Chủ tịch Hà Nội trả lời mong muốn con được học trường công lập của công nhân ngoại tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khẳng định mong muốn con em được học trường công lập của công nhân, người lao động ngoại tỉnh là chính đáng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói rõ: "Dứt điểm là Thủ đô là phải tăng nhanh cả số trường công lập và ngoài công lập để để đáp ứng được 100% con em người dân trên địa bàn".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trả lời những vấn đề công nhân, người lao động Thủ đô quan tâm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trả lời những vấn đề công nhân, người lao động Thủ đô quan tâm

Sáng 26-5, tại khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân Thủ đô.

Tăng tốc triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Trực tiếp trả lời các vấn đề người lao động quan tâm, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã dành 1 giờ để trao đổi, làm rõ các nội dung quan trọng. Chủ tịch UBND TP đánh giá, trên tổng số 530 kiến nghị được tổng hợp trức đó và 22 ý kiến trực tiếp tại buổi gặp gỡ, là những vấn đề sát sườn với đời sống của công nhân lao động. 8 sở, ngành liên quan đã trả lời với tinh thần chung sức đồng lòng, trách nhiệm, cam kết khắc phục giải quyết và sẽ báo cáo UBND TP vào giữa tháng 6-2022.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng quà người lao động dịp Tháng Công nhân 2022

Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng quà người lao động dịp Tháng Công nhân 2022

Tại buổi gặp gỡ, những vấn đề liên quan đến đời sống người lao động được nhiều công nhân quan tâm. Công nhân Nguyễn Hoàng Long (Công ty TNHH Matsuo Việt Nam) đặt câu hỏi: “Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã được Chính phủ thông báo và công bố. Tuy nhiên, tại Hà Nội, chưa thấy triển khai, người lao động rất mong chờ. Đề nghị UBND TP cho biết lý do?”

Trả lời câu hỏi, Chủ tịch UBND TP cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định hỗ trợ, Hà Nội đã triển khai, đôn đốc và tăng tốc việc triển khai. Thành phố đã phân rõ công việc; công bố danh mục thủ tục hành chính trong việc này; phân cấp, ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận huyện...

Đến nay, theo báo cáo, trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã và các đơn vị BHXH đều đã có những kế hoạch, văn bản về việc triển khai vấn đề này. Kết quả sơ bộ, đến nay các quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận trên 2.852 hồ sơ của 107 doanh nghiệp; ban hành quyết định hỗ trợ cho 2.013 người của 74 doanh nghiệp; chi trả cho 1.462 người của 17 doanh nghiệp...

Chia sẻ với người lao động khi giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt; giá vật tư, nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và lương bổng của người lao động... Chủ tịch UBND TP cho biết, để can thiệp và kiểm soát thì cơ bản phải là chính sách của Trung ương, của Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan.

"Hà Nội đã và đang chỉ đạo các sở ngành kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng; bám sát các chỉ đạo của bộ ngành để kiểm soát giá vật liệu...", Chủ tịch UBND TP nói thêm.

Công nhân Nguyễn Hoàng Long đặt câu hỏi về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Công nhân Nguyễn Hoàng Long đặt câu hỏi về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Công nhân ngoại tỉnh mong con được học trường công lập

Một trong những vấn đề cũng được người lao động quan tâm được công nhân Nguyễn Văn Đỉnh (Công ty Yamaha Motor Việt Nam) phản ánh là việc hiện nay, CNLĐ phải đưa con về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để tiếp tục học tập hoặc cho con học tại hệ thống các trường THPT dân lập với mức học phí cao, trong khi điều kiện sống còn nhiều khó khăn.

“Việc trở lại địa phương nơi đăng ký thường trú để học tập, sống xa cha mẹ, thiếu sự quan tâm, chăm sóc và sát sao có thể khiến các con sao nhãng việc học tập, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Điều này là nỗi trăn trở lớn, làm ảnh hưởng tới hiệu quả công việc của CNLĐ. Vì cậy, CNLĐ có nguyện vọng, mong muốn được hưởng chính sách cho CNLĐ được thi vào các trường THPT trên địa bàn thành phố”, ông Đỉnh kiến nghị.

