Cần có hình phạt thích đáng với kẻ 'thao túng tâm lý' để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi ANTĐ đăng bài ‘Những cú lừa tiền tỷ mang tên ‘thao túng tâm lý’, nhiều bạn đọc gọi điện thoại đến Đường dây nóng của Tòa soạn đặt câu hỏi, đối tượng lừa đảo sẽ bị xử lý ra sao và làm thế nào để tránh ‘sập bẫy’?

Tạo ra những tình huống gấp gáp gây hoảng loạn

Gần đây nhất, nhiều phụ huynh tại Hà Nội và TP.HCM đã bị người lạ gọi điện thông báo ‘con bị cấp cứu, chuyển tiền gấp’. Các đối tượng này đã ‘thao túng tâm lý’ cha mẹ học sinh bằng cách đưa ra các tình huống khẩn cấp, như cần tiền đóng viện phí nhập viện để phẫu thuật ngay, không cho phép phụ huynh chần chừ, do dự, tính toán hay kiểm tra lại thông tin vì sự chậm trễ có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc nên đã nhanh chóng mắc bẫy và răm rắp thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.

Để thực hiện được trò lừa đảo này đối tượng phải có số điện thoại của nạn nhân và nắm rõ thông tin cá nhân, quan hệ của người đó với học sinh ở lớp…

Cá nhân khi nghe điện thoại của người lạ cần cảnh giác, không nên vội vã chuyển tiền

Cá nhân khi nghe điện thoại của người lạ cần cảnh giác, không nên vội vã chuyển tiền

Tương tự, cách đây không lâu, Công an phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội đã nhận trình báo của một phụ nữ tên H về việc bị lừa đảo mất 1,35 tỷ đồng qua điện thoại.

Người phụ nữ này đã được một người tự xưng là nhân viên Sở Điện lực Hà Nội gọi điện, thông báo có người đang mạo danh bà H để lắp đồng hồ điện công nghiệp khu vực TP.HCM, nợ điện lực 38 triệu đồng.

Khi bà H phủ nhận việc này, đề nghị được đến trụ sở cơ quan chức năng để trình báo thì đối tượng lập tức ngăn cản và nối máy đến một người khác, giới thiệu là cán bộ Công an TP.HCM.

Nói chuyện với người này, bà H lại được thông báo là đang liên quan đến đường dây mua bán ma túy và rửa tiền.

Kẻ tự xưng là cán bộ công an yêu cầu người phụ nữ kê khai tài sản, trong đó có quyển sổ tiết kiệm 1,35 tỷ đồng. Nghe theo lời đối tượng, bà H đã chuyển toàn bộ tiền trong sổ vào tài khoản ngân hàng của đối phương.

Không chỉ có vậy, có bị hại ở Hà Nội cũng bị một đối tượng tiếp cận qua điện thoại, thông báo nạn nhân dính dáng đến một vụ tai nạn giao thông ở TP.HCM. Trong cuộc gọi, đối tượng nêu chính xác họ tên và số CMND của nạn nhân và cả biển kiểm soát xe, khiến ‘con mồi’ dễ dàng bị cuốn vào câu chuyện do kẻ lừa đảo vẽ ra.

Khi nạn nhân khẳng định không liên quan gì đến sự việc, bọn chúng lập tức lái theo chiều hướng khác, như đề nghị bị hại giúp đỡ cơ quan công an truy bắt tội phạm.

Sau đó, nạn nhân sẽ bị kẻ lừa đảo dẫn dắt, đưa vào màn kịch như một ‘mê hồn trận’, dẫn đến bán tín bán nghi và mất đi sự tỉnh táo.

Mục đích của những đối tượng lừa đảo này là dẫn dụ, yêu cầu, thậm chí đe dọa nạn nhân không được tiết lộ ‘thông tin điều tra’ với bất kỳ ai, kể cả người thân. Khi thấy ‘con mồi’ thực sự dính bẫy, chúng bắt đầu moi tiền.

Hình phạt nào cho kẻ 'thao túng tâm lý' để lừa đảo?

Đến thời điểm hiện tại, số người là nạn nhân của những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mạo danh qua điện thoại lên đến hàng nghìn người với số tiền nhiều tỷ đồng. Thủ đoạn ‘thao túng tâm lý’ của các đối tượng lừa đảo khá giống nhau, song độ tinh vi, ranh ma và xảo quyệt ngày càng tăng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nạn nhân không đủ tỉnh táo để ‘thoát bẫy’. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa mạng ‘ảo’, thuê bao ‘ảo và tài khoản ‘ảo’, là môi trường lý tưởng để các đối tượng tội phạm công nghệ cao hoành hành chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Việc các nhà mạng không thể quản lý được số điện thoại, để tình trạng SIM rác phổ biến đã tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo dễ dàng lợi dụng để làm công cụ gây án. Ngoài ra, các ngân hàng không kiểm soát chặt chẽ việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng cũng vô tình tiếp tay cho tội phạm.

Về chế tài xử phạt đối với đối tượng sử dụng thủ đoạn ‘thao túng tâm lý’ để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 174 BLHS 2015 quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Để tránh ‘sập bẫy’, đối tượng lừa đảo, mỗi cá nhân cần tỉnh táo trước các cuộc gọi từ người lạ, kiểm chứng lại các thông tin đối tượng cung cấp, tuyệt đối không chuyển tiền vào số tài khoản mà chúng yêu cầu, đồng thời nhanh chóng trình báo cơ quan công an để điều tra làm rõ sự việc, hạn chế xảy ra những hậu quả đáng tiếc - luật sư Hồng Vân khuyến cáo.