Chớ thương mại hóa giáo dục

ANTĐ - Hôm nay, 30-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chiều cùng ngày, UBTVQH xem xét, thảo luận về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Phải tránh cho được khuynh hướng thương mại hóa giáo dục (Ảnh minh họa)


“Sản phẩm” chưa đáp ứng được nhu cầu

Thẩm tra dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH), UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như xã hội hóa giáo dục, phân tầng các cơ sở giáo dục đại học và trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH còn chưa được thể chế hóa. Một số vấn đề lớn của GDĐH như về mô hình tổ chức hoạt động, kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo quốc tế… vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để.

Đặc biệt, Ủy ban VHGDTTN&NĐ đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ tiêu chí về cơ sở giáo dục “phi lợi nhuận” và cơ sở giáo dục “có lợi nhuận hợp lý”. Bởi, “làm rõ hai khái niệm này mới có cơ sở để xây dựng cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích các cơ sở giáo dục phi lợi nhuận và điều chỉnh hoạt động của cơ sở giáo dục có lợi nhuận hợp lý nhằm tránh thương mại hóa giáo dục, bảo vệ quyền lợi của người học nói riêng và xã hội nói chung”.

Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, rất cần có sự đổi mới trong nhận thức để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Hàng năm, người Việt Nam phải tiêu tốn một khoản tiền rất lớn, hàng trăm triệu USD để ra nước ngoài học đại học. Nếu nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong nước thì khoản tiền đó có thể giữ lại được trong nước. Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận định, phải có một “mức sàn” về giảng viên, điều kiện vật chất… để đảm bảo chất lượng của giáo dục đại học. Bà Trương Thị Mai nói: “Đầu vào hiện nay khó, nhưng đầu ra lại dễ. Đó là một nghịch lý khiến cho “sản phẩm” của giáo dục đại học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Đây là vấn đề cần sớm được điều chỉnh...”.

Số người chết vì thuốc lá còn rất cao

Theo Tờ trình của Chính phủ, mỗi năm, Việt Nam có gần 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Nhiều nội dung của dự Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được các thành viên UBTVQH đồng tình cao, như quy định về việc in cảnh báo tác hại đối với sức khỏe trên bao bì thuốc lá. Theo đó, nội dung cảnh báo phải chiếm ít nhất 50% diện tích mỗi mặt trước và sau trên vỏ bao thuốc lá. Đây được coi là biện pháp tuyên truyền ít tốn kém và có hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại UBTVQH còn băn khoăn về quy định thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá và trách nhiệm đóng góp bắt buộc của người hút thuốc lá và cơ sở sản xuất thuốc lá như trong dự thảo Luật. Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển bình luận: “Hiện có khá nhiều luật quy định về việc thành lập, mức thu, chi; quy chế sử dụng… của các loại quỹ,  làm cho chính sách tài chính bị chia cắt, thiếu tập trung. Có nên cứ mỗi luật lại cho ra một loại quỹ như vậy không? Nếu cần thiết thì có thể xây dựng hẳn một chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá”.

Nên giảm bớt “kính thưa”

Cũng trong chiều 30-9, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bản Đề án được nhiều thành viên UBTVQH nhận định là có những nội dung đổi mới khá toàn diện trên cả ba lĩnh vực công tác quan trọng nhất của Quốc hội: lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đơn cử, theo Đề án, hiện nay cách thức mở đầu trong trình bày, phát biểu tại Hội trường chưa thống nhất. Trừ các bài diễn văn quan trọng, khi trình bày tờ trình, dự án, báo cáo và phát biểu ý kiến; đề nghị các vị ĐBQH, đại diện các cơ quan chỉ “Kính thưa Quốc hội” và trình bày thẳng nội dung hoặc ý kiến của mình. Đối với hoạt động chất vấn, sẽ  chất vấn lần lượt từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận về từng vấn đề. Câu hỏi chất vấn phải ngắn gọn, rõ ý, không đặt câu hỏi ngoài chủ đề hoặc chỉ hỏi thông tin; thời gian hỏi tối đa là 2 phút/lần hỏi...