Chương trình giáo dục mới, giáo viên được toàn quyền phương pháp dạy

ANTD.VN - Mặc dù nhận được nhiều đánh giá khá tích cực, tuy nhiên khi bản dự thảo “Chương trình môn học phổ thông mới” được Bộ GD-ĐT công bố vào chiều 19-1 lại khiến nhiều người lo lắng do chưa biết các giáo viên sẽ đáp ứng ra sao, công tác thi cử sẽ phải thay đổi thế nào cho phù hợp...

Với độ mở trong 20 chương trình môn học và hoạt động giáo dục mới, đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng yêu cầu chủ động, sáng tạo để phát huy cao nhất năng lực của học sinh thay vì chỉ truyền thụ kiến thức. Tuy nhiên, việc đánh giá, thi cử cũng phải thay đổi tương xứng thì học sinh mới có thể được đánh giá đúng năng lực.

Chương trình giáo dục mới, giáo viên được toàn quyền phương pháp dạy ảnh 1Đổi mới thi cử, đánh giá mới có thể phát huy được yêu cầu mới trong chương trình môn học phổ thông mới đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến đóng góp dự thảo

Nhiều yêu cầu mới

PGS.TS Đỗ Tiến Đạt - Chủ biên chương trình môn Toán cho biết, định hướng đổi mới được xác định theo hướng làm sao cho học sinh tiếp thu phù hợp hơn, không quá chú trọng đến những bài học có nội dung lắt léo, không phục vụ trực tiếp cho mục đích của bộ môn. Trước câu hỏi, liệu giáo viên hiện nay có thể theo kịp yêu cầu này hay không, PGS.TS. Đỗ Tiến Đạt chia sẻ: “Trên cơ sở nền tảng đào tạo từ trường sư phạm cũng như kinh nghiệm dạy thực tế, tôi cho rằng giáo viên hoàn toàn có thể đáp ứng được. Quan trọng nhất là họ phải được Bộ, Sở tập huấn để có ý thức rõ rệt về đổi mới phương pháp dạy học, cố gắng giúp học sinh tự kiến tạo nên kiến thức của mình thay vì chỉ truyền thụ một chiều như trước đây”.

Còn PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên môn Ngữ văn cho biết, môn này có “độ mở” cho giáo viên sáng tạo, vì vậy sẽ liên quan trực tiếp đến công tác đánh giá, thi cử. Theo ông Đỗ Ngọc Thống, ứng với chương trình mở thì việc đánh giá phải căn cứ vào yêu cầu đạt chuẩn kiến thức nhất định. “Giáo viên có thể thấy tác phẩm nào hay thì đưa vào chương trình, không nhất thiết chỉ học tác phẩm trong sách giáo khoa. Đến khi thi, người ra đề sẽ chọn văn bản không có trong sách giáo khoa để đánh giá được khả năng vận dụng trong việc đọc hiểu của học sinh. Như vậy học sinh sẽ tránh được học vẹt, học tủ, giáo viên cũng không thể dạy kiểu nhồi nhét, rập khuôn” - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều môn học, hoạt động giáo dục mới trong chương trình phổ thông cũng đòi hỏi giáo viên phải đổi mới và tập huấn bài bản mới có thể đáp ứng được như môn: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Âm nhạc. Đặc biệt với môn Âm nhạc, học sinh sẽ được học các nhạc cụ và lần đầu tiên môn này được triển khai trong chương trình THPT.

Sẽ không thay đổi thi cử đến năm 2020

Trước băn khoăn về việc thi và đánh giá trong các nhà trường sẽ thay đổi thế nào sau khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, Bộ 

GD-ĐT đã có quyết định từ nay đến năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ ổn định, không thay đổi. Như vậy, việc đổi mới hình thức thi chỉ được tính đến sau năm 2020, cũng là thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT.

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, hiện Bộ GD-ĐT đã giao cho Trung tâm đo lường kiểm định chất lượng giáo dục khảo sát và nghiên cứu để trình Bộ đề án đổi mới thi và đánh giá đối với học sinh phổ thông sau khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đổi mới về giáo viên thì việc chuẩn bị cơ sở vật chất như thế nào cũng được đặc biệt quan tâm. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) đã được giao nhiệm vụ rà soát, thống kê cơ sở vật chất các trường học trên toàn quốc và lên kế hoạch chuẩn bị bổ sung để đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới.

Các môn học mới sẽ không đòi hỏi cơ sở vật chất quá đặc biệt. Chỉ cần các trường tiểu học ít nhất phải đảm bảo học sinh được học 6 buổi/tuần thì mới học hết chương trình. Hiện 80% trường tiểu học học 2 buổi/ngày. Và một điều kiện tiên quyết nữa là các trường phải đáp ứng sĩ số 35 học sinh/lớp với tiểu học, 45 học sinh/lớp với THCS bởi nếu lớp học đông hơn sẽ cản trở thực hiện phương pháp mới.