Chuyên gia tâm lý nêu dấu hiệu và cách thoát khỏi 'thao túng tâm lý'?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn ‘thao túng tâm lý’, điều khiến nhiều người băn khoăn là dấu hiệu nhận biết mình và người thân đang bị ‘thao túng tâm lý’ là gì và làm cách nào để thoát ra?

Thao túng tâm lý gây hậu quả nặng nề cho nạn nhân

Thao túng tâm lý là một hình thức lạm dụng tâm lý, gây ra những ảnh hưởng quá mức tới người khác thông qua việc bóp méo tinh thần, bạo hành tâm lý và cảm xúc với mục đích chiếm lấy quyền lực, quyền kiểm soát, lợi ích hoặc một đặc quyền nào đó của nạn nhân. Đây được xem là hành vi kiểm soát tâm lý của người khác, buộc họ phải thuận theo suy nghĩ và mong muốn của mình.

Thao túng tâm lý có thể xuất hiện ở bất kể môi trường nào, có thể xảy ra từ những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè...thậm chí cả những người xa lạ - Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú nhận định.

Hiện nay, thực trạng thao túng tâm lý đang diễn ra khá phổ biến. Những đối tượng xấu sẽ thực hiện thao túng, kiểm soát tâm lý của người khác, để buộc họ phải thực hiện theo mong muốn của bản thân mình. Họ dùng lời lẽ, cách dẫn dắt khôn khéo để cá nhân khác thuận theo lời họ nói, lung lay ý chí.

Những người bị thao túng, dẫn dắt tâm lý sẽ không còn nhận thức được hành vi, suy nghĩ của mình một cách khách quan. Họ bị phụ thuộc vào những đối tượng thực hiện hành vi thao túng. Nạn nhân sẽ không nhận định được đúng sai, không đưa ra được những quyết định độc lập liên quan đến cuộc sống của bản thân.

Thao túng tâm lý gây hậu quả nặng nề cho nạn nhân

Thao túng tâm lý gây hậu quả nặng nề cho nạn nhân

Thực chất, khi một đối tượng thực hiện hành vi thao túng tâm lý đối với người khác, thì mục đích hoạt động mà họ đưa ra hoàn toàn tiêu cực. Họ thao túng tâm lý của người khác nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc buộc những nạn nhân bị thao túng tâm lý thực hiện theo mong muốn của họ. Do đó, hành vi thao túng tâm lý đưa đến những tác hại, ảnh hưởng xấu cho nạn nhân và xã hội.

Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, thao túng tâm lý ảnh hưởng nặng nề đến lợi ích và sự phát triển của cá nhân và xã hội. Những cách thức thao túng tâm lý mà các đối tượng xấu thường sử dụng để kiểm soát tâm lý của người khác gồm:

Thứ nhất, kẻ thao túng tâm lý sẽ thực hiện gây hấn thụ động. Chúng không thể hiện cảm xúc tiêu cực trực tiếp các vấn đề với người đó mà tìm những cách gián tiếp thể hiện sự tức giận của mình và làm suy yếu đối phương.

Thứ hai, đối tượng thao túng tâm lý sẽ thực hiện cách thức bạo hành tâm lý nạn nhân. Họ gián tiếp nói xấu, bôi nhọ danh dự, uy tín của nạn nhân, khiến hình ảnh nạn nhân trong mắt mọi người xung quanh trở nên xấu và tiêu cực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nạn nhân, khiến họ thất vọng, mệt mỏi, không tin vào cảm xúc, ý chí của chính mình.

Bên cạnh đó, đối tượng thao túng tâm lý còn giả mạo nhân viên cơ quan công quyền đưa ra những thông tin tiêu cực, sai sự thật về nạn nhân và người thân của họ khiến họ lo lắng bất an, thậm chí hoảng loạn…

Như vậy, có thể thấy, hành vi thao túng tâm lý là cách mà những đối tượng xấu thực hiện những thủ đoạn tinh vi, tác động trực tiếp vào tâm lý nạn nhân, tạo áp lực cho họ, khiến họ thiếu niềm tin vào cảm xúc và ý chí của ban thân, từ đó giúp chúng dễ dàng thực hiện hành vi kiểm soát, thao túng tâm lý của họ.

Làm sao để không bị thao túng tâm lý?

Để tránh bị thao túng tâm lý, theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, mỗi cá nhân cần giữ khoảng cách với người khác, không mặc cảm và tự trách bản thân. Dù cho bị ai đó chê bai hay tìm cách nói xấu cần vẫn luôn tin vào những trực giác hoặc suy nghĩ của mình. Đồng thời, chuyển sự tập trung bằng cách đưa ra câu hỏi thăm dò.

Kẻ thao túng hiển nhiên luôn đưa ra yêu cầu và muốn nạn nhân làm theo điều đó. Những yêu cầu này có thể khiến họ phải chật vật và không hài lòng. Do vậy, khi nghe một lời gạ gẫm, yêu cầu không hợp lý, cá nhân hãy đặt sự tập trung ngược lại người đang thao túng bằng cách đặt câu hỏi thăm dò, đồng thời kiêm quyết nói “không” để từ chối nếu không thích.

Ngoài ra, một cách khác để bảo vệ bản thân khỏi bị thao túng tâm lý đó là từ chối sự giúp đỡ mà hãy tự giải quyết vấn đề của mình.

Để hạn chế việc bị người khác thao túng tâm lý, mỗi cá nhân cần tránh tiếp xúc với những người có xu hướng thể hiện tình cảm thái quá, khẳng định bản thân và ranh giới của mình; Không đưa ra quyết định vội vàng trong lúc quá buồn bã, lo lắng hay vui mừng tột độ mà cần thời gian suy nghĩ tỉnh táo và lý trí để tránh hậu quả đáng tiếc – Tiến sỹ Cẩm Tú đưa ra lời khuyên.