Chủ tịch Quốc hội: Sửa chính sách thuế “không lạm thu nhưng phải bảo đảm công bằng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, các luật về thuế cần được sửa đổi để tạo dư địa nhiều hơn cho doanh nghiệp, không lạm thu nhưng phải bảo đảm công bằng, bình đẳng...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Sáng nay, 13-7, tại phiên họp thứ 58, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo kinh tế- xã hội, kế hoạch tài chính- ngân sách, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 của Chính phủ nhằm hoàn thiện các báo cáo liên quan, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 1 Quốc hội khoá XV tới đây.

Qua xem xét, về cơ bản, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của Việt Nam trong 5 năm tới như sau: Tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 1,2 lần giai đoạn 2016-2020, tương ứng với mức tăng của giai đoạn trước.

Về tỷ lệ bội chi thì bình quân là 3,7% GDP, trần nợ công không quá 60%, nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45%. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách bình quân không quá 25%.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự kiến tổng mức vốn này của giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, dự kiến bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Hội nghị lần thứ ba vừa qua, Trung ương đã thảo luận và thống nhất các quan điểm, mục tiêu trong 5 năm tới, nhấn mạnh các yếu tố nhanh, bền vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu.

Cùng đó, phải bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, không để nợ xấu quay trở lại. Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Để hoàn thành được các nhiệm vụ này, theo Chủ tịch Quốc hội, cần khắc phục cả 2 khuynh hướng. Một là, bảo thủ, sai không sửa. Hai là, đổ thừa cho cơ chế.

“Tôi thấy khuynh hướng thứ hai dường như đang nổi lên rất mạnh. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề này. Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế bao gồm luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Cấp nào phải có trách nhiệm rà soát để sửa? Vướng chỗ nào thì phải chỉ ra, xác định rõ sửa cái gì, sửa như thế nào…?” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng như các dự án thua lỗ, yếu kém, các hạn chế về quản lý đất đai...

Mặt khác, cần đánh giá lại kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tránh tình trạng chỉ đề nghị chính sách chi mà không chú ý tới chính sách thu.

Nhấn mạnh yêu cầu cần triển khai sớm và tổ chức thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng, tổng kết thực hiện hóa đơn điện tử, giao dịch xuyên biên giới…, Chủ tịch yêu cầu không lạm thu nhưng phải bảo đảm công bằng, bình đẳng. Các luật thuế cần được sửa đổi để tạo dư địa nhiều hơn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ quan ngại khi nợ địa phương tăng 2,7 lần và đề nghị cần xem lại khả năng trả nợ của địa phương đến đâu.