Kỷ niệm 122 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2012):

Chống bệnh quan liêu bằng “Thuốc đắng dã tật”

ANTĐ - Giữa lúc chúng ta đang đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng vào cuộc sống, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện… để củng cố niềm tin của dân đối với Đảng, những lời giản dị của Bác Hồ là liều thuốc quý!

 

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên năm 1954

Năm 1950, trong không khí toàn Đảng, toàn quân đẩy mạnh công tác “Chuẩn bị chiến trường tiến tới tổng phản công”, tác phẩm “Thuốc đắng dã tật” tập hợp một số bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản Sự thật phát hành đã gây ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Kỷ niệm sinh nhật Người, đọc lại tác phẩm quý giá này, càng thấm thía những lời Người dạy để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng.

Với phong cách viết súc tích, dễ đọc, dễ hiểu, Bác đi thẳng vào những vấn đề đang tồn tại ở các địa phương, các cấp uỷ, trong  quan niệm, ý thức, hành động của mỗi con người. Như một ông lang bắt bệnh, Bác gọi ra đúng các căn bệnh: chủ nghĩa cá nhân, tự kiêu tự ái, bệnh máy móc, bệnh quan liêu, bệnh khẩu hiệu, bệnh cấp bậc… và cho thang thuốc  hiệu nghiệm để chữa mỗi bệnh.

Người xếp chủ nghĩa cá nhân đứng hàng đầu các căn bệnh vì “do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu, kềnh càng, kiêu ngạo, chậm chạp, làm cho qua chuyện, ham chuộng hình thức”. Bệnh tự kiêu tự ái là căn bệnh rất nguy hiểm cho đạo đức và công việc, và Người chỉ ra tác hại “tự kiêu nhất định dẫn đến thất bại, vì kiêu ắt đi đôi với nịnh, đã kiêu thì ắt ghét những kẻ tài giỏi hơn mình, ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những kẻ vô tài, bất lực, nhưng khéo nịnh hót, a dua; xa cách hoặc dìm hãm những người có tài, có đức hay bàn ngay, nói thẳng. Như thế thì sao khỏi hỏng việc”. Đặc biệt, bệnh quan liêu được Bác định nghĩa rõ ràng trong mục “Bệnh quan liêu là thế nào?” và Người chỉ ra nguyên nhân, cách thức thể hiện, tác hại của căn bệnh này. Thang thuốc để chữa bệnh này là:

Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết.
“Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.
Phải thực hành thật thà phê bình và tự phê bình. 
Phải làm kiểu mẫu: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Một biểu hiện quan liêu khác của các “quan cách mạng” là bệnh cấp bậc. Những cán bộ mắc căn bệnh ấy khiến cho nội bộ không đoàn kết, công việc không trôi chảy. Bác bốc thang thuốc để chữa căn bệnh này: “Phê bình và tự phê bình, rửa sạch đầu óc ngôi thứ, địa vị, chủ nghĩa cá nhân; đặt công việc chung, lợi ích chung lên trên hết, trước hết”. 

Người nêu rõ một số ông “quan cách mạng” mắc bệnh: trái phép; cậy thế; hủ hoá; tư túng; chia rẽ, kiêu ngạo và yêu cầu mỗi nguời phải tự phê bình để sửa lỗi lầm, “Phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Vì thế, rèn luyện đạo đức cách mạng là công việc suốt đời của mỗi cán bộ, đảng viên, để sao cho “Cán bộ được dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng thành công”. Đó là kinh nghiệm đã trở thành chân lý, là bí quyết thành công của người cán bộ mà Người đã rút ra bằng chính sự liêm khiết của mình. Người nhấn mạnh: điều cốt yếu là mỗi cán bộ cần phải làm gương, không ngừng phê bình, tự phê bình để gột rửa, tẩy sạch các thứ bệnh do quyền, chức gây ra. 

Đúng như tên tác phẩm, “Thuốc đắng dã tật” của Bác là liều thuốc rất cần thiết, quý giá để cán bộ soi vào mà tự sửa mình. “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”. 

Giữa lúc chúng ta đang đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng vào cuộc sống, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện… để củng cố niềm tin của dân đối với Đảng, những lời giản dị của Bác là liều thuốc quý để mỗi cán bộ, đảng viên làm theo lời dạy của Người.