Học sinh chuyên Việt Nam:
Chưa có thứ bậc trong chuẩn khu vực
(ANTĐ) - Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng của Hiệp hội đánh giá quốc tế về đào tạo Toán và các môn khoa học các nước Đông Nam á. Theo giải thích của ông Vũ Tiến Đạt - Viện Chiến lược và Nghiên cứu giáo dục, Bộ GD-ĐT, lý do của việc này là do Việt Nam chưa có điều kiện tham gia hiệp hội. Điều này đang đặt ra câu hỏi, học sinh chuyên của Việt Nam đang đứng ở thứ bậc nào so với các nước cùng khu vực chứ chưa nói đến thế giới?
Sẽ lấy Singapore làm mô hình chuẩn
Theo phát biểu của Tiến sĩ Queena N.Lee-Chua - Giáo sư ĐH Ateneo de Manila, Cố vấn Ban thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các Quốc gia Đông Nam á (SEAMEO), tại cuộc gặp với lãnh đạo Bộ GD-ĐT ngày 12-12, thì Hiệp hội đánh giá quốc tế về đào tạo Toán và các môn khoa học đã xếp Singapore là quốc gia đi đầu về đào tạo các bộ môn chuyên này. Không những vậy, học sinh lớp 4 và lớp 8 của Singapore là những học sinh xuất sắc nhất thế giới. Kết quả nghiên cứu của hiệp hội này cho thấy tuy các nước Đông Nam á gần nhau về địa lý nhưng thành tích của học sinh về Toán và các bộ môn khoa học lại có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia.
Theo đó, riêng về Toán và các môn khoa học Malaysia ở vị trí 16, Thái Lan ở vị trí thứ 27, Indonesia ở vị trí thứ 34... Để đưa đào tạo chuyên của Việt Nam tiến gần với chuẩn khu vực, Bộ GD-ĐT đã tiến hành tham khảo mô hình đào tạo của các nước trên thế giới và trong khu vực. Theo ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, so với các nước thời lượng thực học của học sinh chuyên Việt Nam thấp hơn nhiều. ở Anh, học sinh chuyên học 300 phút một ngày còn ở Việt Nam là 225 phút một ngày. Năm học ở Anh kéo dài 10 tháng còn ở Việt Nam chỉ có 9 tháng. Cộng với việc không có khả năng tổ chức dạy và học 2 buổi ở đa số các trường trung học trên cả nước khiến cho đào tạo chuyên của Việt Nam còn thiếu rất nhiều điều kiện để vươn tới chuẩn khu vực. “Singapore là một trong những mô hình chuẩn để Việt Nam áp dụng vào đào tạo chuyên trong nước” - ông Lê Quán Tần cho biết.
Học sinh chuyên sẽ được tăng cường tiếng Anh và tin học |
Tham chiếu chuẩn châu Âu
Một trong những “bước ngoặt” của đào tạo chuyên trong nước mà Bộ GD-ĐT đang muốn thực hiện là đến năm 2020 giáo viên sẽ phải sử dụng ngoại ngữ để giảng dạy các môn chuyên. Đây là một trong những biện pháp để khắc phục thực trạng học sinh chuyên nước ta đang bị lệch quá nhiều về các môn chuyên mà yếu về ngoại ngữ, tin học cùng các vấn đề về giáo dục toàn diện khác. Theo ông Lê Quán Tần, Bộ GD-ĐT đang viết bản thảo Đề án tăng cường giảng dạy và ứng dụng tiếng Anh trong nhà trường với mong muốn biến Việt Nam thành một nước có thế mạnh về tiếng Anh. Dự kiến trong các trường phổ thông sẽ hình thành hai chuẩn về tiếng Anh. Thứ nhất là chuẩn áp dụng bình thường. Thứ hai là chuẩn tăng cường, học với thời lượng khác.
Hiện nay các chuyên gia đang thảo luận xem học tiếng Anh bắt đầu từ lớp 1 hay lớp 3. Còn trong trường THPT sẽ dạy 10 tiết tiếng Anh/tuần. Câu hỏi đặt ra là việc dạy này sẽ đi đến đâu? Căn cứ vào chương trình song ngữ tiếng Pháp hiện nay cũng được dạy với thời lượng như vậy, học sinh tốt nghiệp phổ thông có thể sang Pháp học đại học ngay. Đề án này sẽ được thực hiện khi triển khai học 2 buổi/ngày, và chỉ khi đó mới làm được vì mới bố trí được thời gian để học theo thời lượng quy định. Chương trình sẽ được soạn theo chuẩn châu Âu để tham chiếu. Các trường chuyên sẽ đi đầu trong việc thực hiện đề án này với việc sẽ chuyển dần các môn Toán và Vật lý sang giảng dạy bằng tiếng Anh.
Cũng theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc đào tạo chuyên trong nước sẽ sớm được đổi mới nội dung theo hướng gắn với thực tiễn xã hội và nhu cầu nguồn nhân lực chứ không theo đuổi phương pháp trước đây là quá chú trọng đến kiến thức lý thuyết, thường chỉ thích hợp với việc luyện thi để tham gia các cuộc thi quốc tế.
Vinh Hương