Chôm tiền của người say, cướp hay trộm?

ANTD.VN - Đêm 23-5, anh Trần Quang T. (SN 1983), sau khi đi uống rượu về do bị say không thể tiếp tục đi được nên đã để xe máy ở ven đường rồi nằm xuống đất ngủ. Lúc này, Nguyễn Văn H. (SN 1993) và Hoàng Tuấn Q. (SN 1995) đi chơi về và phát hiện thấy anh T. đang nằm bên đường. 

Quan sát thấy đoạn đường vắng người qua lại và chiếc chìa khóa anh T. vẫn còn cắm ở xe máy, H. và Q. đã bàn nhau lấy chiếc xe máy và lục soát tài sản trong người anh T. lấy đi số tiền 5 triệu đồng. Gần sáng hôm sau khi tỉnh rượu, anh T. mới phát hiện mình bị mất tài sản và đi trình báo cơ quan công an. Sau khi kiểm tra camera an ninh của nhà người dân gần đó, cơ quan công an đã phát hiện H. và Q. chính là thủ phạm của vụ án nên đã tiến hành bắt giữ.

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này, hành vi của Nguyễn Văn H. và Hoàng Tuấn Q. đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Công nhiên chiếm đoạt tài sản

Trong vụ việc này, Nguyễn Văn H. và Hoàng Tuấn Q. đã phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của pháp luật, công nhiên chiếm đoạt tài sản là lợi dụng khó khăn của người khác trong việc quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản của người đó mà không dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hay bất kỳ thủ đoạn nào uy hiếp tinh thần người bị hại. Trong vụ việc này, H. và Q. đã lợi dụng việc anh Trần Quang T. say rượu không thể quản lý tài sản của mình nên đã chiếm đoạt tài sản của anh T. Đây là yếu tố, căn cứ để khẳng định hành vi của 2 đối tượng này là công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Tuấn Anh (Kim Bôi - Hòa Bình)

Trộm cắp tài sản

Hành vi trộm cắp tài sản của Nguyễn Văn H. và Hoàng Tuấn Q. trong vụ việc này đã được thể hiện rất rõ ràng. Khi phát hiện ra anh T. say rượu nằm ngủ bên đường, quan sát thấy đoạn đường vắng người qua lại, H. và Q. đã bàn nhau chiếm đoạt tài sản của anh T. H. và Q. đã lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của anh T. để thực hiện mục đích của mình là chiếm đoạt chiếc xe máy và tiền trong ví của anh T. Đây là hành vi thể hiện sự lén lút đặc trưng của tội trộm cắp tài sản, bởi trong lúc H. và Q. tiến hành trộm cắp thì anh T. - chủ sở hữu tài sản không hề biết hành vi này xảy ra. Vì vậy, H. và Q. phạm tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138, Bộ luật Hình sự.

Lê Thị Thúy (Tĩnh Gia - Thanh Hóa)

Cướp tài sản

Nguyễn Văn H. và Hoàng Tuấn Q. đã chiếm đoạt tài sản của anh Trần Quang T. một cách công khai, trắng trợn, trong hoàn cảnh mà anh T. không có khả năng nhận thức hay có thể chống cự được. Sự công khai, trắng trợn chỉ xảy ra ở những tình huống cướp tài sản. Vì vậy, hành vi của H. và Q. đủ dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133, Bộ luật Hình sự. 

Nguyễn Văn Tê (Bình Liêu - Quảng Ninh)

Bình luận của luật sư

Trước hết về ý kiến cho rằng Nguyễn Văn H. và Hoàng Tuấn Q. phạm tội cướp tài sản. Qua các tình tiết của vụ án, theo chúng tôi không đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản.

Khoản 1, Điều 133, Bộ luật Hình sự quy định về tội cướp tài sản như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”.

Hành vi cướp tài sản xâm hại đồng thời hai quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ. Đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Bằng hành vi phạm tội của mình, người phạm tội cướp tài sản xâm phạm trước hết đến thân thể, đến tự do của con người để qua đó có thể xâm phạm được sở hữu.

Trong tình huống trên, H. và Q. thấy anh Trần Quang T. say rượu nằm mê mệt bên đường, lại thấy chiếc xe máy vẫn còn cắm chìa khóa để bên cạnh nên H. và Q. lấy đi chiếc xe máy và số tiền 5 triệu đồng. Như vậy, trong tình huống này, H. và Q. không xâm hại đến thân thể, đến tự do của anh T. hay nói cách khác là không xâm phạm đến quan hệ nhân thân. H. và Q. chỉ xâm hại đến quan hệ sở hữu của anh T.

