Chuyển đổi mô hình

(ANTĐ) - Nhắc đến mấy chữ “công tư hợp doanh” lập tức gợi nhớ cả một giai đoạn lịch sử những năm 1950, thời kỳ miền Bắc xã hội chủ nghĩa  tiến hành phong trào quốc hữu hóa các doanh nghiệp tư nhân. Ngày nay, khái niệm “công tư hợp doanh” mang một nội hàm hoàn toàn mới. Một cuộc hội thảo bàn về công tư kết hợp đã thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Chuyển đổi mô hình

(ANTĐ) - Nhắc đến mấy chữ “công tư hợp doanh” lập tức gợi nhớ cả một giai đoạn lịch sử những năm 1950, thời kỳ miền Bắc xã hội chủ nghĩa  tiến hành phong trào quốc hữu hóa các doanh nghiệp tư nhân. Ngày nay, khái niệm “công tư hợp doanh” mang một nội hàm hoàn toàn mới. Một cuộc hội thảo bàn về công tư kết hợp đã thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Nghị quyết của Đảng đã khẳng định tất cả các thành phần kinh tế đều bình đẳng. Theo đó, các thành phần đều được khuyến khích tham gia vào các công trình hạ tầng hoặc các công trình khác miễn là đảm bảm đúng pháp luật và đạt hiệu quả.

Thế nhưng trên thực tế, mọi chuyện diễn ra khác đối với khu vực tư nhân. Cho tới nay, nước ta mới chỉ có khuôn khổ cho những mô hình thu hút các doanh nghiệp và ngân hàng quốc doanh. Đơn cử, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cơ chế cực kỳ ưu đãi và thuận lợi vừa được giao cho hai ngân hàng quốc doanh là Đầu tư - Phát triển và Ngân hàng Ngoại thương.

Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng của Bộ Tài chính nhận xét: “Các doanh nghiệp tư nhân không có cửa nào vào, trong khi họ dư vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Nếu chính sách của Nhà nước không công khai, minh bạch và không đảm bảo thì không có nhà đầu tư tư nhân nào bỏ vốn”.

Theo Vụ trưởng Kinh tế đầu tư của Bộ GTVT, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của nước ta đã trở nên quá tải và không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Hệ thống cảng biển, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy đều có “vấn đề” nghiêm trọng. Chỉ cần nhìn tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, hàng hóa chất đống ở cảng đủ thấy hệ thống cơ sở hạ tầng tệ đến mức nào.

Hệ quả trên là do phần lớn các công trình đều do Nhà nước “ôm” chặt. Từ năm 2001 - 2008, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông là 117.000 tỷ đồng, trong đó chỉ có 14.000 tỷ đồng (chiếm 12%) là ngoài ngân sách. Từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phải cần khoảng 10 tỷ USD/năm, làm sao Nhà nước gánh hết được.

Vậy mà, việc huy động vốn của tư nhân lại hết sức khó khăn nhất là cơ chế thu phí để hoàn vốn các dự án là rất bất hợp lý, trong khi Nhà nước không giúp họ giải phóng mặt bằng.

Theo Ngân hàng Thế giới, hiện nay Việt Nam chi khoảng 8-9% GDP vào xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn ODA (chiếm 37%), nguồn vốn của tư nhân mới chỉ đạt 21%. Rõ ràng, nguồn vốn tư nhân phải được khuyến khích, khơi thông.

Muốn vậy, Chính phủ và các Bộ, ngành phải tìm được khuôn khổ pháp lý đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân đổ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Nói tóm lại phải chuyển đổi mô hình cũ, thay đổi tư duy, nhận thức để “công tư hợp doanh” không chỉ là lý thuyết.

Đan Thanh