Chủ tịch Quốc hội: "Bệnh viện đã tự chủ phải kiểm toán hàng năm, chúng ta đã thực hiện nghiêm chưa"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý, đấu thầu trong các bệnh viện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, "với các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn được hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm. Chúng ta đã thực hiện nghiêm chưa, hay mất bò mới lo làm chuồng"?

Giải pháp nào chống chảy máu nhân lực ngành Y?

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đặt câu hỏi: “Từ hiện tượng một số nhân viên y tế xin nghỉ việc do áp lực lớn, nhiều cán bộ đầu ngành sai phạm bị xử lý kỷ luật, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp chống chảy máu nhân lực của ngành Y tế”?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, với ngành Y tế, nguồn nhân lực vô cùng quan trọng. Thời gian qua, Bộ luôn quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, tương đương các nền Y tế trên thế giới.

Bên cạnh việc tập trung đào tạo nhân lực, ngành Y tế cũng có các chính sách thu hút nhân lực đối với đơn vị y tế công lập như phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp đặc biệt (như phụ cấp trực và phòng chống dịch).

Cũng theo Bộ trưởng, mặc dù thời gian qua có một số cán bộ y tế ở đơn vị công lập xin nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc cho đơn vị y tế tư nhân, song y tế công lập vẫn là chủ đạo. Những người có trình độ chuyên môn cao hầu hết vẫn ở đơn vị y tế công tập.

Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm đến đội ngũ cán bộ y tế công lập bằng nhiều hình thức khác nhau như chú trọng đào tạo nhân lực, tăng cường chế độ, đào tạo với trình độ cao hơn đối với toàn bộ lực lượng y tế, cải cách chế độ tiền lương phụ cấp để cán bộ y tế yên tâm làm việc ở cơ sở y tế công lập.

Liên quan đến việc trẻ em phải học trực tuyến trong một thời gian dài như chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, vừa qua lãnh đạo Bộ Y tế đã trao đổi với Bộ GDĐT và Bộ này cũng đã có những hướng dẫn đối với các địa phương. Hai Bộ đã tổ chức hội nghị, trong đó đề nghị các địa phương không vì lo lắng dịch bệnh quá mà không đưa trẻ đến trường, nhất là với trẻ đầu cấp.

"Bên cạnh đó Bộ cũng nêu rõ các biện pháp phòng chống dịch với các trường học, khuyến cáo các trường không nên đợi chờ vào vaccine mới đưa trẻ đến trường bởi hiện nay mới chỉ tiêm cho trẻ trên 12 tuổi và rủi ro ở lứa tuổi này không lớn, nên các địa phương cần mạnh dạn cho các cháu đi học, đặc biệt là những vùng ở cấp độ 1 và 2 đi học bình thường, cấp độ 3 mới hạn chế kết hợp học trực tiếp và trực tuyến. Nghị quyết 128 và hướng dẫn đã quy định rõ” - Bộ trưởng khẳng định.

'Mất bò mới lo làm chuồng?'

Đặt câu hỏi chất vấn, Đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn TP.HCM) nêu vấn đề, việc chuyển giao các bệnh viện quận - huyện, TTYT, cơ sở y tế dẫn đến nhiều khó khăn bất cập nhất là khi dịch bệnh bùng phát.

UBND các quận, huyện khó khăn trong quản lý điều hành các bệnh viện quận, huyện và TTYT trong khi các cơ sở này rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, tổ chức xét nghiệm, tiêm chủng, phòng chống dịch, khám chữa bệnh cần có sự điều phối của UBND quận huyện, Sở Y tế chỉ nên quản lý các bệnh viện đa khoa chuyên khoa lớn và chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn. Bộ Y tế có giải pháp gì trong phân cấp quản lý để phát huy vai trò của quận, huyện, TTYT?

Về nội dung trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vấn đề năng lực quản lý, nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất nhiều Sở Y tế chưa quản lý được hết.

Khi làm việc với TP.HCM, Bộ ủng hộ phương án trao việc quản lý các TTYT cho quận huyện và đề nghị nhanh chóng triển khai thí điểm vì tiềm lực của các quận huyện ở TP.HCM rất lớn nên việc phân cấp phân quyền, tăng đầu tư, trách nhiệm của chính quyền địa phương với hoạt động y tế trên địa bàn là phù hợp.

Nhưng ở một số địa phương khác cần tiếp tục nghiên cứu vì nhiều nơi còn rất khó khăn. Bộ sẽ cân nhắc ở các góc độ để đảm bảo tăng cường quản lý, chất lượng y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Liên quan đến chất vấn của Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) về vi phạm về quản lý, đấu thầu tại một số bệnh viện công lập diễn ra thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, nguyên nhân xuất phát từ nhiều lý do, trong đó chủ yếu từ cá nhân. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát các đơn vị thuộc bộ, địa phương để ngăn ngừa, phòng chống, đấu tranh với các trường hợp vi phạm…

Sau phần trả lời chất vấn trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu ra 2 vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, theo Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, với các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn được phép hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm báo cáo tài chính.

"Chúng ta đã thực hiện nghiêm chưa, hay mất bò mới lo làm chuồng? Việc hướng dẫn kiểm tra giám sát của Bộ Y tế là một chuyện song vấn đề về chế độ kế toán, kiểm toán với các đơn vị này trong Nghị quyết 19 đã nêu rất rõ. Chuyện liên kết đặt máy, mua bán thiết bị y tế của các bệnh việc công đã tự chủ phải được kiểm toán. Đề nghị Bộ trưởng kiểm tra lại” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, y tế cấp huyện sau khi sắp xếp trong Đề án đã nói rõ phải chuyển về cho địa phương mà ngành Y tế chỉ quản lý về chuyên môn vì cấp huyện rất thành thạo về con người, nhân sự, đất đai…, trên địa bàn. Tại sao chúng ta lại làm rất khác nhau, mà qua đợt chống dịch này mới bộc lộ?

Từ phân tích đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình rạch ròi về vấn đề này. “Chúng ta thực hiện 4-5 năm nhưng vẫn không thống nhất giữa các địa phương. Thời gian tới, nếu chuyển TTYT về địa phương hay để cho ngành Y tế quản lý thì phải rõ ràng” - Chủ tịch Quốc hội nói.