Về mặt khách quan, trong tình huống trên, H. và Q. không có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay có hành vi nào khác làm cho anh T. lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Anh T. lâm vào tình trạng không thể chống cự được là do uống quá nhiều rượu nên say, việc anh T. lâm vào tình trạng không nhận thức, không chống cự được không có lỗi của H. và Q. Như vậy, căn cứ vào những phân tích trên, căn cứ vào khách thể và mặt khách quan của tội phạm ta thấy, H. và Q. không có đủ những dấu hiệu để cấu thành tội cướp tài sản. 

 Về ý kiến H. và Q. phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137, Bộ luật Hình sự. Theo đó, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ.

Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai). Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu giếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản, người bị thiệt hại biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được).

Do đặc điểm riêng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan như: thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh… 

Trong tình huống trên, H. và Q. đã lợi dụng lúc anh T. say rượu nằm mê mệt bên đường nên đã chiếm đoạt tài sản của anh T. Trong trường hợp nếu anh T. không hẳn bị mê mệt mà vẫn có thể nhìn thấy hành vi chiếm đoạt tài sản của H. và Q. nhưng do quá say nên không thể ngăn cản hành vi của H. và Q. thì H. và Q. có thể bị cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Nhưng trong tình huống có ghi rõ anh T. say nằm ngủ bên lề đường.

Như vậy trong khi H. và Q. đang thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, anh T. không hề biết và nhìn thấy hành vi của H. và Q., phải đến sáng hôm sau anh T. tỉnh rượu mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an. Như vậy, hành vi của H. và Q. không thể là công nhiên mà có hành vi lén lút, hành vi của H. và Q. chỉ có thể bị coi là công nhiên khi anh T. tỉnh giấc nhận thấy mình bị chiếm đoạt tài sản nhưng do quá say nên không có khả năng chống cự và H. và Q. vẫn công khai, trắng trợn lấy tài sản của anh T. Như vậy có thể thấy H. và Q. không có đủ các dấu hiệu cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

 Theo nội dung vụ việc, có cơ sở để khẳng định Nguyễn Văn H. và Hoàng Tuấn Q. phạm tội trộm cắp tài sản. Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138, Bộ luật Hình sự. Điều 138 không mô tả những dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản mà chỉ nêu tội danh. Qua thực tiễn xét xử có thể hiểu: Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội lén lút (bí mật) lấy tài sản mà chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết mình bị lấy tài sản, chỉ sau khi mất họ mới biết mình bị mất tài sản. Khách thể của tội trộm cắp tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu.

Trong tình huống trên, H. và Q. không hề xâm hại đến quan hệ nhân thân của anh T. mà chỉ có hành vi xâm phạm đến tài sản của anh T. Về khách quan, do đặc điểm của tội trộm cắp tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết.

Trong tình huống trên, H. và Q. đã lợi dụng lúc anh T. say rượu nằm mê mệt bên đường nên đã chiếm đoạt tài sản của anh T. Để xác định hành vi phạm tội của H. và Q. trong tình huống này, ta cần xác định “tại thời điểm mất tài sản, chủ tài sản có biết hay không” là vấn đề cần thiết phải làm rõ, bởi nó liên quan đến bản chất của hành vi chiếm đoạt. Trong tình huống này, anh T. là chủ tài sản, do bị say rượu nằm mê mệt bên đường nên trong khi bị H. và Q. chiếm đoạt tài sản không hề biết mình bị chiếm đoạt tài sản. Phải đến sáng hôm sau tỉnh rượu anh T. mới biết mình bị mất tài sản. Như vậy, dấu hiệu “thời điểm mất tài sản” là mốc thời gian, xác định việc tài sản đã bị chiếm đoạt và không nằm trong vòng kiểm soát của chủ tài sản nữa.

Tại thời điểm này, chủ tài sản (anh T.) không biết việc mình bị mất tài sản và đây chính là hệ quả của hành vi “lén lút”. Bởi chỉ có “lén lút” mới làm chủ tài sản không biết mình bị mất tài sản. Mặt khác trị giá tài sản bị các đối tượng chiếm đoạt là chiếc xe máy và 5 triệu đồng, thỏa mãn dấu hiệu được nêu trong Điều 138, Bộ luật Hình sự (từ 2 triệu đồng trở lên). Hành vi của H. và Q. được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích cuối cùng của H. và Q. là mong muốn chiếm đoạt tài sản của anh T. Với sự liên hệ qua lại giữa các dấu hiệu này, giúp chúng ta dễ dàng tìm ra điểm đặc trưng của tội trộm cắp tài sản, từ đó ta có cơ sở để quyết định H. và Q. phạm tội trộm cắp tài sản. Như vậy, căn cứ vào những phân tích trên, căn cứ vào khách thể và mặt khách quan của tội phạm ta thấy, H. và Q có đủ những dấu hiệu để cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)