Chứng khoán Trung Quốc lao dốc: Thị trường Việt Nam có chịu "xung chấn"?

ANTĐ - Sau khi đạt mức đỉnh hồi đầu tháng 6, thị trường chứng khoán Trung Quốc liên tục lao dốc. Hàng loạt các biện pháp được Chính phủ nước này đưa ra như giảm lãi suất, hạ chi phí giao dịch, sử dụng các quỹ đầu tư quốc gia để mua cổ phiếu... Câu hỏi được nhiều người đặt ra là cơn “sóng thần” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc tác động như thế nào tới Việt Nam? 
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc: Thị trường Việt Nam có chịu "xung chấn"? ảnh 1

Chứng khoán Trung Quốc đang trải qua cơn đại khủng hoảng

Phản chiếu tình hình kinh tế

Sau một đợt phục hồi lớn, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trải qua cơn đại khủng hoảng. Từ ngày 29-6, giá cổ phiếu liên tục đi xuống bất chấp các biện pháp hỗ trợ. Chỉ số sàn chứng khoán Thượng Hải - Shanghai Composite Index đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh cao vào ngày 12-6, gần 3.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường. 

Đánh giá về tình trạng lao dốc của thị trường chứng khoán tại đất nước đông dân nhất thế giới, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng: “Tình hình kinh tế của Trung Quốc đang ở giai đoạn khởi đầu của sự thoái trào, đặc biệt là về tốc độ tăng trưởng của thị trường. Nhiều dự báo cho rằng, Trung Quốc sẽ gặp nhiều vấn đề trục trặc liên quan tới nợ, đầu tư và tốc độ tăng trưởng. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán làm lộ ra những vấn đề của nền kinh tế”. 

Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong tháng 6 cho biết, Trung Quốc đang điều hành quá trình làm chậm tăng trưởng kinh tế một cách cẩn trọng, dự đoán sẽ giảm đà tăng trưởng nhưng vẫn đạt mức cao là 7,1% trong năm nay. 

Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 7 của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, Trung Quốc đang thực sự đối mặt với thách thức tăng trưởng.

Những khó khăn trong nội tại của kinh tế khiến Ngân hàng Trung ương nước này tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 4,85% vào ngày 28-6, mức thấp nhất từ trước đến nay, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở một số ngân hàng. Từ tháng 11-2014, đây là lần điều chỉnh lãi suất thứ tư. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn chưa có những phản hồi tích cực lên nền kinh tế. 

Tác động tiêu cực trong ngắn hạn

Trả lời câu hỏi “thị trường Việt Nam có chịu xung chấn từ sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc”, ông Trần Thăng Long - Trưởng phòng Phân tích Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) cho biết: “Chứng khoán Trung Quốc giảm từ năm 2007 và mới tăng trong 1 năm trở lại. Với sự phục hồi mạnh thì việc giảm là tất yếu, tuy nhiên sự suy giảm này không liên quan tới các thị trường khác mà chủ yếu do yếu tố nội tại. Khi chứng khoán Trung Quốc tăng thì gần như chứng khoán của các nước không tăng theo, không có sự liên hệ. Vì vậy khi giảm cũng như vậy”. Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đi lên, các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn rất nhiều do lo ngại “bong bóng”, đây là yếu tố thuận lợi cho các nước khác. 

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Minh - chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng: “Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tác động khá tiêu cực lên thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư vào nhóm thị trường mới nổi và thị trường cận biên, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam”.

“Đối với thị trường trong nước, tâm lý nhà đầu tư đã thận trọng hơn trong các phiên gần đây và động thái chốt lời gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thị trường đã có hai nhịp điều chỉnh ngắn hạn do chịu tác động tiêu cực từ diễn biến của thị trường chứng khoán Trung Quốc và vấn đề khủng hoảng nợ của Hy Lạp”, ông Minh phân tích.

Theo chuyên viên phân tích cao cấp VCSC, dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc là rất mạnh và nguồn tiền này sẽ bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các thị trường khác, như thị trường cận biên vì mức sinh lợi tại các thị trường này cũng khá cao như nhóm thị trường mới nổi. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất. 

“Do đó, dòng vốn của khối ngoại vào Việt Nam chỉ ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn từ khủng hoảng của thị trường chứng khoán Trung Quốc và có thể các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam với các kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc về kinh tế”, ông Minh nói. 

VN-Index giảm điểm, khối ngoại bán ròng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9-7, VN-Index giảm nhẹ 1,07 điểm (tương đương 0,17%) lùi xuống còn 622,1 điểm. Dòng tiền lớn tiếp tục ở lại thị trường, giúp thanh khoản được duy trì ở mức cao. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt hơn 148 triệu đơn vị, tương đương hơn 2.839 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối phiên, toàn sàn có 88 mã tăng giá, 79 mã đứng giá và 119 mã giảm giá. Trong khi đó, tại Sàn Hà Nội, HNX-Index giảm phiên thứ ba liên tiếp, mất thêm 0,21 điểm và đứng ở mức 87,92 điểm. Đáng chú ý, sau 9 phiên mua ròng liên tiếp, khối ngoại đã quay trở lại bán ròng gần 24 tỷ đồng trên sàn TP.HCM (HSX).