Chuyên gia tội phạm học bày cách tránh bị 'gài' vận chuyển ma túy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -"Khi được nhờ cầm hộ hay vận chuyển hàng hóa, mỗi người cần đề cao cảnh giác và đặt ra câu hỏi nếu chẳng may đây là hàng cấm thì cần làm gì để chứng minh ngoại phạm cho mình", Thượng tá Hiếu nói.

Từ vụ 4 tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines xách tay hơn 11kg ma túy từ Pháp về Việt Nam, chuyên gia tội phạm học - Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu, đưa ra một số cảnh báo tới người dân, đặc biệt là những người vận chuyển thuê (shipper) để tránh rơi vào tình huống bị "gài" vận chuyển ma túy.

Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu.
Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu.

Theo ông Hiếu, hiện nay, thủ đoạn vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy rất tinh vi, khi ma túy được pha trộn, đóng gói dưới nhiều loại vỏ bọc như túi trà, thực phẩm chức năng, đồ uống...

Tình huống "tình ngay lý gian"

"Tội phạm thường lợi dụng, chọn phương thức giao hàng công nghệ; nhờ trông giữ, xách tay hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam...", Thượng tá Hiếu nói và cho biết các shipper là người thường xuyên đối diện với nguy cơ vô tình vận chuyển các đơn hàng bị cất giấu ma túy hoặc chất nổ, vũ khí...

Chuyên gia tội phạm học cho rằng, khi những shipper rơi vào tình huống trên và bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, họ sẽ gặp nhiều khó khăn để chứng minh sự vô can, ngoại phạm của mình.

Để chứng minh mình bị oan, theo ông Hiếu, các shipper cần xuất trình được tài liệu, chứng cứ như thông tin liên hệ người gửi - nhận hàng; thông tin trao đổi về việc gửi hàng; chứng cứ chứng minh về việc nhận tiền công vận chuyển; chứng cứ xác định về việc đã kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển; hóa đơn, chứng từ của hàng hóa...

"Khi được nhờ cầm hộ hay vận chuyển hàng hóa, mỗi người cần đề cao cảnh giác và đặt ra câu hỏi nếu chẳng may đây là hàng cấm thì cần làm gì để chứng minh ngoại phạm cho mình", Thượng tá Đào Trung Hiếu đưa ra quan điểm.

Nâng cao cảnh giác

Để phòng ngừa rơi vào tình huống "tình ngay, lý gian" trên, ông Hiếu đưa ra một số lời khuyên.

Theo đó, khi người dân nhận một kiện hàng để vận chuyển, cần làm rõ người gửi hàng là ai, chuyển cho ai; yêu cầu ghi rõ các thông tin như họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số CCCD. Đối với trường hợp nhờ chuyển hộ, người được nhờ cần làm rõ lý do chuyển hàng hộ, làm rõ quan hệ các bên có đủ độ tin cậy, thân thiết để nhờ vả hay không.

Shipper đối mặt với rủi ro vận chuyển "nhầm" ma túy (Ảnh: S.T.)

Shipper đối mặt với rủi ro vận chuyển "nhầm" ma túy (Ảnh: S.T.)

Bên cạnh đó, ông Hiếu khuyến cáo người dân trong quá trình trao đổi, giao dịch cần ghi âm lại các cuộc gọi, nói chuyện; chụp ảnh điện thoại người gửi hàng; lưu lại các tin nhắn nhờ vả (nếu có), đặc biệt, cần kiểm tra tận mắt, tận tay xem hàng hóa được nhờ vận chuyển là gì.

Với những hàng hóa mà bằng mắt thường khó có thể xác định chủng loại, chất lượng, vị chuyên gia gợi ý, có thể yêu cầu xuất trình tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

"Không dễ tin vào lời trình bày của người gửi, cần nhớ rằng sự nể nang có thể mang đến những rủi ro. Nếu vẫn không yên tâm thì từ chối vận chuyển. Mọi người không nên vì tham chút lợi ích vật chất mà tự đẩy mình vào các rủi ro pháp lý. Với những lời đề nghị càng hấp dẫn, chẳng hạn như tiền công vận chuyển cao bất thường thì càng phải cảnh giác", ông Hiếu nói.

Theo chuyên gia tội phạm học, người dân cần nâng cao cảnh giác trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày tại nơi công cộng, đặc biệt là tại nhà ga, sân bay... Không nên trông hộ, giữ hộ hay xách hộ người lạ những vali, túi xách, đồ đạc hàng hóa nếu không biết bên trong có gì.

Không riêng người dân, shipper cá nhân, ông Hiếu cho rằng, các hãng xe khách, xe vận tải hàng hóa cũng không được chủ quan khi tiếp nhận hàng hóa gửi theo xe.

Trở lại với vụ việc 4 tiếp viên hàng không xách tay ma túy về nước, theo quan điểm của ông Hiếu, phi công, tiếp viên phải nghiêm túc chấp hành kỷ luật công tác, tuyệt đối không vận chuyển hàng hóa xách tay với bất kỳ lý do nào.

Ngoài ra, các hãng hàng không cũng cần rà soát lại những biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường bồi dưỡng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên.

"Công tác kiểm soát tổ bay cần phải được tăng cường bằng các biện pháp kiểm tra nội bộ, kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất hành lý của tổ bay trước khi bay và sau khi kết thúc chuyến bay, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định.

Khi có vụ việc xảy ra, hãng hàng không phải chủ động đánh giá, rút kinh nghiệm và phổ biến rộng rãi tới tất cả cán bộ, nhân viên để làm bài học cảnh tỉnh", Thượng tá Đào Trung Hiếu nói