Chủ tịch HĐQT cùng giám đốc lừa đảo

Mặc dù không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng Đinh Quý Ba (SN 1976) ở Thanh Oai, Hà Tây, Chủ tịch HĐQT và Hoàng Đình Hợi (SN 1983) ở Gia Bình, Bắc Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xuất khẩu Sông Đà đã cùng nhau thực hiện hành vi lừa đảo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động để chiếm đoạt số tiền gần 1 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT cùng giám đốc lừa đảo

Mặc dù không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng Đinh Quý Ba (SN 1976) ở Thanh Oai, Hà Tây, Chủ tịch HĐQT và Hoàng Đình Hợi (SN 1983) ở Gia Bình, Bắc Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xuất khẩu Sông Đà đã cùng nhau thực hiện hành vi lừa đảo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động để chiếm đoạt số tiền gần 1 tỷ đồng.

Vụ việc vừa được Cơ quan CSĐT-CATP Hà Nội hoàn tất kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đề nghị truy tố 2 đối tượng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra làm rõ Công ty cổ phần Đầu tư xuất khẩu Sông Đà thuê trụ sở tại 18 đường Hồng Liên, Thanh Xuân, Hà Nội, thành lập ngày 21-6-2005.

Công ty không có chức năng xuất khẩu lao động. Ngày 25-11-2005, thông qua quan hệ, Đinh Quý Ba - Chủ tịch HĐQT công ty đã ký  biên bản ghi nhớ với Công ty Du lịch hải ngoại Nam Ninh – Trung Quốc với nội dung Công ty cổ phần Đầu tư xuất khẩu Sông Đà có trách nhiệm cung cấp 30 người lao động Việt Nam cho Công ty Nam Ninh đưa đi lao động tại Đài  Bắc – Trung Quốc.

 Để cụ thể hoá biên bản ghi nhớ, Hoàng Đình Hợi đã ký bản hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở Đài Bắc – Trung Quốc với Công ty Nam Ninh. Sau đó, Ba và Hợi đã thông qua “cò” để môi giới người lao động đến Công ty cổ phần Đầu tư xuất khẩu Sông Đà nộp tiền đi xuất khẩu lao động.

Để tạo niềm tin, trong quá trình giao dịch với người lao động và các trung gian môi giới, tuyển nhân viên vào công ty làm việc, Đinh Quý Ba tự mạo nhận Công ty cổ phần Đầu tư xuất khẩu Sông Đà  là chi nhánh của Tổng Công ty Sông Đà, có chức năng xuất khẩu lao động. Từ tháng 11-2005 đến tháng 3-2006, Ba và Hợi tổ chức ký hợp đồng, thu tiền đặt cọc và hồ sơ của người lao động với mức thu từ 2.000 USD  đến 6.000 USD/người và tự mở lớp học định hướng trái phép, thu tiền học 1 triệu đồng/người. Việc thu tiền và ký hợp đồng lao động, Đinh Quý Ba giao cho Hoàng Đình Hợi nhưng toàn bộ số tiền thu được cuối ngày phải đưa cho Ba.

Tổng số đã có 47 người lao động nộp 109.900 USD và 33 triệu đồng cho Ba và Hợi. Ngoài số tiền trên, Ba và Hợi còn tự ý thu riêng của một số người khác, trong đó Ba thu 6.500 USD và 30 triệu đồng của 4 lao động đi Đài Bắc – Trung Quốc và 2.500 USD của 2 người lao động đi Hàn Quốc; Hợi thu 30 triệu đồng và 1.000 USD của 2 người lao động đi Hàn Quốc. Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết, Ba và Hợi không đưa được người nào đi xuất khẩu lao động. Bị đòi tiền, các đối tượng mới trả lại một phần tiền cho người lao động.

 Theo kết luận của Cơ quan điều tra, đến nay, ngoài số tiền tự ý thu riêng, Đinh Quý Ba đã chiếm đoạt 974.500.000 đồng. Hoàng Đình Hợi đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung với Ba về số tiền này. Do đó, cả 2 đối tượng đều bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 điều 139 Bộ luật Hình sự.

Công Duy