt tên Lê Xuân Toàn, Thắng cứ nâng niu ngắm mãi. Hình như Thắng đang mơ phút giây được gần vợ, gần con.

Trong hành trình bốn ngày, ba đêm từ đất liền ra xã đảo Sinh Tồn, cứ sau bữa ăn tối ông Trần Quốc Việt lại ra vòi nước trên boong tàu lúi húi chăm sóc hai cây non. Ông bảo: “Đó là hai cây vạn tuế. Quà quê mang ra tặng cán bộ và nhân dân xã đảo nơi cậu con cả của tôi là Thiếu úy Trần Giang Nam công tác. Nam đi đảo được hơn sáu năm rồi, em nó đã làm nhiệm vụ trên các đảo Trường Sa Đông, Đá Lát, Sinh Tồn. Tháng 10 năm 2010, Nam lấy vợ. Vợ em công tác tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dịp cưới vợ, Nam phải thuê nhà ở bên vợ được đúng một tuần là khăn gói hành quân trở lại đảo”. Giây phút hai bố con ông Việt cùng Trung tá Trần Như Hải, Đảo phó tham mưu trưởng xã đảo Sinh Tồn trịnh trọng đặt hai chậu cảnh trồng hai cây vạn tuế lên thềm của cột mốc chủ quyền, tôi thấy niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt của ông và cậu con trai dạn dày sóng gió.

Trung tá Hoàng Đức Tuấn, thắp hương bên mộ con trên đảo Nam Yết. 

 Trung tá Hoàng Đức Tuấn, thắp hương bên mộ con trên đảo Nam Yết.

Trung tá Hải trân trọng cảm ơn ông Việt cùng gia đình đã góp phần làm cho xã đảo Sinh Tồn thêm xanh tươi, rạng rỡ giữa biển khơi. Cũng chính những món quà từ đất liền gửi tặng mà xã đảo Sinh Tồn bây giờ thật nhiều cây xanh, cây cảnh, bồn hoa chẳng kém gì hoa viên. Đảo không chỉ có thông, bàng xanh, mù u, phượng vĩ mà còn có cả hoa hồng, hoa loa kèn và rất nhiều loại cây ăn quả. Còn quà của ông Lê Khắc Xông ở xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá mang tặng con trai - Thiếu úy Lê Khắc Hồng ở xã đảo Song Tử Tây là những túi hạt giống rau và thuốc bảo vệ thực vật, với mong muốn bộ đội và bà con sinh sống trên đảo làm tốt công tác tăng gia, bảo đảm đời sống. Ông Xông bảo, chuyến này thăm con, động viên con Tết năm nay nghỉ phép về cưới vợ, chẳng gì năm nay Hồng cũng đã 29 tuổi rồi. Và ở quê, Hồng cũng đã tìm cho mình người tâm đầu ý hợp (!).

Mang nặng đẻ đau, nhọc nhằn nuôi con khôn lớn, người mẹ nào chẳng thương yêu con hơn cả bản thân mình. Xa con một chút đã nhớ, nhưng vì toàn vẹn chủ quyền biển đảo, vì nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, các mẹ đành xa con. Phút giây bà Phạm Thu Hằng, ở phường Chảng Dài, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai con gặp con trai Trần Vũ Hoàng Anh trên đảo Sinh Tồn Đông sau bao tháng ngày xa cách, mẹ cứ ôm lấy con mà dàn dụa nước mắt.

Bà Hằng kể: “Hoàng Anh mới 18 tuổi, đi đảo được 8 tháng rồi. Trước khi đi đảo, Hoàng Anh đã lập gia đình, nay con trai của Anh được 2 tháng tuổi. Khi vợ sinh con, Anh không có ở nhà, nên bà nội quyết định đặt tên cháu trai là Trần Dũng Trường Hải Quân, để cháu tự hào với mọi người rằng có bố là bộ đội Hải quân. Và sau này lớn lên cháu cũng sẽ làm bộ đội Hải quân như bố Hoàng Anh”. Bà Hằng có dáng người mập mạp, tính tình xởi lởi, mấy ngày ở trên tàu, bà luôn miệng nói cười rôm rả; trong buổi giao lưu văn nghệ bà còn nhảy múa tưng bừng. Vậy mà gặp con, thấy con trai sau 8 tháng công tác ngoài đảo lại tăng tới 5 kg, bà cứ khóc hoài. Bà bảo: Vui mừng lắm, thấy con khỏe ra, trưởng thành nhiều, nên khóc thôi!

 Bố con ông Trần Quốc Việt trồng cây vạn tuế trên đảo Sinh Tồn

Bố con ông Trần Quốc Việt trồng cây vạn tuế trên đảo Sinh Tồn

Trên chuyến tàu chở nặng nghĩa tình ra biển đảo, tôi còn gặp những người mẹ, người cha có tới hai con trai đang là bộ đội Hải quân. Bà Lê Thị Chung, xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá-người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ, nhưng ánh mắt cương nghị. Chồng mất khi bà Chung mới 27 tuổi, cậu con trai lớn tròn 2 tuổi, còn cậu con trai út chưa chào đời. Bà Chung ở vậy một mình vật lộn với bão táp cuộc đời nuôi hai con khôn lớn. Nay cả hai đã là bộ đội Hải quân: Cậu cả Thiếu úy Lê Xuân Thuyết công tác ở đảo Song Tử Tây anh hùng, cậu út Lê Xuân Tiến là học viên năm thứ hai của Học viện Hải quân. Bà dự định, sau khi ra đảo thăm Thuyết, lúc trở lại đất liền sẽ đến Học viện Hải quân động viên Tiến. Lúc kể về hai cậu con trai ngoan, hiếu thảo, đôi mắt bà Chung cứ trào lệ. Bà bảo, cuộc đời mình đã đi qua những tháng ngày nhọc nhằn vất vả, nay các con trưởng thành càng thấy hạnh phúc đến với mình thật lớn lao.

Vâng, cuộc đời thật công bằng, không lấy hết của ai, và cũng chẳng cho không ai - bà Chung nói thế rồi lén au dòng nước mắt khi nghĩ đến phút giây hạnh phúc được gặp con trai trên xã đảo Song Tử Tây. Thật tình cờ, trên chuyến tàu ra xã đảo Song Tử Tây bà Chung lại gặp và làm quen với bà Nguyễn Thị Lộc, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cũng có hai con trai là bộ đội hải quân mà lại công tác cùng đơn vị với con bà Chung nữa. Con trai đầu của bà Lộc  là Thiếu úy Lê Duy Phong, công tác trên xã đảo Song Tử Tây. Phong đã cưới vợ năm 2009, nhưng chưa sinh con, vì vợ Phong còn lo học Đại học.

Còn Lê Duy Tráng-cậu con ra thứ hai của bà Lộc đang học Học viện Hải quân cùng khoá với con bà Chung. Vậy là hai người mẹ cứ tâm sự với nhau suốt những ngày con tàu HQ-936 hành trình trên biển. Tôi biết, các mẹ đang khoe với nhau về những đứa con ngoan, hiếu thảo với mẹ cha và nặng lòng yêu Tổ quốc. Chẳng thế mà, mỗi lần Thượng úy Vũ Văn Huy, trợ lý chính trị đảo Sinh Tồn gọi điện về thăm bố Vũ Huy Chương, ở xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, cứ mải mê hát cho bố nghe và kể với bố về cuộc sống bộ đội, nhân trên đảo để bố mẹ, vợ con quê nhà yên lòng.

(còn nữa)