“Chúng ta già trước khi giàu”

ANTĐ - Dường như có một điều bất thường khi nước ta vừa mới bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng được khoảng 3-4 năm nay, chưa tận dụng được nhiều lợi thế từ cơ cấu dân số này thì đã phải bước vào giai đoạn đầu của cơ cấu dân số già.

Già trước khi… giàu

Trao đổi với PV, TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, trong khi các nước trên thế giới cần một thời gian rất dài để chuyển từ dân số vàng sang dân số già (chẳng hạn Pháp cần 115 năm, Thụy Điển mất 70 năm…) thì Việt Nam hiện đang có tốc độ già hóa dân số nhanh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Các nhà khoa học nhận định rằng Việt Nam sẽ có khoảng 25-30 năm để chuyển từ dân số vàng sang già hóa dân số, song với tốc độ gia tăng già hóa dân số là 0,4%/năm như hiện nay, khả năng chúng ta chỉ mất khoảng 15 năm để bước vào thời kỳ già hóa, nghĩa là thời kỳ mà tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm đến 20% dân số.

Thực tế cho thấy, tuổi thọ của người Việt Nam đã đạt được mức gia tăng rất nhanh, gấp khoảng 1,5 lần mức gia tăng tuổi thọ trung bình trên thế giới. Nếu như trong 50 năm qua, tuổi thọ bình quân của người dân trên thế giới tăng 20 tuổi, từ 48 lên 68 thì cũng trong thời gian này, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng từ 40 lên 73 tuổi. Nếu như năm 1998, cả nước mới có khoảng 3.000 cụ thọ từ 100 tuổi trở lên thì đến nay đã có trên 7.200 cụ… Một mặt, việc tăng tuổi thọ bình quân được xem là một thành quả của mỗi quốc gia. Mặt khác, cũng phải thấy rằng việc già hóa dân số với tốc độ quá nhanh đang đặt chúng ta trước một thách thức rất lớn. Theo cách nói của TS. Dương Quốc Trọng, “chúng ta già trước khi giàu”, quá trình già hóa đến khi chúng ta chưa kịp chuẩn bị cho giai đoạn này.

Chưa lo thiếu lao động

Do tỷ lệ người bước vào độ tuổi lao động vẫn tăng mạnh và tăng nhanh hơn tỷ lệ người bước vào độ tuổi già nên TS. Dương Quốc Trọng khẳng định, trong khoảng 30-40 năm nữa, chúng ta chưa phải lo lắng về vấn đề thiếu lao động, thậm chí vẫn sẽ có nguồn lao động rất dồi dào. Vấn đề là giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động như thế nào và chất lượng nguồn lao động ra sao, đó mới là điều phải lo lắng.

Khi tỷ lệ người già ngày càng nhiều thì khả năng tạo ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội sẽ giảm, gánh nặng về an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho nhóm này càng tăng. Điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, không nên coi người già là đối tượng đứng ngoài sự phát triển kinh tế xã hội mà cần tạo điều kiện và cơ hội để tận dụng sức lao động, khả năng đóng góp của họ cả về kinh tế lẫn giá trị tinh thần. Thực tế rất nhiều người già vẫn còn khả năng đóng góp rất lớn cho xã hội nếu như được tạo điều kiện cho công tác, lao động.