Chữa táo bón không dùng thuốc

ANTĐ - Có nhiều phương pháp chữa táo bón ở đây chỉ đề cập cách chữa không dùng thuốc (kể cả đông y và tây y)  như ăn, uống, vận động, xoa bóp, thở bụng.
Chữa táo bón không dùng thuốc ảnh 1

1. Về uống: phải uống đủ nước, mỗi ngày uống từ 2 đến 2,5 lít nước; tốt nhất là dùng nước đun sôi để nguội, nước lọc, nước chè tươi, không dùng nước trà đặc, cà phê, rượu, bia, các nước giải khát có đường, có ga.

Chữa táo bón không dùng thuốc ảnh 2

2. Về ăn: ăn nhiều chất xơ nhất là các loại rau quả có chất nhờn như quả mướp, mồng tơi, rau rút, rau đay, rau muống, giây tơ hồng vàng, vỏ cây bìm bìm, quả đu đủ chín, lá và củ khoai lang, vỏ quýt khô, ăn vừng đen (cả vỏ), mật ong (người bị tiểu đường ăn hạn chế). Mỗi ngày nên ăn 1 đến 2 cốc sữa chua thay cho men tiêu hóa (ăn sau bữa ăn 1 đến 2 giờ). Kiêng ăn các thứ cay, nóng như quả mít, quả dứa (quả thơm), ớt, hạt tiêu, quế. Trong bữa ăn nên có gừng, riềng, sả làm gia vị để kích thích tiêu hóa, chống đầy hơi. Không ăn no quá, chỉ ăn khoảng 80% nhu cầu, nếu cần thì rải bữa (ăn 4,5 bữa 1 ngày).

3. Xoa xát vùng đan điền (vùng quanh rốn). Vùng đan điền có khoảng trên 20 huyệt thuộc 3 kinh (nhâm, thận, dạ dày) như các huyệt khí hải, quan nguyên, trung cực, khúc cốt, hoàng du, thiên khu, lương môn, quy lai, thủy phân, trung quản, thần khuyết, âm giao, đại cự, thủy đạo... xoa xát vùng này giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng, tăng nhu động ruột. Cách làm như sau: dùng 2 lòng bàn tay xoa xát vào nhau cho nóng lên, sau đó dùng bàn tay phải  xoa xát vùng này theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, xoa xát càng nhiều càng tốt, tiếp đến dùng bàn tay trái xoa xát theo chiều kim đồng hồ. Mỗi ngày xoa xát 3-4 lần. Có thể đứng, ngồi xoa xát, nhưng thuận tiện nhất là nằm ngửa. Khi nào có trung tiện là đạt yêu cầu.

Chữa táo bón không dùng thuốc ảnh 3

4. Tập thở bụng: khác với cách thở thông thường là khi thở phải phối hợp thót (đóng) và mở hậu môn tức là khi hít vào từ từ thót hậu môn, thở hết cỡ; khi thở ra từ từ mở hậu môn là thở ra hết cỡ. Cứ như vậy, tiếp tục thở càng nhiều càng tốt. Bất cứ lúc nào và ở đâu cũng có thể thở được (đi, đứng, ngồi, nằm; nếu nằm thì nên nằm nghiêng về bên phải để khỏi ép vào vùng tim) khi thở theo phương pháp này ta có cảm nhận là toàn bộ vùng bụng thót lại và rắn chắc làm tăng nhu động ruột, giúp cho việc tiêu hóa được tốt hơn. Ngoài chữa táo bón còn có tác dụng chữa sa đì (nam), sa tử cung (nữ), sa dạ dày, bàng quang, chữa phì đại tuyến tiền liệt, chữa bệnh trĩ.

5. Dùng khuỷu xương mu ngón cái của bàn tay trái thúc vào mông bên trái (sát hậu môn gần huyệt trường cường). Cách làm như sau:

Chỉ ngón tay cái của bàn tay trái gấp vào giữa lòng bàn tay, tiếp đến gấp 4 ngón tay còn lại đè lên ngón tay cái, dùng khuỷu của ngón cái thúc mạnh từ dưới lên (thúc khoảng 30-40 cái, khi có cảm giác muốn đại tiện thì dừng lại, không cần phải rặn, phân sẽ tự ra). Cách này không chỉ trị táo bón mà còn dùng để trữa bệnh trĩ rất hiệu quả.

6. Không dùng thuốc nhuận tràng, thuốc xổ, thuốc thụt hoặc thuốc đặt hậu môn. Khi bị táo bón, người bệnh thường dùng các thuốc trên để chữa trị. Đây là một sai lầm cơ bản vì làm như vậy sẽ phá vỡ sự cân bằng điện giải, độ PH tự nhiên trong ruột làm mất nước, mất muối, gây rối loạn hấp thu, tiêu hóa, tạo hội chứng lười biếng cho ruột và bệnh càng nặng thêm.

7. Người bị táo bón, thường không chủ động được thời gian đi đại tiện, người mệt mỏi, khó chịu, lúc sáng, lúc chiều, không theo một quy luật nào. Muốn khắc phục, phải tạo lập việc đại tiện theo một thời gian nhất định trong ngày. Để làm được điều này, phải kiên trì luyện tập để tạo phản xạ đại tiện có điều kiện trước hết chọn một thời gian thích hợp cho mình, ngôi vào bồn nhà xí (tốt nhất là xí bệt, không ngồi xí xổm. Nếu không có xí bệt thì dùng ghế có lỗ) và tập động tác ở mục 5 theo một giờ nhất định trong ngày, lúc đầu có thể chưa đi đại tiện được nhưng không bỏ cuộc, lần sau, ngày sau cứ đúng giờ đó là ra ngồi nhà xí, tập như vậy khoảng 2 tuần là có kết quả.