Chuyện người công nhân đường sắt nghiện làm báo

ANTĐ - Là một công nhân gác chắn đường sắt nhưng mỗi một ngày mà không tranh thủ "cưỡi" lên cái xe máy cà tàng để lượn một vòng kiếm bằng được cái tin bài về viết bài để gửi đăng báo là ông lại thấy buồn phiền, uể oải, không muốn ăn uống....

Đó là câu chuyện về người công nhân đường sắt có tên là Trần Xuân Bảy đã gần 30 năm đi làm báo ở Xứ Nghệ mà tôi có dịp gặp mặt.

Từ anh công nhân đường sắt

Tôi may mắn gặp ông trong một lần từ thành phố Vinh ra tác nghiệp trong một vụ việc ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Kỷ niệm lần đầu gặp ông tôi vẫn nhớ mãi, hôm đó khi đang lụi cụi chỉnh cái máy ảnh để "kiếm" tấm hình, bỗng từ phía sau có người vỗ vai "chú từ Vinh ra tác nghiệp sớm thế, lát xong việc anh em ta gặp nhau giao lưu tý...".

Ban đầu tôi giật mình chợt nghĩ thoáng qua trong đầu "không biết người này là ai? Chẳng nhẽ mình viết bài báo nào đụng chạm tới ai đó mà bây giờ lại bị người ta hẹn để "hỏi thăm" chăng?". Nghĩ trong đầu là vậy nhưng khi tôi kịp liếc mắt xuống cái tay trái của anh thì lại thấy anh cầm một cái máy ảnh kỹ thuật số "khủng" lắm, tôi lại chợt nghĩ lại "chắc chắn là đồng nghiệp của mình rồi".

Chưa kịp hỏi danh tính tên tuổi thì ông đã tiếp lời "chú cứ làm việc đi, lát ngồi ta hỏi chuyện sau". Rồi buổi cơm trưa thận mật giữa ông với tôi, giữa 2 người chưa hề biết tên nhau, chưa gặp nhau một lần ở một góc quán cóc hạng sang ở thị trấn Cầu Giát- huyện Quỳnh Lưu. Góc quán hôm đó chỉ có hai anh em chúng tôi vậy sao mà nó lại náo nhiệt đến vậy, tất nhiên là không thiếu một tý "chén chú chén anh", trút bầu tâm sự ông mới kể cuộc đời thăng trầm của nghề công nhân đường sắt và "đèo" thêm cái nghiệp cầm bút làm báo của mình.

Ông tên thật là Trần Xuân Bảy (SN1964), quê gốc ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Rời ghế nhà trường anh bắt đầu vào ngành đường sắt 1/1983. Bước vào nghề bắt đầu làm công nhân đại tu đường sắt tại ga Hương Phố, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) sau đó tháng 4 -1984 chuyển ra phía bắc tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) làm công nhân gác chắn. Rồi nghiệp làm báo của cũng bắt đầu từ đây, ban đầu chỉ là những cái tin nhặt sạn trên đường phản ánh những vấn đề chướng tai gai mắt dễ trông thấy.

Hàng ngày, những lúc không có ca trực là ông Bảy lại cặm cụi viết bài

"Khi đó mới bắt đầu tập tễnh học viết tin bài đăng báo nên háo hức lắm, mặc dù khi đó cuộc sống gia đình của hai vợ chồng và mấy người con đang nhìn vào đồng lương ít ỏi làm công nhân đường sắt nên việc kiếm được một chiếc máy ảnh để đi tác nghiệp quả là xa vời. Bao đêm nằm vắt tay ngang trán đắn đo rồi quyết định lén vợ mang cái sổ đỏ đi cắm ngân hàng để vay gần 10 triệu đồng lúc bấy giờ để về mua một cái máy ảnh và trang bị thêm một vài đồ dùng để đi viết báo. Rồi cái nghiệp yêu nghề nó ăn sâu vào máu con người anh càng ngày càng cháy bỏng. Từ những cái tin bài nhỏ nhất, anh bắt đầu tìm tòi và viết những cái lớn hơn rồi đến những đề tài rộng hơn. Nhưng yêu nghề báo là vậy nhưng lúc đó cũng mới bước chân vào cái nghề công nhân đường sắt nên khó khăn trăm bề, nói bỏ nghề công nhân để đi theo nghề báo thì cũng không dứt, vì khi đó anh chưa hiểu được cái nghiệp báo có đem lại được cái "cần nuôi cơm" hàng ngày cho vợ con hay không nên cứ đành bám nghề chính đó là công nhân đường sắt", ông Bảy tâm sự.

