Chở nước sạch miễn phí cho hơn 500 hộ dân

ANTĐ - Cho đến tận bây giờ, người dân của 2 ấp 4A và 4B, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, Long An hẳn đã quen thuộc với hình ảnh anh Phan Trọng Toàn, công an viên của ấp 3, cùng chiếc xe ba gác chứa đầy những can nước sạch chạy hơn 3km trên đường đất để cung cấp nước miễn phí cho hơn 500 hộ dân nơi đây. 

Chở nước sạch miễn phí cho hơn 500 hộ dân ảnh 1

Khổ cực vì “khát nước” 

Ấp 3 nơi anh Toàn ở, nước uống, nước sinh hoạt khá đầy đủ, nhưng tại ấp 4, nước sạch lại vô cùng khan hiếm. Ấp 4 xa nguồn nước sạch, trong những ngày nắng nóng khô hạn, nhiều bà con rất khổ cực. Không ít người dân ấp 4 phải bỏ hết công ăn, việc làm để đi tìm mua nước, còn những đứa trẻ bị trễ giờ tới lớp vì phải sang tận ấp khác xin nước… Một lần nhìn thấy mấy cụ già nhưng vẫn phải đi bộ sang tận ấp 3 xách nước, rồi về không nổi phải nghỉ giữa đường, nhiều lúc trượt ngã, đổ hết nước, anh Toàn thấy mình cần phải làm một việc gì đấy để giúp đỡ mọi người.

Anh bắt đầu dành thời gian đến ấp 4A và 4B tìm hiểu về tình trạng thiếu nước trầm trọng ở đây. Một hộ dân ở ấp 4A cho biết, gia đình chị đã 2 ngày nay phải đạp xe lôi hơn 5km để chở gần 100 lít nước múc dưới kênh về sinh hoạt. Mặc dù biết nước không đảm bảo vệ sinh, nhưng chị bảo, “biết làm sao được, đành nhắm mắt dùng thôi”.

Còn một hộ khác ở xóm 4B cho biết thêm, đã 3 ngày nay gia đình bà phải thay nhau đi chở nước từ nhà bà con có giếng khoan về dùng. Nhiều hộ dân ở nhà trọ gần nhà bà còn khốn đốn hơn khi không có bồn chứa nước dự trữ, cũng không có người thân nào ở gần để xin nước. Không ít cư dân ở trọ đã phải mua nước đóng chai loại bình 20 lít về để nấu ăn, tắm rửa. “Gia đình cháu hàng ngày bình quân sử dụng khoảng 2m3 nước, nhưng những ngày này không có nước mà dùng. Thiếu nước thật sự rất khổ. Nghèo gì cũng không bằng nghèo nước...” - em H (trú tại ấp 4B) than thở.

Ý thức được tình cảnh của gia đình, thế nên nhiều khi hết nước H lại tất tả qua nhà hàng xóm xin từng can về dùng. Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến thất thường gây hạn hán kéo dài, khiến các hồ, bể chứa nước mưa của tất cả gia đình trong khu vực cạn kiệt. Cuộc sống vốn đã túng thiếu, nhọc nhằn lại càng thêm vất vả vì thiếu nước. Từ giặt giũ, vệ sinh hay uống nước cũng đều sử dụng chung nước ở khe sông suối.

Mặc dù biết không đảm bảo vệ sinh nhưng không dùng thì lấy nước đâu để uống, nấu ăn hàng ngày. Phần lớn những người dân ở ấp 4A, 4B chia sẻ với anh Toàn rằng, sống chung với “cơn khát” nước ngọt ngày qua ngày nên lúc nào dân ở đây cũng mong cho trời mưa. Ở đây, hầu như nhà nào cũng sẵn sàng xô chậu, xây bể chứa để có thể dự trữ tối đa nước mưa, nhưng là vùng đất hạn nên mưa đâu có thường xuyên…

