- Thường vụ Quốc hội dành một ngày để chất vấn
- Đã giải quyết 24/35 vụ trọng án nghi có dấu hiệu oan sai
Bộ trưởng- Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Giàng Seo Phử
trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Lần đầu tiên trong 3 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng được đăng đàn trả lời trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã chuẩn bị tài liệu cho phần chất vấn khá đầy đủ và sinh động. Theo Bộ trưởng, chương trình 135 đã được triển khai qua 3 giai đoạn từ 1995 đến nay. Đó là một chương trình hợp lòng dân, tạo được hiệu quả thiết thực rõ nét, được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế nên hiện còn nhiều nội dung của chương trình chưa được triển khai.
Chương trình 135 đã được Chính phủ (CP) phê duyệt tiếp tục thực hiện đến 2020 nhưng các chính sách cơ bản hỗ trợ cho các tỉnh miền núi sẽ kết thúc trong năm 2015 này. Theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, trong điều kiện khoảng cách chênh lệch kinh tế xã hội giữa vùng xuôi và các dân tộc miền núi còn lớn và có xu hướng ngày càng giãn ra như hiện nay, chương trình 135 chưa thể kết thúc được.
Đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng- Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đặt vấn đề, hiện nhiều xã 135 vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, giải pháp nào để chương trình này đạt được mục tiêu đặt ra? Mới chỉ 6% đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, vậy các chương trình đào tạo nghề của CP có đến được với bà con dân tộc hay không?
ĐB Nguyễn Bá Thuyền hỏi: dân di cư tự do đến Tây Nguyên rất đông, gây ảnh hưởng an ninh, xáo trộn kinh tế xã hội của vùng này, giải pháp gì để khắc phục? Trong khi đó, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) quan tâm đến việc hiện chúng ta có quá nhiều chính sách đang triển khai tại các tỉnh miền núi, vùng dân tộc, việc thực hiện các chính sách tản mạn, phân tán, do nhiều đầu mối thực hiện, dễ gây thất thoát trong quản lý, khó đánh giá hiệu quả?
Chương trình 135 đã góp phần thay đổi bộ mặt vùng dân tộc miền núi song nhiều xã 135 vẫn khó khăn (ảnh minh họa)
Lần lượt trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số vẫn chiếm 30% số hộ nghèo của cả nước. Sau nhiều năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số (từ năm 2002 – 2014 chi hỗ trợ từ ngân sách khoảng 9.509,410 tỷ đồng/tổng nhu cầu gần 30.000 tỷ đồng) song đến nay vẫn còn khoảng 360.167 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở.
Khó khăn vì việc cấp vốn cho chương trình 135 không chỉ thấp mà còn rất chậm. Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề xuất CP, Quốc hội cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới vấn đề này. Giải pháp đột phá chỉ có thể là tiếp tục cấp nguồn thực hiện chương trình 135 hoặc phải thay đổi, xây dựng chương trình này thành chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho các tỉnh dân tộc miền núi, các tỉnh nghèo.
Tiếp tục trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, vấn đề di dân là vấn đề của toàn cầu cũng như trên cả nước, không phải vấn đề riêng của đồng bào dân tộc. Hiện có 2 xu hướng, với miền xuôi là di dân từ nông thôn ra thành thị, với đồng bào dân tộc thì di dân theo hướng từ Đông sang Tây, tập trung vào các vùng còn nhiều đất màu mỡ, nhiều rừng.
“Vấn đề quan trọng nhất là phải tìm rõ nguyên nhân ở nơi dân di đi, xem vì sao họ phải đi, ví dụ như đồng bào ở cao nguyên đá Hà Giang, Sơn La… từ đó có chính sách đầu tư cho họ, đầu tư cho các vùng dân có nguy cơ di cư để họ không di cư đi nơi khác. Còn các vùng di dân đến nhiều, cần phải có chính sách quy hoạch dân cư, ổn định dân cư, đời sống kinh tế xã hội theo quy hoạch. Đồng thời phải có nhiều chính sách đồng bộ khác như xen kẽ giữa đồng bào tại chỗ và đồng bào di dân đến....” - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phân tích.
Với vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở của bà con dân tộc miền núi, ông Giàng Seo Phử cho rằng đây là nhu cầu rất lớn. Qua khảo sát nhiều địa phương không còn quỹ đất nên việc giải quyết rất khó khăn. Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các bộ ngành, các địa phương để cùng tháo gỡ. Tương tự với vấn đề giải quyết việc làm cho bà con dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc cũng đã đề xuất và đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH giải quyết...
Cũng theo Bộ trưởng- Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử, hiện có đến vài chục chính sách đang triển khai ở các vùng dân tộc thiểu số, ngoài chương trình 135 còn có hàng loạt chính sách quan trọng khác như chương trình 30A của CP, chương trình xóa đói giảm nghèo cho các huyện nghèo, chương trình nông thôn mới...
“Đó không phải là chính sách riêng của Ủy ban Dân tộc mà của Đảng, Nhà nước nên không thể tránh được phần nào đó trong việc chồng chéo. Theo tôi, nên để ít chương trình thôi, thu gọn các đầu mối chính sách, xác định chính sách trọng điểm cho giai đoạn trung hạn mới, như vậy đầu tư mới hiệu quả” – Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề xuất.