"Rất yêu nghề báo nhưng vì là công nhân gác chắn đường sắt nên mình phải hoàn thành tốt công việc rồi sau đó mới tranh thủ đi viết báo. Cứ ngày nào đi làm công nhân ca ngày thì đêm về mình cũng tìm tòi viết một bài báo rồi mới đi ngủ, có hôm đang ngủ đến 1h sáng nghe tin có người báo có vụ tai nạn hay hỏa hoạn gì trong đêm tối cách nhà hàng chục cây số là vẫn dậy bấm đèn chạy đi tác nghiệp. Còn hôm nào làm gác chắn ca đêm là vui lắm vì ban ngày mình có thời gian để rong ruổi viết báo", ông nhớ lại quãng thời gian trước.

Sở dĩ với cái ham nghề hăng tới mức như thế mà từ lâu rất nhiều tin bài về các vấn đề thời sự, an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Nghệ An ông đều có và tin bài rất nóng hổi nên được rất nhiều tòa soạn khen ngợi. Nhiều tờ báo còn đặt tin bài độc quyền của ông khi có sự vụ xẩy ra, nhất là thời gian sau này khi các báo điện tử đua nhau phát triển.

Ham nghề, yêu nghề báo là vậy nhưng ông vẫn luôn là người hoàn thành xuất sắc công việc công nhân đường sắt của mình. Ông từng làm bí thư đoàn thanh niên ga Cầu Giát (Quỳnh Lưu) năm 1987, làm tổ trưởng tổ gác chắn Yên Lý tại ga Yên Lý (huyện Diễn Châu), làm gác chắn đường 7 tại ga Chợ Sy (huyện Diễn Châu). Đến 2005 quay về gác chắn ga Cầu giát. Ông là 1 trong 10 điển hình tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới của ngành Đường sắt Việt Nam thời kỳ 1999 đi tham quan học tập tại nước bạn. Kiện tướng an toàn chạy tàu liên tục 5 lần, chiến sĩ thi đua 10 năm liên tục. Ngành đường sắt Việt Nam từng hai lần tổ chức cuộc thi về công nhân gác chắn giỏi tại TP Hồ Chí Minh (năm 2000) và Hà Nội (năm 2006), ông tham gia và đều đoạt giải a và b. Đến 1/1/2013 tới là tròn 30 năm ông công tác trong ngành Đường sắt Việt Nam. 

   

Anh Bảy đang làm việc tại gác chắn khi sắp có đoàn tàu chạy qua

Đến những giải thưởng báo chí

Gặp ông thì đã hiểu được phần nào thế nhưng cũng chính lần đầu tiên tôi đến nhà riêng của vợ chồng ông tại xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu(Nghệ An), thì lại làm tôi bất ngờ nhiều hơn thế. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của vợ chồng ông nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng khác xung quanh. Thấy tôi có vẻ thắc mắc đưa ánh mắt quan sát kỹ ngôi nhà, ông nhanh nhảu: "Chú đừng chê, anh gần 30 năm làm báo và làm công nhân đường sắt nhưng đang ở trong căn nhà cấp 4 đơn sơ thế thôi. Nhiều người chưa một lần vào nhà anh thì cứ nghĩ cái anh Bảy làm báo nổi tiếng đó có lẽ ở nhà cao cửa rộng lắm! (cười)".

Tôi hiểu ý ông muốn nói! Căn nhà tuy đơn sơ nhưng chứa trong căn nhà này là những tấm bằng khen, giấy khen, giải thưởng của người làm báo đạt được. Nổi bật trong đó là các giải thưởng như: Giấy khen của báo Tuổi trẻ 2008; Giải báo chí về các mảng ATGT của báo Tiền Phong năm 2008; báo Đường sắt năm 1999; báo Giao thông vận tải năm 2010 về cuộc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;....

Nhận những phần thưởng cao quý đó nhưng ít ai biết rằng ông đã phải đánh đổi bao thứ và nếu không có một máu yêu nghề thì có lẽ sẽ không bao giờ đạt được. Rót chén nước trà nóng, ông Bảy kể lại kỷ niệm một lần cái đi tác nghiệp.

