Chưa thoát khỏi... điểm mù

ANTĐ - Kinh tế thế giới diễn biến xấu phản ánh sự bất lực của các nhà hoạch định chính sách của các Chính phủ ở nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong lúc tình hình Bắc Phi, Trung Đông vẫn chưa ra khỏi điểm mù, đặc biệt là Libya, dù phe chống Chính phủ ngày càng thít chặt vòng vây cô lập Chính phủ ở Thủ đô Tripoli, nhưng tương lai chính trị nước này vẫn chưa thể nói trước được điều gì.

Chiến sự ác liệt ở vành đai Thủ đô Tripoli (Libya)

Đối với giới đầu tư tài chính thì: điểm mù trước mắt họ đã quá rõ, khi những rối loạn trên thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu đã gây thiệt hại lớn cho các thị trường chứng khoán thế giới, ước tính vào khoảng 4.000 tỷ USD. Trong tuần, các chuyên gia kinh tế đưa ra cảnh báo nguy cơ về một cuộc suy thoái mới đang tăng lên ở Hoa Kỳ, trong đó Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế nước này chỉ còn 2%. Còn Goldman Sachs thì cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sau khi tăng trưởng ở mức 0,8% trong 6 tháng đầu năm thì nay đã chững lại. Đây là biểu hiện cho thấy nguy cơ suy giảm của nền kinh tế Hoa Kỳ đang tăng lên. Các nước cùng hợp lực khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể tái diễn. 

Giữa bối cảnh các thị trường tài chính, bất động sản thế giới lao đao xuống dốc, các nhà đầu tư đã dồn tiền sang vàng khiến giá kim loại quý này lên mức cao nhất mọi thời đại, vượt mốc 1.800 USD/ounce, cho dù nhiều chuyên gia cảnh báo rằng có nhiều rủi ro trong việc đầu tư vào vàng. “Bong bóng” giá vàng thế giới dẫu nhìn thấy trước, nhưng chưa ai biết lúc nào nó sẽ vỡ tung. Và bởi vậy, những kỷ lục mới xác lập liên tiếp về giá của thứ kim loại quý này như những điểm mù chứa đựng rủi ro muôn hình vạn trạng, được trưng ra trước mắt nhà đầu tư.

Điểm nóng trên thế giới tuần qua vẫn quen thuộc là Trung Đông và Bắc Phi với những diễn biến mới. Sau khi một toán vũ trang đã xâm nhập miền nam Israel, sát khu vực 3 biên giới Israel - Gaza - Ai Cập, và tấn công vào các mục tiêu di động trên xa lộ, gây thương vong đáng kể cho cả binh sĩ và dân thường Israel, quân đội Nhà nước Do Thái đã ngay lập tức trả đũa. Điều đáng lo ngại là tình trạng trả đũa qua lại chỉ làm bạo lực thêm leo thang. Ở Libya, sau khi lực lượng chống đối Chính phủ tuyên bố đã chiếm được nhiều thành phố có vị trí chiến lược quan trọng, ngày 18-8 Thủ tướng Chính phủ Libya đã lên tiếng kêu gọi hòa giải với lực lượng nổi dậy.

Trong khi đó, hàng loạt nhà lãnh Đạo các nước phương Tây như Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel... đã chính thức kêu gọi ông Gaddafi từ chức. Trong lúc người ta bàn định về chuyện lưu vong của nhà lãnh đạo Libya thì nhiều nhà phân tích lo ngại cho tương lai đất nước dầu mỏ này, bởi lẽ chiến sự ác liệt ở Tripoli sẽ còn gây ra thảm cảnh “nồi da nấu thịt”.