ĐBSCL

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phập phồng sợ dân… chửi

ANTĐ -Vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn rơi vào tình trạng, gạo dư thừa phải cố xuất khẩu. Trong khi, mỗi năm phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu ngô, đậu tương. Song đề cập đến chuyển đổi trồng lúa nhiều địa phương vẫn "run".
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phập phồng sợ dân… chửi ảnh 1
Trồng ngô cho năng suất cao hơn lúa tại Kiên Giang


Hết thời cây lúa độc tôn
Thống kê từ Bộ NN&PTNT hàng năm cho thấy, số ngoại tệ thu về từ xuất khẩu gạo chỉ đủ để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho gia súc như đậu tương, ngô… Trong khi đó, tiềm năng trồng cây màu phục vụ chăn nuôi của Việt Nam rất lớn như ngô, đậu tương, lạc. Tuy vậy, hàng chục năm qua, ngành nông nghiệp vẫn loay hoay với cây lúa.

Gần đây, Bộ NN&PTNT đbắt đầu có kế hoạch và khuyến khích một số vùng đất chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, từ lúa sang ngô, đậu tương, tập trung ở vùng vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, trong năm 2013 toàn vùng ĐBSCL đã có gần 87.000 ha chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Trong giai đoạn 2013 – 2015, dự kiến chuyển đổi 112.000 ha đất lúa sang các cây trồng chủ yếu là ngô, luân canh lúa – thủy sản và các cây trồng khác.

Ông Trần Trương Tấn Tài, đại diện Công ty Dekalb Việt Nam, đơn vị thử nghiệm chuyển giao kỹ thuật và giống ngô cho bà con khu vực ĐBSLC cho biết, từ khi chuyển sang trồng ngô thay vì trồng lúa, thu nhập của nông dân tăng lên 1,5 lần

Tại huyện Giang Thành tỉnh Kiên Giang, một tỉnh tính đến năm 2011 vẫn trung thành với tập quán canh tác lúa, đến nay, đã có những mô hình chuyển đổi lúa – ngô (bắp) đầu tiên đạt năng suất cao.

Anh Lê Hoàng Quốc – nông dân ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang) có 3ha đất lúa 3 vụ. Từ trước đến nay, vụ xuân hè và hè thu luôn khiến anh đau đầu khi đối mặt với nguy cơ thiếu nước, nhiễm mặn, sâu bệnh. Đầu tháng 4 vừa qua, anh chuyển toàn bộ quỹ đất sang trồng ngô.

“Đầu tư mỗi ha lúa khoảng 28 triệu đồng, trong khi với bắp là 26 triệu đồng. Với mức giá thu mua này, chúng tôi sẽ thu về ít nhất 36 triệu đồng/ha. So với lúa, chúng tôi lãi 10 triệu đồng!” – anh Quốc phấn khởi cho hay.

Hay như nông dân Phạm Văn Beo, ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa, cũng đang đầu tư 6ha ngô lai trên diện tích đất lúa hè thu, chia sẻ: “Trước đây mỗi ha lúa hè thu, tui chịu lỗ 7,5 triệu đồng. Nay xuống giống trồng bắp, công ty thu mua kí ngay hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên không lo đầu ra. Chi phí đầu tư cho bắp thấp hơn lúa, giá thu mua cao hơn. Vụ này nếu thành công, tui sẽ cùng người em trồng 30ha bắp”.

Không những chuyển đổi trồng ngô, mà nhiều diện tích chuyển đổi từ trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng các cây rau màu khác cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Ví dụ như tại huyện Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp, 80 ha chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mè đã đem lại lợi nhuận hơn 29 triệu đồng/ha, lợi nhuận này hơn lợi nhuận trồng lúa là 23 triệu đồng/ha.

"Kéo" doanh nghiệp vào cuộc bao tiêu nông sản

Dù hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được minh chứng tại nhiều địa phương, nhưng bản thân lãnh đạo nhiều Sở NN&PTNT vẫn băn khoăn với khâu tiêu thụ sản phẩm.

Ông Cao Văn Hóa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang dẫn chứng, nhiều tỉnh ở ĐBSCL cùng trồng dưa hấu trong vụ vừa qua mà không kết nối thông tin với nhau, nên dẫn đến việc ách tắc dưa tại biên giới Lạng Sơn, giá dưa tụt giảm, lỗ vốn.

“Nhiều loại cây màu đang rất bấp bênh đầu ra, đã có quá nhiều bài học xương máu. Vì thế cần nghiên cứu vấn đề thị trường, tránh trồng đổ xô và rồi nông dân chịu thiệt!”, ông Hóa bày tỏ.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho rằng, hiện chưa có sự kết nối giữa ngành Công thương và NN&PTNT. Nông nghiệp thì cứ cắm đầu sản xuất, Công Thương thì có gì bán nấy nên đầu ra rất bất ổn.  Bởi vậy, ông Quỳnh tỏ ra lo ngại với việc chuyển đổi giống cây trồng vì theo ông, nếu làm không được nông dân lại chửi rồi bỏ dở, không làm nữa thì rất gay go.

Nhiều địa phương vẫn "e dè" với cây trồng khác ngoài lúa


Trước những băn khoăn của địa phương về bao tiêu đầu ra, ông Trần Trương Tấn Tài, khẳng định, để bền vững hóa chuỗi canh tác và đảm bảo đầu ra cho bà con, sẽ liên kết các đơn vị thu mua ký cam kết thu mua cho nông dân khu vực chuyển đổi.

Đại diện công ty Bunge, tập đoàn hàng đầu thế giới về thu mua nông sản khẳng định, sẵn sàng cung cấp những tư vấn về yêu cầu chất lượng bắp thương phẩm, làm việc với các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, nghiên cứu khả năng xây dựng các trung tâm thu mua tại ĐBSCL, với đầy đủ hệ thống sấy và kho lưu trữ, tận dụng kinh nghiệm toàn cầu về thương mại và xuất nhập khẩu nông sản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá, vướng mắc nhất hiện nay là trong nhận thức của ngay những người làm chính sách nông nghiệp và bà con nông dân tại ĐBSCL. Hầu hết vẫn còn tâm lý chung là vẫn “nặng duyên” với cây lúa”.

Theo ông Phát, hiện ĐBSCL rất có ưu thế đối với cây ngô, đây là vùng có thể cho năng suất cao nhất cả nước, nếu tập trung chuyển đổi quyết liệt. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm ngô có ngay trong nước. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi và thủy sản tiếp tục phát triển thì vật tư đầu vào là thức ăn cho 2 ngành này vẫn còn nhu cầu rất lớn để thu mua ngô.

Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ thành lập Ban chỉ đạo về vấn đề chuyển đổi cây trồng tại vùng ĐBSCL. Cùng với đó, Bộ này cũng đề nghị các địa phương cần chủ động quy hoạch và có kế hoạch từng năm một cách cụ thể để doanh nghiệp chủ động tham gia thu mua sản phẩm.