"Thời những 90 của thế kỷ trước khi chưa có điều kiện mua xe máy nên phương tiện đi lại vẫn là cái xe đạp Phượng Hoàng cũ kỹ. Một ngày trời nắng như đổ lửa năm 1992 nghe tin có một vụ tai nạn hầm vàng - đá đỏ nghiêm trọng ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) làm chết người. Thế là máu nghề hăng lên đã đụn một chiếc ba lô với chai nước và bộ quần áo sợ sài kèm theo cái mũ lá thế là đạp xe hơn 200 Km ròng rã một ngày trời từ huyện Quỳnh Lưu lên mãi tới địa điểm xảy ra tai nạn để tác nghiệp. Công sức để vượt đường lên được địa điểm đó đã khó, nhưng khó hơn đó là vùng lãnh địa của hầm vàng và đá đỏ ở khu vực này thì khó gấp bội. Bởi lẽ quãng thời gian đó vùng đá đỏ ở Quỳ Châu (Nghệ An) vốn nổi tiếng cả nước về điểm nóng, vì vậy nói đến khu vực này để tác nghiệp viết bài thì chẳng khác gì "trứng đặt đầu gậy" bởi có thể bị xã hội đen xử mất mạng bất cứ lúc nào. Nếu nói tính tiền nhuận bút để trang trải một chuyến đi như thế thì lỗ to, nhưng vì hăng quá nên mình cứ lao vào để đi thôi...", đó chỉ là một trong hàng trăm kỷ niệm mà ông đi tác nghiệp vượt hàng nghìn cây số khắp các nẻo đường Xứ Nghệ để viết bài.

Gần 30 năm theo cái nghề báo, ông đã có tới hàng vạn tin bài đăng ở nhiều báo, tạp chí khác nhau như: Báo nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Giao thông vận tải, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Nông Nghiệp, tạp chí Gia Đình, Báo Nghệ An...  với nhiều bút danh nổi tiếng như: Xuân Bảy, Hương Nhà, Thanh Xuân.... Với hàng trăm bài báo mang tính chất điều tra ở nhiều điểm nóng, nhiều bài vạch mặt được các vấn đề tiêu cực ở nhiều địa phương mà mới đây nhất là một vụ chiếm đất của dân ở một xã của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đích thân anh thâm nhập để viết bài vạch mặt các "con sâu" trong bộ máy công quyền.

Nhiều giấy chứng nhân, bằng khen cho niềm đam mê viết báo

Không chỉ lao vào những đề tài nóng mà ông còn là một cây bút lặn lội đến các bản làng xa xôi tìm hiểu những hoàn cảnh éo le của cuộc đời để viết về những bài nhân ái. Không ít trường hợp đăng bài đã được độc giả trên cả nước ủng hộ giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh vượt qua cơ hoạn nạn. Giờ đây, ở nhiều vùng quê Nghệ An nhiều bà con cũng đã từng biết đến tên của nhà báo Xuân Bảy, họ rất quý và biết ơn ông về những bài báo vì dân.

Giờ đây đã bước sang cái tuổi cập kê 50, công việc chính của ông hàng ngày đó là một ca trực 12 giờ đồng hồ tại một gác chắn đường sắt Bắc - Nam trên quốc lộ 48B Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhưng ông vẫn luôn đề ra chỉ tiêu cho mình là mỗi ngày phải tìm một đề tài gì đó để viết một tin bài cộng tác cho báo. "Mình yêu nghề báo nên thèm viết, chứ không phải mình viết báo để kiếm tiền nhuận bút để mưu sinh. Bây giờ nếu không được viết báo là không chịu nổi..".

Bà Nguyễn Thị Nhàn (vợ ông Bảy): "Mỗi một ngày mà mà không tranh thủ "cưỡi" lên cái xe máy cà tàng để lượn một vòng kiếm bằng được cái tin bài về viết bài để gửi đăng là anh lại thấy phát phiền trong người, uể oải không muốn ăn uống. Nhiều hôm tôi nói anh nay đã có tuổi rồi thì viết ít thôi vì các con bây giờ cũng lớn rồi, cố gắng nghỉ ngơi nhưng anh ấy không chịu...".

Chia tay ông Bảy vào buổi chiều tối khi ông bắt đầu lên ca trực gác chắn vào ban đêm, hình ảnh người công nhân gác chắn đường sắt lom khom quay cái gắc chắn ngáng đường ray trong đêm tối làm tôi khâm phục biết bao khi cũng chính con người này đang là một chiến sỹ trên mặt trận báo chí đã gần 30 năm với rấ nhiều bài báo phản ánh mặt trái của xã hội...