Chống mất ngủ kiểu… phản tác dụng

ANTĐ - Căng thẳng, suy nghĩ, hồi hộp trước sự kiện trọng đại sắp tới rồi thời tiết thay đổi… là vô vàn lý do khiến chúng ta có thể thao thức, không ngủ được. Mỗi người đều có cách “điều trị” riêng trong các tình huống ấy nhưng đôi khi cách chống chọi với chứng mất ngủ lại làm cho điều đó tồi tệ hơn.

Ảnh Internet

Thư giãn trong ánh điện. Trong thời gian thư giãn buổi tối, chúng ta thường cuộn tròn trong chăn với một cuốn sách hoặc xem tivi trước khi ngủ. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy thư thái hơn, nhưng đôi khi lại khiến cơ thể “phơi nhiễm” quá nhiều ánh sáng. Ánh sáng ban đêm, đặc biệt là các bước sóng màu xanh của đèn có thể làm cho con người ta tỉnh táo hơn, ngăn chặn quá trình sản xuất  melatonin để đưa cơ thể sang trạng thái ngủ.

Làm ngụm rượu cho dễ ngủ. Nhiều người hoạt động quá hăng trong ngày nên dùng rượu hay một số chất gây ngủ khác làm “phanh nhân tạo” thì mới ngủ được. Nhưng dùng cách này không an toàn ở chỗ, khi rượu được chuyển hóa, thường là trong khi ngủ, “hệ thống phanh” ấy đột nhiên nhả ra, làm cho người đó bỗng tỉnh giấc lúc nửa đêm. Trường hợp này, nên sắp xếp lại công việc để cường độ hoạt động giảm dần vào buổi chiều và tối.

Tin tưởng vào thuốc ngủ. Vì việc mua thuốc ngủ tương đối dễ dàng nên việc sử dụng thuốc ngủ để chống mất ngủ tăng vọt trong những năm gần đây. Với những người mất ngủ kinh niên, dùng thuốc ngủ hiệu quả không mấy thuận lợi. Thay vì bắt cơ thể thường xuyên dùng thuốc, hãy xác định và giải quyết gốc rễ khiến cho người ta không ngủ được vào ban đêm.

Thức chong chong chờ cơn buồn ngủ đến. Một quan niệm khá phổ biến là nếu không thể ngủ được, tốt nhất là cứ nằm trên giường và nghỉ ngơi. Cách giải quyết này đôi khi lại biến thành chứng mất ngủ có điều kiện, có nghĩa là cứ thao thức, thức trắng đêm mỗi khi nằm trên giường. Giải pháp đưa ra là hãy lên giường khi nào thật buồn ngủ, cứ dậy khỏi giường và làm điều gì cảm thấy thoải mái nếu không ngủ được.

Ngủ trưa quá giấc. Buồn ngủ ban ngày là triệu chứng chứng tỏ thiếu ngủ dẫn đến ngủ lơ mơ hoặc ngủ trưa lâu. Chợp mắt buổi trưa rõ ràng đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe nhưng nếu ngủ trưa quá 2 tiếng có thể phá vỡ nhịp sinh học, gây ra cơn mất ngủ vào ban đêm. Nếu quá mệt, ban ngày có thể chợp mắt từ 15 đến 30 phút đủ cho cơ thể tạo năng lượng và tinh thần.

Thức đêm và ngủ vùi vào ngày nghỉ. Nhiều người quan niệm, ngày cuối tuần hay ngày lễ là dịp để bù đắp cho việc thiếu ngủ trong tuần. Tuy vậy, nên lưu ý là điều này cũng có thể phá vỡ nhịp sinh học, tạo ra những giấc ngủ chất lượng kém trong tương lai. Hãy cứ coi ngủ sớm và đúng giờ như thông lệ là một sự tự bắt buộc, nhưng nó sẽ thực sự giúp ích cho mọi người.