Chịu đau một lần

(ANTĐ) - Trong hơn hai tháng qua, thông qua một loạt biện pháp chủ yếu mang tính hành chính, trên bề nổi của nền kinh tế đã có được một số thành công đáng ghi nhận. Đó là kéo giá vàng trong nước xuống ngang bằng, thậm chí thấp hơn giá vàng thế giới. Đảo chiều tỷ giá, chặn được đà mất giá của đồng nội tệ. Đây là một “đòn” đánh vào tâm lý người dân, khiến họ không còn “thiết tha” cất giữ tài sản bằng USD hay vàng như một nơi “trú ẩn” an toàn. Song, vấn đề nan giải của nền kinh tế đâu phải nằm ở giá vàng hay tỷ giá, chúng chỉ là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân.

Chịu đau một lần

(ANTĐ) - Trong hơn hai tháng qua, thông qua một loạt biện pháp chủ yếu mang tính hành chính, trên bề nổi của nền kinh tế đã có được một số thành công đáng ghi nhận. Đó là kéo giá vàng trong nước xuống ngang bằng, thậm chí thấp hơn giá vàng thế giới. Đảo chiều tỷ giá, chặn được đà mất giá của đồng nội tệ. Đây là một “đòn” đánh vào tâm lý người dân, khiến họ không còn “thiết tha” cất giữ tài sản bằng USD hay vàng như một nơi “trú ẩn” an toàn. Song, vấn đề nan giải của nền kinh tế đâu phải nằm ở giá vàng hay tỷ giá, chúng chỉ là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân.

Kiểm soát được vàng và USD, nói ngắn gọn chỉ là bề nổi, còn dưới bề sâu của nền kinh tế vẫn còn “nguyên khối” khó khăn: lạm phát của tháng 4 đã tăng 3,32%, đẩy lạm phát 4 tháng đầu năm lên 9,64% và lạm phát cả năm lên tới 17,51%. Đặc biệt, nhập siêu sau 4 tháng đã lên tới gần 5 tỷ USD. Đáng lưu ý là, mức tăng lạm phát đã vượt quá mọi dự báo đưa ra trước đó. Xét theo khu vực, tốc độ tăng giá của cả thành thị lẫn nông thôn đều ngang bằng nhau: 3,32%.

Điều này chứng tỏ, người dân nông thôn, phần lớn là nông dân với mức thu nhập bấp bênh cũng phải chịu áp lực tăng giá chẳng thua kém gì người thành phố. Thậm chí, ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, giá nhiều mặt hàng thực phẩm còn cao hơn giá bán ở thành phố. Nhiều mặt hàng tiêu dùng bị đội giá so với giá công bố của nhà sản xuất vì phải qua nhiều khâu trung gian.

Theo nhận định của giới quan sát, nếu tiền đồng lên giá, chắc chắn sẽ “kích hoạt” nhập khẩu hàng hóa ào ạt để hưởng lợi từ tỷ giá mới. Nếu như hàng nhập rẻ hơn hàng sản xuất trong nước (điều này là phổ biến), đương nhiên sản xuất trong nước sẽ bị bóp nghẹt và nhập siêu sẽ tăng mạnh hơn. Còn nếu giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới cũng sẽ khuyến khích xuất lậu vàng để có tiền nhập khẩu hàng hóa. Hiện đang nổi lên một hiện tượng tâm lý mới. Khi USD và vàng không còn dùng làm phương tiện cất trữ tài sản, người có tiền sẽ đổ vào bất động sản và tạo nên những bong bóng mới.

Phân tích trên cho thấy, để giải quyết tận gốc khó khăn của nền kinh tế không còn cách nào khác để lựa chọn là chịu đau một lần chữa trị “căn bệnh” khát đầu tư công của nước ta. Dự kiến trong năm nay cả nước sẽ cắt giảm 97.000 tỷ đồng vốn đầu tư, tương đương khoảng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhằm thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ kiềm chế lạm phát leo thang. Theo bộ Kế hoạch - Đầu tư, 22 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước sẽ cắt giảm 907 dự án, tương đương 10,7% tổng số vốn đầu tư 350.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ: “Các bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư tưởng chờ Chính phủ có điều chỉnh trong việc đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện các dự án khởi công mới”. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, trong quý I vừa qua, đã có 38.900 tỷ đồng vốn ngân sách được chi ra để đầu tư, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, việc giao cho địa phương tự cắt giảm đầu tư công là không ổn, bởi tiêu chí cắt giảm hết sức chung chung.

Quả thực, việc chịu đau một lần tự cắt giảm không hề dễ dàng, nhất là đối với công trình đang dở dang. Dù biết là đầu tư dàn trải, tràn lan, kém hiệu quả là nguyên nhân gây lạm phát, song liệu ai có đủ can đảm chịu đau “tự cắt” lợi ích của mình vì lợi ích chung?

Đan Thanh