9 sự kiện được quan tâm hàng đầu về giáo dục năm 2017

ANTD.VN - Liên quan đến từng con người, gia đình, giáo dục 2017 liên tục tạo sóng dư luận với những vấn đề được đặc biệt quan tâm.

1. Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk"

PGS.TS Bùi Hiền (nguyên hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt". Công trình được công bố gây bão dư luận bởi nếu ứng dụng thì toàn bộ người dân phải học lại bảng chữ cái và các văn bản tài liệu hiện hành sẽ phải được dịch lại.

2. Lùi thời gian thực hiện sách giáo khoa mới

Lo ngại về sự vội vàng đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông khi chưa đủ điều triển khai đã thực sự được nhìn nhận khi Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông, chậm lại 2 năm.

Theo đó, thời hạn áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ được thực hiện chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022 - 2023 đối với cấp trung học phổ thông. Trước đó, theo Nghị quyết 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội, từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới 

Tuyển sinh đầu cấp luôn là vấn đề nóng tại Hà Nội và các thành phố lớn

3. Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ “lệnh cấm” thi tuyển vào lớp 6

Sau 4 năm cấm thi tuyển vào lớp 6, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo cho phép trường nào có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh có thể thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Theo các trường THCS, việc tuyển sinh dựa trên học bạ có thể không chính xác. Học sinh có học bạ đẹp nhưng kiến thức thực sự không như vậy. Vì vậy nhiều trường bày tỏ vui mừng vì có thể chọn lựa được học sinh giỏi vào trường. 

4. Thí sinh 30,5 điểm mới đỗ đại học

30,5 mới đỗ vào Học viện An ninh nhân dân năm 2017 là kỷ lục cao nhất về mức xét tuyển đầu vào trong các kỳ tuyển sinh đại học. Mức điểm này khiến các thí sinh khu vực thành phố mất hết hy vọng đỗ vào những trường tốp đầu vì không thể cạnh tranh với thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực. Vì đâu mà có tình trạng thí sinh đạt 28, 29 và 30 điểm vẫn chưa cầm chắc “tấm vé” đỗ ĐH. Trước bất cập này, nhiều thí sinh, chuyên gia giáo dục đề xuất với ngành Giáo dục cần điều chỉnh lại điểm ưu tiên. Bên cạnh đó, tình trạng mưa điểm 10 của hơn 4.000 bài thi khiến dư luận hoài nghi là do đề thi dễ hay là do đề thi còn lỏng lẻo.

Kỷ tuyển sinh dại học 2017 xác lập kỷ lục 30,5 điểm mới đỗ

5. Chỉ có một bằng đại học cho cả chính quy lẫn tại chức 

Mặc dù thi đầu vào đại học chính quy phải đạt mức điểm gần như tuyệt đối như trên còn đại học tại chức thì chỉ cần thi là đỗ nhưng tới đây Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ chỉ còn 1 tấm bằng đại học chung cho cả hai hệ này. Nhiều người băn khoăn trước việc làm sao đảm bảo thực chất khi đào tạo tại chức còn nhiều lỗ hổng, đại khái, qua quýt. 

6. Đề xuất thí điểm bỏ biên chế ngành Giáo dục

Tháng 5/2017, trong đợt tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn, Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Trước thông tin này, đông đảo thầy cô giáo đã bày tỏ tâm trạng hoang mang, lo lắng. Tại phiên thảo luận tại Quốc hội sáng ngày 9/6/2017, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần giáo viên từ chế độ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động mà trước hết thí điểm ở khu vực đại học và một số trường có điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng bởi việc đổi mới khu vực giáo viên, nhà giáo là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục.

7. Lương giáo viên gây sốc

Trong khi giáo viên xôn xao về việc bỏ biên chế thì cú sốc về lương hưu của cố giáo mầm non thực sự khiến nhiều người trong ngành lo lắng. Câu chuyện cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh ngã khuỵu khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đã nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, một tín hiệu mừng là Bộ GD& ĐT đã đề xuất xếp lương nhà giáo ở bậc cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, thậm chí như công an, quân đội trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Lương giáo viên được đề xuất cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp

8. Nóng bỏng trường học lạm thu 

Năm 2017 là năm bận rộn của thanh tra giáo dục khi đường dây nóng được thiết lập ở hầu hết các địa phương để tiếp nhận thông tin phản ánh về thu chi của phụ huynh học sinh. Liên tục những vụ lạm thu ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Nghệ An đến Bình Định, Đăk Lăk... Thanh tra Bộ GD-ĐT đã phải đến một loạt cơ sở giáo dục để làm rõ và đưa ra hàng loạt kiến nghị với cơ quan quản lý địa phương chấm dứt ngay việc thu các khoản thu trái quy định, khoản thu chưa được sự đồng thuận của phụ huynh, đồng thời hoàn trả ngay phụ huynh những khoản thu trái quy định.

9. Bạo hành trẻ từ gia đình đến nhà trường

Năm 2017, nạn bạo hành trẻ em đã khiến cấp Chính phủ phải lên tiêng chấn chỉnh. Đáng lên án là chính các bậc cha mẹ ruột cũng như các cô bảo mẫu, vốn là những người phải yêu thương, quan tâm, chăm sóc trẻ em nhất lại là những người bị khởi tố vì tội bạo hành trẻ. Trong đó, riêng ở TPHCM có 3 vụ bạo hành trẻ mầm non bị phát giác, trong đó có vụ gây chấn động ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh nơi các bé bị bạo hành trong thời gian dài.

Tại Hà Nội, có 2 vụ bạo hành trẻ bị lên báo. Trong khi đó, ở các nơi khác như Thanh Hóa, Lào Cai, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Đồng Tháp… cũng có các vụ bạo hành trẻ bị phát giác. Một loạt vụ bạo hành trẻ mầm non bị phanh phui làm dấy lên lo ngại về chất lượng cơ sở mầm non, đặc biệt là cơ sở tư thục.