Chủ tịch hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước:

Chủ tịch phường nên để dân bầu

ANTĐ - Có nên quy định “cứng” số lượng các bộ trong bộ máy Chính phủ, giữ hay bỏ HĐND cấp phường trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương? Đó là những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tập trung thảo luận, cho ý kiến trong phiên làm việc ngày 20-1.

Chủ tịch phường nên để dân bầu ảnh 1Còn nhiều ý kiến khác nhau về giữ hay bỏ HĐND phường

Không quy định cứng số lượng các bộ

Chiều 20-1, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật Tổ chức Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định “cứng” số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng một Chính phủ năng động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội; bảo đảm sự chủ động của Chính phủ khi cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ.

Tuy nhiên, qua thảo luận, một số ý kiến không đồng tình với phương án trên. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, tổ chức của Chính phủ cụ thể như thế nào luật phải nêu rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, cần luật hóa quan điểm có bao nhiêu bộ trong Chính phủ. Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: “Tại sao không quy định cứng luôn? Như vậy, bộ máy Chính phủ mới ổn định”. 

Cũng trong dự thảo lần này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo hướng bám sát nội dung quy định tại Điều 98 của Hiến pháp. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cân nhắc việc không quy định về một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như: Giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; Tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ nội dung này, đảm bảo thật sát, chặt chẽ theo Hiến pháp.

Nên bỏ hay giữ HĐND phường?

Cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sáng 20-1, nội dung được thảo luận nhiều nhất chính là việc giữ hay bỏ HĐND cấp phường. Dự thảo luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Ở địa bàn nông thôn, vẫn tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã; còn ở địa bàn đô thị, chỉ tổ chức cơ quan hành chính (UBND phường) để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương, không tổ chức HĐND. Phương án 2: Cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính như hiện nay. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt câu hỏi: “Hiến pháp ghi rõ, ở đâu có quyền lực, ở đó có giám sát. Đất nước này do nhân dân làm chủ, nay lại bỏ HĐND phường, bỏ quyền lực giám sát của dân thì giải thích như thế nào với dân?”. Một số ý kiến khác cũng thiên về phương án 2. Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, vừa qua, khi giám sát 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 6 địa phương đang thí điểm mô hình bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường, có đến 8 tỉnh đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức HĐND tại tất cả các cấp như hiện nay.

Dù vậy, cũng có những ý kiến đồng tình với phương án 1 và cho rằng đã đến lúc phải có sự thay đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp, hiệu quả hơn. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giải trình thêm: “Quyền lực giám sát của nhân dân được thể hiện thông qua nhiều cơ quan. Không có HĐND cấp phường không có nghĩa là nhân dân phường đó không được giám sát chính quyền”. Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, thực tiễn hoạt động của HĐND cấp quận, phường thời gian qua rất hạn chế. Do đó, tại thành phố, chỉ nên tổ chức HĐND đến cấp quận. Để đảm bảo tính dân chủ nếu thực hiện phương án 1, ông Ksor Phước đề nghị Chủ tịch UBND phường phải do nhân dân bầu trực tiếp.