Chống tai nạn và ùn tắc giao thông ở Hà Nội: Có quyết tâm, sẽ làm được

ANTĐ - Hà Nội được đánh giá là một trong số ít những địa phương giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực bằng các biện pháp ngắn, trung, dài hạn kể cả biện pháp tình thế nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn và ùn tắc giao thông.

Đường sắt trên cao, một trong những giải pháp chống ùn tắc

Giảm TNGT trên 3 tiêu chí

Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra hơn 11.000 vụ TNGT, làm chết hơn 9.200 người, giảm 118 người chết so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, Hà Nội được đánh giá là địa phương giảm nhiều nhất về số người chết, giảm 92 người. Đặc biệt, trong 3 năm qua, từ năm 2009 đến năm 2011, Hà Nội là một trong số 7 địa phương liên tục giảm số người chết do TNGT. Đánh giá về kết quả này, UB ATGT Quốc gia nhận định, thực hiện NQ 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế TNGT, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng thực hiện các quy hoạch phát triển GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như xây dựng các bến, bãi đỗ xe; xúc tiến thực hiện các dự án xây dựng điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng; xây dựng, mở rộng các quốc lộ hướng tâm, các đường cao tốc, các đường vành đai; xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm cho người đi bộ, tổ chức lại giao thông hợp lý…

Bên cạnh đó, lực lượng công an và các ngành chức năng đã xây dựng phương án khắc phục các điểm ùn tắc GT, các bất hợp lý về tổ chức GT, lập phương án phân luồng GT, bố trí lực lượng phù hợp để phòng ngừa, hạn chế ùn tắc GT vào các giờ cao điểm. “Với những nỗ lực trên, lực lượng công an đã thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT, không để xảy ra ùn tắc GT nghiêm trọng trong các hoạt động chính trị, văn hóa, thể thao lớn của cả nước và Thủ đô”, ông Thân Văn Thanh, Chánh Văn phòng UB ATGT Quốc gia cho biết.

Cùng với những giải pháp mang tính quy hoạch, chiến lược như xây dựng đề án phát triển VTHKCC, sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe… trong giai đoạn 2009-2011, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã đưa vào sử dụng 10 công trình GT như cầu Vãng, đường 32, đường Lê Trọng Tấn, đường trục phía Bắc Hà Đông… Hiện, TP đang tiếp tục triển khai 31 công trình như đường Cát Linh-Yên Lãng, đường Liễu Giai-Núi Trúc, cầu Lạc Trung… Ngay trong năm 2011, Hà Nội đang triển khai lắp dựng cầu vượt đường bộ tại một số nút Nam Hồng, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, xén cứng hóa đê mở rộng QL 32…

Xóa dần điểm đen ùn tắc

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, do lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên một số tuyến đường, nút GT tăng đột biến làm xuất hiện nhiều điểm thường xuyên ùn tắc, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội. Sở GTVT đã phối hợp với CATP, Ban ATGT TP khảo sát và sắp xếp, tổ chức lại GT trên một số nút, các tuyến phố chính có lưu lượng phương tiện tham gia GT lớn. Thông xe kỹ thuật phục vụ điều tiết GT, giảm ùn tắc GT trên một số tuyến như QL 32, dự án cống hóa Láng-Thái Thịnh-Thái Hà-La Thành… Chính những nỗ lực trên đã góp phần giảm ùn tắc cục bộ tại 66/124 điểm đen, hàng năm, giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí.

Cũng theo ông Hùng, trong thời gian tới, để hạn chế mức thấp nhất ùn tắc GT, Sở GTVT sẽ rà soát, kiểm tra các vị trí bố trí điểm trông giữ phương tiện ô tô, xe máy trên lòng đường, vỉa hè, sẽ thu hồi tất cả các vị trí dừng đỗ (cả có phép và không phép) gây ảnh hưởng tới GT trong khu vực. Rà soát các điểm, nút GT có nguy cơ ùn tắc, xác định nguyên nhân và có giải pháp tổ chức giao thông cụ thể, phù hợp với thực tế. Ngoài ra, sẽ tiếp tục phân làn tách dòng theo phương tiện trên một số tuyến phố đã được UBND TP thông qua. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ hoàn thiện các dự án cải tạo các nút giao thông khác cốt; xây cầu đi bộ qua đường theo kết cấu lắp ghép, gọn nhẹ, linh hoạt; cầu vượt lắp ghép cho xe máy, ô tô và xe tải nhẹ… Ông Thanh cũng cho rằng, trong thời gian tới, Hà Nội cần phối hợp với Bộ GTVT thực hiện ngay các giải pháp cấp bách về tổ chức GT, điều chỉnh thời gian làm việc, học tập; xây dựng các cầu vượt lắp ghép dành cho phương tiện có tải trọng nhẹ tại một số nút GT chính của TP.