Chuyện bạo lực gia đình của vợ chồng trẻ

ANTĐ - Bạo lực gia đình (BLGĐ) thường xuyên được nói đến, thế nhưng các hình thức bạo lực vẫn phát triển và đang có sự biến đổi mạnh mẽ. 

Bác sĩ Quyết tư vấn cho một nạn nhân của bạo lực gia đình tại BV Đức Giang

Bị mắng là đòi… ly dị!

Nhiều năm liền làm công việc của một chuyên gia tư vấn về BLGĐ, mỗi ngày tiếp đón tư vấn và điều trị cho 5-7 nạn nhân, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và chăm sóc sức khoẻ phụ nữ - BV Đa khoa Đức Giang thấu hiểu hơn ai hết căn nguyên của mỗi trường hợp bạo lực và cả xu hướng biến đổi của các loại hình BLGĐ ở Hà Nội. Nếu như trước đây ông từng kết luận, mỗi nạn nhân BLGĐ có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung cách ứng xử giống nhau là “im lặng, cam chịu trong nước mắt” để gia đình yên ấm, thì bây giờ ông đã chia tách được cụ thể từng nhóm đối tượng có các cách phản ứng khác nhau. 

“Im lặng, cam chịu là cách phản ứng với các hành vi BLGĐ của những người phụ nữ trung tuổi trở lên, nhóm này đa phần bị chồng bạo lực kéo dài trong nhiều năm nhưng không phản ứng quyết liệt, thậm chí chấp nhận. Tuy nhiên, nhóm phụ nữ trẻ dưới 35 tuổi ở thành thị hiện nay phản ứng rất mạnh mẽ…” - chuyên gia Nguyễn Ngọc Quyết đúc kết. Ông kể, nhiều đêm đã 23-24h, có chị gọi điện đến khóc lóc xin tư vấn về việc bị chồng đánh thì có nên báo công an không, bởi “phải cho anh ta vào tù chứ không thể chấp nhận loại chồng đánh vợ”. Đa phần phụ nữ trẻ tìm đến trung tâm cũng với thái độ rất bức xúc đòi tư vấn thủ tục ly dị ngay, rằng không thể sống với chồng thêm ngày nào nữa, nhưng khi nghe chị ta kể lại thì nguyên nhân chỉ vì bị chồng… mắng vài câu.

Theo bác sĩ Quyết phân tích, những phụ nữ trẻ dù phản ứng rất “nóng” mỗi khi bị chồng đánh hay mắng nhưng sau khi được tư vấn và có thời gian tĩnh tâm lại thì họ “nguội” cũng rất nhanh. Nếu như lần đầu đến trung tâm tư vấn họ đòi ly dị bằng được thì khi trở lại lần 2, hầu hết đã lưỡng lự kiểu “em sẽ cho anh ta thêm một cơ hội” hoặc “nếu anh ta còn đánh em một lần nữa thì em sẽ không để yên”… Không chỉ phụ nữ mà cả nhóm nam giới trẻ ở thành thị cũng ngày càng ứng xử khác hơn với các hành vi BLGĐ. Nếu như trước đây, thường khi tức giận là người chồng tát, chửi mắng vợ nhưng ngày nay nhiều ông chồng chọn thái độ “im lặng”, vài ngày không nói câu nào hoặc tìm cách tra tấn vợ về tinh thần. 

Nguyên nhân tăng số vụ ly hôn

Ông Quyết cảnh báo, “khoảng lặng” này của các cặp vợ chồng trẻ là thời gian vô cùng nguy hiểm và nếu kéo dài thì nguy cơ tan vỡ gia đình là rất lớn, bởi khi 2 vợ chồng cùng chọn cách “im lặng”, người đàn ông rất dễ sa đà vào các cạm bẫy hay ngoại tình. Chính vì cả vợ lẫn chồng đều ý thức được quyền bình đẳng, vai trò của mình rõ hơn nhưng lại không biết cách để tìm được tiếng nói chung là nguyên nhân khiến cho số cặp vợ chồng ly hôn ở thành thị gia tăng mạnh. Thực tế đã có những cặp vợ chồng ly hôn chỉ vì những lý do không đâu. Chẳng hạn có một cặp vợ chồng trẻ ở Thanh Xuân (Hà Nội), do xung đột nhỏ dẫn đến cãi nhau, người vợ tức giận bỏ về nhà mẹ đẻ, người chồng buông lời: “Nếu cô đã về thì đừng có quay lại”. Tưởng mọi chuyện sẽ sớm qua nhưng do cả 2 người đều tự ái quá cao, không ai chịu xuống nước trước, “người chồng muốn vợ về nhưng ngại không chịu sang đón trước, người vợ cũng muốn quay về nhưng lại muốn chồng sang đón thì mới về, cứ thế bẵng đi cả tháng trời 2 vợ chồng tra tấn tinh thần nhau, cho đến khi họ quyết định ra tòa ly dị…”.

Bên cạnh quan hệ vợ chồng, cấu trúc BLGĐ ở thành thị cũng ngày càng phức tạp và khó giải quyết hơn. Trung tâm Tư vấn và chăm sóc sức khoẻ phụ nữ - BV Đa khoa Đức Giang từng tiếp nhận không ít trường hợp bất đồng trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu, con cái bạo lực với bố mẹ… Có trường hợp một gia đình ở phường Long Biên, mẹ chồng con dâu cãi cọ, va chạm với nhau, con dâu đến BV yêu cầu giám định sức khỏe để lấy bằng chứng tố cáo mẹ chồng, ngày hôm sau đến lượt người mẹ chồng cũng đến BV đòi giám định sức khỏe để kiện con dâu ra tòa. Với những trường hợp này, vai trò hòa giải của người chồng vô cùng quan trọng và nếu những người trong mối quan hệ đó không tìm được tiếng nói chung thì sẽ lại xảy ra một vụ ly hôn vì lý do BLGĐ mà hành vi bạo lực nằm ngoài tầm kiểm soát, mong muốn của cả vợ lẫn chồng.  

Bác sĩ Lê Thị Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Ngọc Thụy - 1 trong 2 Trạm Y tế của Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chốt phòng chống BLGĐ tại cộng đồng - cho biết, BLGĐ của các cặp vợ chồng trí thức thường biểu hiện rất kín đáo, khó phát hiện và thậm chí cả khi họ ly dị người ngoài cũng không biết được nguyên do. Vì vậy, phòng chống BLGĐ là vô cùng khó khăn. Điều quan trọng nhất là vợ chồng phải biết chia sẻ, lắng nghe và biết tha thứ, đồng thời phải có kiến thức về bình đẳng giới.