Chợ nổi giữa lòng Hà Nội

ANTĐ - Nói đến chợ nổi trên sông hẳn ai cũng nghĩ đến chợ Cái Răng nổi tiếng ở Cần Thơ hay một vài chợ khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng ít ai biết, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, con phố cũ Hàm Tử Quan cũng mang trong mình một chợ nổi đúng nghĩa với những con thuyền lênh đênh bán một thứ quả rất gần gũi - chuối. Chợ chuối ven sông Hồng đã tồn tại gần hai chục năm nay nhưng rất ít người Hà Nội biết đến. 

Chợ nổi giữa lòng Hà Nội ảnh 1

Phố Hàm Tử Quan ở phía ngoài bờ đê sông Hồng. Trước kia, cứ đến mùa nước là cả con phố này chìm trong biển nước, dân phố lại sang vỉa hè Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải che nilon ngủ, rồi canh khi nước rút lại bơi thuyền về nhà, nước rút đến đâu cọ tường nhà đến đó. Mùa nước lên năm 1996 là trận lụt cuối cùng người Hà Nội còn được chứng kiến, thời cực khổ của dân bờ đê đã lùi xa 20 năm. Phố Hàm Tử Quan từ đó không còn lo chạy lũ nữa. Giờ phố đông đúc, lại rất lắm Tây ba lô vào, vì có cửa hàng chuyên cho thuê mô tô phân khối lớn. Tây ba lô cứ quần soóc, áo ba lỗ vào thuê một chiếc xe, đổ xăng rồi bành bành một vòng cung Tây Bắc vài ngày, sau quay về trả xe lấy lại tiền đặt cọc.

Chợ nổi giữa lòng Hà Nội ảnh 2

Ngoài Tây ba lô thì có rất nhiều bà, nhiều chị sáng gánh chuối từ trong phố ra, trưa chiều lại quẩy gánh không vào. Mà nhà dân trong đó nhà nào cũng nhỏ thì làm gì có kho chuối. Rảo bước theo sau một chị quang gánh đi hết phố, qua một bãi gạch đá thì đến mép sông Hồng và mở ra cơ man những chuối là chuối. Hóa ra, ở nơi này có một cái chợ nổi trên sông và chỉ bán duy nhất chuối.

Hà Nội ít người biết đến chợ chuối này vì thực tế thì cũng chả mấy khi đặt chân vào phố Hàm Tử Quan nếu không có người quen hay việc gì, vì phố khuất sau bờ đê. Chợ chuối họp sát bờ sông phía hữu ngạn, phía Nam cầu Chương Dương. Nếu đi trên cầu hướng về phía Gia Lâm thì rất khó để ý thấy, còn từ bờ phía Gia Lâm nhìn về lại vướng Bãi Giữa. Vào đến phố Hàm Tử Quan, trước kia, muốn xuống chợ chuối phải đi nhờ qua 1 nhà dân. Thế rồi, nhà dân đó xây lên và không cho đi nhờ qua nữa. Chợ chuối giờ đi nhờ bãi xe của nhà hàng gần đó. 

Chợ chuối ven sông Hồng trước kia có đến vài chục chiếc thuyền đúc bằng bê tông đậu san sát nhau. Thuyền chở chuối từ Yên Bái, Phú Thọ, Sơn Tây về đây, bao giờ cũng đến trước ngày rằm và mùng một khoảng vài ngày, thuyền nào cũng lủng lẳng treo hàng trăm buồng chuối đủ loại. Dân buôn sẽ vào mua rồi gánh, thồ vào phố bán lẻ cho dân Hà Nội có chuối thắp hương rằm và mùng một. Có thuyền gom chuối xanh tận Bảo Hà - Lào Cai, rồi lênh đênh xuôi Hồng giang mất cả tuần, về đến Hà Nội là lúc chuối cũng sắp chín. Cả buồng chuối được buộc dây treo ngược dưới mái thuyền, toòng teng nhưng không va vào nhau. Dân quang gánh vào cứ chọn buồng nào chín thì mang vào phố bán trước, đều đều như thế cũng vài ngày là hết thuyền chuối cả trăm buồng.

Nhưng mấy năm nay, nước sông Hồng không còn vần đỏ như trước nữa, nhánh hữu cũng cạn nên thuyền không vào được. Các thuyền đều đậu phía bên kia của Bãi Giữa rồi cho đò gánh chuối vào bờ, tăng bo hai chặng mới lên đến bến. Các bà, các chị vẫn quẩy gánh, đạp xe vào cắt chuối rồi đưa vào phố bán. Tôi gặp được Sơn, chàng trai dân Ba Vì mới hơn 30 tuổi và cũng có vài năm lái thuyền đi chuối. Câu chuyện đẩy đưa ngay bến sông. Hóa ra, các thuyền bê tông năm xưa giờ đã vỡ hết và thay bằng thuyền sắt. 

Chuối giờ cũng cắt bán cho “nước lạ” nên chỉ còn ở Việt Trì, Sơn Tây. Cũng ít thuyền đi chuối nữa, chợ nổi giờ chỉ còn khoảng vài thuyền. Dân Hà Nội vẫn có chuối để thắp hương sóc vọng và ăn hàng ngày. Dân thuyền chuối thì chỉ có ngày thuyền đậu và ngày thuyền chạy. Thuyền cứ đậu bến sông khoảng vài ngày, bán hết chuối lại nhổ neo ngược dòng. Chạy vài ngày, gom đủ chuối lại xuôi dòng về Hà Nội. Cứ như vậy mỗi tháng hai chuyến, hơn hai mươi chuyến là hết một năm. Cuộc đời thuyền chuối cứ lênh đênh như vậy. 

Hỏi chuyện các chị quang gánh, ai cũng vui, cũng hay chuyện. Hầu hết đều dân Ba Vì. Có cô thì kể chuyện nhưng nhất định không cho chụp ảnh vì sợ con cháu nghĩ mẹ đi bán chuối vất vả lại không cho đi. Thực chất, đi bán chuối vui lắm. Tối đến, mấy bà cùng thuê một căn phòng ngay trong phố Hàm Tử Quan cùng ăn, cùng ngủ. Ban ngày, lại sang Bãi Giữa đưa chuối về bờ, cắt từng nải rồi chia nhau mỗi người mỗi phố đi bán rong. Được sống cuộc sống thường nhật nhộn nhịp nơi thị thành và có thêm thu nhập, lại rất khỏe vì đi bộ hàng ngày. Thế nên, các chị vẫn trốn con cháu lên Hà Nội gánh chuối đi bán, gặp ngày Hà Nội có sự kiện vui, tối đến mấy chị em lại dắt nhau vào phố xem.

Vào chợ chuối ven sông cứ thấy các chị tíu tít gánh từng buồng chuối lên, rồi chia chia cắt cắt, xếp vào gánh để đi bán trong phố. Chuối có quanh năm, đủ loại chuối tây, chuối tiêu, nhưng chuối ngự ở đây chỉ có ngự lai mắn. Đến mùa hè, thuyền chở cả mít về, chợ nổi Hàm Tử Quan lúc đó lại thơm lừng mùi mít chín.