Khi nghe những lời bộc bạch vì “khát nước” trên anh Toàn đêm ngày trằn trọc. Anh nghĩ, những người dân ở đây, tuy nhận thức được mức độ nguy hiểm của nguồn nước đang dùng nhưng vì phần lớn là người nghèo, chủ yếu là lao động chân tay, đi làm thuê làm mướn nên cũng không có tiền để mua nước sạch. Người lớn thì có thể không sao, nhưng còn bọn trẻ sức đề kháng kém, nghĩ cũng tội. Câu nói vô tư của em H: “Nhà con nhiều khi không có cơm ăn nên đâu có tiền mà mua nước sạch” cứ luôn ám ảnh anh Toàn. Không để tình trạng trên kéo dài, anh Toàn quyết định mua một chiếc xe ba gác, ngày ngày tranh thủ chở nước cho bà con ở ấp 4A và 4B.

Tấm lòng lan tỏa

Để mang nước đến với bà con ấp 4A, 4B, mỗi ngày anh Toàn phải bỏ hơn 200.000 đồng tiền xăng, công sức, thời gian… Từ 3h chiều đến 9h tối, anh chở hơn chục chuyến nước. Tiếng xe của anh Toàn dừng ở đâu, người dân ấp 4A, 4B lại tập trung ở đó. Họ gọi nhau í ới, mang thùng can, xếp hàng đợi anh Toàn bơm nước. Vẫn biết lượng nước mà mỗi ngày anh chở phát cho những hộ dân ở ấp 4A, 4B còn hạn chế, nhưng dù sao cũng giúp họ đỡ “khát”, giải quyết một số nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. 

Nhiều hôm anh ốm, mệt mỏi trong người nhưng vẫn không nghỉ vì anh nghĩ nếu không chở nước thì bà con biết sinh hoạt làm sao. Cho nên, anh vẫn gắng gượng chở nước cho bà con. Còn người dân nơi đây khi tiếp nhận những lít nước quý báu từ anh Toàn đã tự bảo nhau cách dùng sao cho tiết kiệm. Họ dùng nước sau khi vo gạo để rửa chén. Nước rửa rau thì để lại rửa thịt, cá. Tắm thì dùng thau hứng lại để sử dụng cho việc giặt giũ, lau nhà…

Mỗi khi nhắc về “chú Toàn công an”, bà con nơi đây lại dành cho anh những lời kính phục, bởi việc tự tay mang từng thùng nước đến cho bà con mỗi ngày thì không phải ai cũng làm được. Một học sinh lớp 8, trú tại ấp 4A (xã Tân Trạch) chia sẻ: “Từ ngày có chú Toàn công an chở nước tới ấp của em, mọi người rất vui và đỡ phần cực nhọc vì phải đi xa mua nước về sinh hoạt, mà em cũng được nhiều thời gian học bài hơn, không phải vác thùng trẹo lưng nữa”.

“Nhiều khi trời nóng, mồ hôi cứ chảy ra ngứa ngáy lắm, muốn dội lên người một, hai gáo nước để thoải mái mà không dám vì sợ thiếu nước. Không có gì khổ bằng sống thiếu nước, không có chú Toàn chở nước tới để cả trăm hộ dân ở xóm tôi sinh hoạt, chắc chúng tôi chết khô” - một lão nông ở ấp 4B cảm động nói.

Khi được nghe những lời cảm ơn, thậm chí ca ngợi về mình, anh Toàn cười bảo: “Mình bỏ chút của chút công giúp bà con thì có gì to tát đâu. Giờ chỉ mong việc làm của mình được nhiều người biết để họ có động lực giúp người dân vùng khô hạn. Mình chỉ mong vậy thôi”.

Cùng với đó, anh cũng trăn trở, làm sao các địa phương tích cực vận động người dân tự đầu tư và bảo vệ các công trình cấp nước, huy động doanh nghiệp cùng vào cuộc tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình cấp nước khu vực nông thôn. Bởi thực tế cho thấy, nước sạch nông thôn là một trong những công trình thiết yếu trong đời sống, không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.