Chính sách tiền lương chưa thoát vòng luẩn quẩn

ANTĐ -  Trong khi lương không đủ sống, thì thu nhập ngoài lương lại rất cao (phụ thuộc vào vị trí, lĩnh vực quản lý…) và không có giới hạn, không minh bạch cũng như không kiểm sát được.

Mỗi năm chỉ tăng 1,2%

Còn quá nhiều mâu thuẫn, có nhiều tồn tại bất cập khi phân tích về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. “Việt Nam duy trì quá lâu một chính sách tiền lương thấp. Có thực hiện các lần cải cách nhưng luôn bị chi phối tuyệt đối bởi khả năng của ngân sách nhà nước (NSNN) và gắn chặt với tiền lương tối thiểu. Lương cán bộ công chức vốn sẵn đã thấp lại càng thấp xa so với khu vực sản xuất kinh doanh, điều này chưa đảm bảo cho cuộc sống của họ. Mức lương tối thiểu, chỉ đảm bảo bù được trượt giá”, ông Dũng nói.

Hệ thống tiền lương cần được thiết kế để công chức có thể sống được bằng lương.

“Trong khi lương không đủ sống, thì thu nhập ngoài lương lại rất cao (phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực quản lý…) và không có giới hạn, không minh bạch cũng như không kiểm sát được. Phần thu nhập ngoài lương cho đến nay không ai có thể thống kê, đánh giá, định lượng được. Có thể có phần chính đáng, song chủ yếu là không chính đáng do lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ như từ biếu xén hay từ cơ chễ xin - cho…”, đây là nhận định của TS Nguyễn Hữu Dũng - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

Các lần cải cách vừa qua có một số ưu điểm, song cũng có rất nhiều hạn chế, nhất là cơ chế tạo nguồn chưa được tháo gỡ dẫn tới việc cải cách tiền lương cán bộ công chức viên chức bị rơi vào vòng luẩn quẩn.

“Nếu không tháo gỡ được nút thắt này thì mọi cải cách chỉ là khẩu hiệu, không giải quyết được bài toán đặt ra trong thực tiễn cuộc sống và sẽ dẫn tới những hệ lụy phải trả giá đắt”, ông Dũng chỉ rõ. Các lần cải cách vừa qua luôn bị chi phối bởi khả năng của ngân sách Nhà nước, nên đã thực hiện một chính sách tiền lương quá thấp đối với cán bộ công chức viên chức và gắn chặt với tiền lương tối thiểu chung vốn rất thấp (chỉ đáp ứng 65%-70% nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động).

Cũng chung quan điểm trên, ông Đặng Như Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội khóa XI, XII đưa ra dẫn chứng, tính chung từ năm 2003 đến năm 2011, nếu gốc mức lương tối thiểu là 210.000 đồng/tháng (2002) thì tiền lương danh nghĩa trong 8 năm tăng 295,2%. Trong khi đó chỉ số giá cả hàng hóa tiêu dùng trong suốt quãng thời gian này tăng 147,2%. Riêng chỉ số giá lương thực thực phẩm tăng 255,8%. Như vậy bình quân mỗi năm lương chỉ tăng có 1,2%.  Thời gian cải cách lương bị kéo dài nhưng kết quả vẫn giữ nguyên lại càng sai lầm lớn. Chính sách lương hiện nay đang “chắp chắp vá vá”.

Điều đáng bàn là tuy tiền lương nhà nước quy định trả cho cán bộ công chức viên chức mặc dù còn rất thấp nhưng tổng quỹ lương và trợ cấp do NSNN bảo đảm lại chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Điều này dẫn tới thực trạng buộc phải “gọt chân cho vừa giày”. Đây cũng là một trong những nút thắt khó gỡ nhất trong cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức viên chức vừa qua. Nguồn kinh phí để chi trả lương ngày càng hạn hẹp và luôn trong tình trạng căng thẳng, bội chi.

Phải đảm bảo tiền lương là thu nhập chính

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, ở nhiều quốc gia trên thế giới, tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu của công chức và tối thiểu chiếm đến 90%. Ở Việt Nam hiện nay, khoản thu nhập từ lương chiếm từ 30-100% tùy thuộc vào vị trí công tác của cán bộ công chức viên chức. “Vì vậy, hệ thống tiền lương cần được thiết kế sao cho đủ để bản thân mỗi công chức và gia đình của họ có thể sống được bằng lương, thậm chí có tích lũy. Nếu đạt được mục tiêu này thì công chức mới có thể tận tụy với công việc của họ và dành 100% thời gian, công sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ đó mới không tham nhũng và nhận hối lộ”, ông Ánh chỉ rõ.

Ông Ánh cũng cho rằng: “Trong khi thực hiện cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính như hiện nay thì Việt Nam cần chịu đau một lần để cắt giảm thực bộ máy hành chính đang quá cồng kềnh. Trên cơ sở đó tăng lương cho công chức rồi dựa trên mức lương tương đối hấp dẫn đó để thanh lọc bộ máy hành chính một lần nữa. Qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ công chức để thực sự tuyển dụng và sử dụng được những người xứng đáng vào làm việc trong bộ máy hành chính”.

Cụ thể hơn trong phương án giải quyết vấn đề tiền lương, TS Vũ Nhữ Thăng, Viện chiến lược và chính sách tài chính cho rằng cần phải huy động từ nhiều nguồn, phải đổi mới cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước. Theo đó, phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập xã hội và tăng thu ngân sách, bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách hàng năm từ thuế, phí, lệ phí khoảng 22 - 23% trong giai đoạn 5 năm tới. Trên cơ sở đó dành một tỷ lệ hợp lý từ số tăng ngân sách hàng năm cho tăng lương. Đồng thời thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước, tiếp tục thực hiện giải pháp tiết kiệm.