Công nhân Phạm Thị Bích Hải (Công ty TNHH TOTO Việt Nam) kiến nghị: “Công nhân ở khu công nghiệp ký hợp đồng không xác định thời hạn. Tuy nhiên tạm trú thì chỉ thời hạn 1 năm. Trong khi người lao động phải đi làm liên tục, không có thời gian đi lại nhiều, con em không có tạm trú thì không được đi học ở các trường công lập trên địa bàn. Vì vậy, đề nghị nên mở rộng thời gian làm giấy tạm trú hoặc có chế độ ưu tiên cho con công nhân lao động được học ở các trường công lập”.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến trả lời, Sở đã ban hành Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT mỗi năm học. Trong hướng dẫn về tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên có quy định về điều kiện tuyển sinh, trong đó nêu rõ học sinh hoặc cha (mẹ) của học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Đối với học sinh không đủ điều kiện về hộ khẩu có thể tham gia dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ, THPT ngoài công lập có sử dụng kết quả thi để xét tuyển hoặc có thể tham gia xét tuyển vào các Trung tâm GDNN-GDTX, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có liên kết đào tạo văn hóa. Trong thời gian vừa qua, thành phố luôn quan tâm đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh các cấp, hằng năm bổ sung, cải tạo, xây mới nhiều trường công lập song song với các trường THPT ngoài công lập, nhất là ở các địa bàn có khu công nghiệp.

Tiếp thu ý kiến người lao động, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục quan tâm đẩy mạnh rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng bổ sung nhiều trường THPT công lập cũng như trường THPT ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô cũng như người lao động các tỉnh về Hà Nội làm ăn, sinh sống.

Công nhân Thủ đô phấn khởi trong buổi gặp mặt, đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Công nhân Thủ đô phấn khởi trong buổi gặp mặt, đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Thủ đô hiện nay, ngoài tăng dân số tự nhiên dân số cơ học cũng tăng rất cao mỗi năm. Do vậy, Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư vào các trường học, các vấn đề giáo dục để đáp ứng nhu cầu học tập trên địa bàn Thủ đô.

"Dứt điểm là Thủ đô phải tăng nhanh cả số trường công lập và ngoài công lập để để đáp ứng được 100% con em người dân trên địa bàn", Chủ tịch UBND TP nói rõ.

Về điều kiện tạm trú hàng năm gây khó khăn cho người lao động thì hiện nay, Hà Nội đang triển khai Đề án 06, trong đó có khai báo tạm trú, tạm vắng. Sắp tới, sẽ triển khai tới các nhà trọ công nhân thì việc khai báo tạm trú, tạm vắng sẽ rất nhanh, dễ dàng.

Chia sẻ với những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân như còn thiếu nhà ở cho công nhân, giáo dục cho con em người lao động... Chủ tịch UBND TP cho biết: “Có nhiều phần việc thuộc thẩm quyền của Trung ương. Sắp tới Luật Thủ đô sẽ được sửa đổi, khi đó, Hà Nội sẽ có những cơ chế riêng, thuận lợi hơn cho việc khắc phục những tồn tại này. Thành phố sẽ đồng hành tháo gỡ với người lao động theo lộ trình cụ thể”…

Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý các việc như lắp thêm mạng wifi, cải tạo đường gom, thêm chiếu sáng đường gom vào khu công nghiệp... và nói rõ "đây là việc ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, các đơn vị phải khẩn trương thực hiện ngay".

Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP và lãnh đạo Liên đoàn lao động TP cũng trao quà tặng 50 công nhân…

Sửa chữa kịp thời khu nhà ở cho công nhân ở Kim Chung, Đông Anh

Liên quan phản ánh của anh Đỗ Văn Hảo (công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam) hiện khu nhà ở công nhân xã Kim Chung bị xuống cấp, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Khu nhà ở công nhân xã Kim Chung gồm 28 khối nhà (14 khối 5 tầng và 4 khối 15 tầng).

Trách nhiệm quản lý khu nhà ở này là Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Hiện nay việc bảo trì khu nhà, Công ty có trách nhiệm lập phương án bảo trì gửi Sở Xây dựng để thẩm định, cấp vốn.

Thời gian qua, do có vướng mắc về thực hiện Nghị định 124 của Chính phủ nên việc triển khai của Công ty còn chậm. Sở Xây dựng nhận trách nhiệm cùng Công ty trong thời gian tới sẽ rà soát, có phương án bảo trì, sửa chữa kịp thời.