Chính quyền xã Mường Mùn tiếp tay cho “lâm tặc” triệt hạ rừng?

ANTĐ - Nhiều ngày qua, người dân các bản Lúm, Hô Mùn, Pu Xi... ở xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thi nhau đi lên rừng bản Lúm khai thác gỗ giữa thanh thiên bạch nhật. Không thể tính được hàng ngày tại khu rừng này có bao nhiêu khối gỗ được lâm tặc vận xuất ra khỏi rừng xanh?
 Gốc cây trơ lại dưới những lưỡi cưa máy sắc lẹm của lâm tặc
Gốc cây trơ lại dưới những lưỡi cưa máy sắc lẹm của lâm tặc

Liệu, rừng Mường Mùn bị tàn phá, “rút ruột” là do sự thờ ơ, lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan chức năng hay tại đây, chính quyền địa phương xã Mường Mùn đã tiếp tay cho lâm tặc triệt hạ rừng?

Tan hoang rừng già bản Lúm

Từ trung tâm xã Mường Mùn, ngược những con dốc cao ngất trên con đường đất bụi mờ hướng về bản Pu Xi, 20 phút sau, đập vào mắt chúng tôi là quanh cảnh hoang tàn của những diện tích rừng thuộc bản Lúm đã bị cháy nham nhở. Hàng chục mảng bụi tre, sặt qua vụ cháy chỉ còn trơ lại gốc cây đen thui dưới cái nắng trưa oi bức; nhiều cành, thân gỗ bị chặt phá từ trước vẫn còn nằm tại hiện trường. Những gốc cây đường kính từ 20 đến 50 cm chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp tại đây. Đó đây, những thân cây khô, mục vẫn còn âm ỉ cháy, toả khói bay lên từ phía dưới chân núi chứng minh vụ cháy ở mảnh rừng này chưa lâu. Xa xa là màu loang lổ của những diện tích rừng may mắn chưa bị lửa thiêu rụi. Bằng mắt thường quan sát, diện tích rừng bị thiệt hại ước đạt khoảng 10ha.

Anh Trần Văn Khương, hơn 50 tuổi, người bản Lúm khi anh đang thu lượm cây sặt tại hiện trường, cho biết: "Khu rừng này trước là rừng già, rất nhiều tre, nứa và cây gỗ thộ lộ cao hàng chục mét, có những cây to một người ôm không xuể". Theo anh Khương, nguyên nhân những diện tích rừng bị “trọc hóa” là do nhiều người dân trong xã tự ý lên đốn hạ. Việc này xảy ra cách đây cũng chỉ nửa tháng thôi. Anh cũng cho biết thêm là những cây gỗ to, nhỏ của “vụ cháy” đều được người dân ở các bản xung quanh đây thu, đem về sử dụng theo kiểu “mạnh ai nấy nhiều” nên những cây gỗ to mới dễ dàng biến mất khỏi đây.

Những cây gỗ lâm tặc chưa tẩu tán
 Những cây gỗ lâm tặc chưa tẩu tán

Phóng tầm mắt qua những dãy núi về phía bản Hô Mùn, chúng tôi bắt gặp những cột khói cao ngất hàng chục mét đang vươn lên giữa trưa nắng. Một người dân sống ở địa bàn xã Mường Mùn, tên Biên cho biết: "Bên đó là bản Hô Mùn, người dân chủ yếu là người dân tộc Mông. Những đám cháy đó là do dân bản Hô Mùn phát, đốt rừng làm nương từ cách đây gần 10 ngày rồi".

Nhiều người dân địa phương chua chát: Ban đêm, lửa từ những đám cháy bừng sáng cả một vùng núi đồi, tiếng cháy nổ thân cây nghe rõ mồn một. Nói là chính quyền địa phương không biết thì nực cười lắm, bởi địa điểm cháy ở trên núi, cách trụ sở xã vài, ba km thôi.

“Lạc” vào “khai trường” của lâm tặc

Một điểm lâm tặc tập kết gỗ trước lúc xuất về bản
Một điểm lâm tặc tập kết gỗ trước lúc xuất về bản 

Vượt qua con dốc dựng đứng để thoát khỏi diện tích rừng đã bị cháy chúng tôi dừng lại bên vệ đường quan sát xung quanh, rồi tìm chỗ cất giấu xe máy trong một bụi cỏ gianh um tùm. Dọc theo con đường mà lau lách, cỏ gianh đã đổ rạp do lâm tặc “khai phá” trong quá trình khai thác gỗ, hai bên lối đi chúng tôi mau chóng tìm thấy những gốc cây to đã bị hạ, vết cắt bằng phẳng, có màu đỏ thẫm như vết máu bầm. Đi sâu được hơn một trăm mét là cảnh tượng những cây gỗ bị đốn hạ nằm la liệt, ngổn ngang, những gốc cây ứa nhựa đỏ, thâm bầm; bột cưa phủ dày 2 đến 3cm, toả mùi ngai ngái dưới bàn chân chúng tôi. Đi sâu vào trong rừng, cảnh tượng rừng tàn phá, những gốc cây to bị đốn hạ và cả những thân cây gỗ chưa sơ chế, gọt đẽo, thân cây dây leo bám chằng chịt cũng tập trung càng nhiều hơn.

Chúng tôi thấp thỏm ghi hình, vừa thận trọng quan sát vì sợ có người phát hiện tại một khoảng rừng tập trung nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ mà lâm tặc chưa kịp sơ chế, vận xuất ra khỏi rừng thì bất ngờ âm thanh tiếng máy cưa gỗ hoạt động, tiếng cây to bị ngã, đổ, tiếng chim dáo dát bay và cả tiếng những người hò hét nhau từ đâu đó vọng lại. Nhận thấy mối nguy hại đang cận kề nên chúng tôi đã cắt rừng, không men theo lối đi cũ để ra đường chính.

Những tấm gỗ được xẻ vuông vắn, minh chứng lâm tặc làm rất hiện đại
Những tấm gỗ được xẻ vuông vắn, minh chứng lâm tặc làm rất hiện đại 

Lặng lẽ luồn trong mình trong những đám lau sậy, cỏ khô, lần theo hướng có tiếng người í ới gọi, tiếng ầm ầm của vật nặng va vào nhau phát ra cách đó khoảng bốn, năm trăm mét, chúng tôi lại tiếp tục mục kích điểm thứ hai: Điểm “lâm tặc” tập kết gỗ thành phẩm trước khi dùng trâu, bò, xe tải đến tẩu tán. Trên lưng chừng con dốc dựng đứng, cách mặt đường liên bản Lúm- Pu Xi chừng 30 -50m là 4 tấm gỗ đã cắt xẻ vuông vắn, dày trên 10cm, rộng khoảng hơn 20cm, dài hàng chục mét nằm dọc con dốc; phía trên, cách đó mấy mét cũng có 4 cây cột dài khoảng 5 đến 7m, chu vi trên dưới 80cm đã được đẽo, gọt hết vỏ nằm ngổn ngang. Từ trong đám lau sậy ở lưng chừng núi, khi phát hiện có tiếng xe máy gằn gừ từ dưới dốc đi lên rồi dừng lại rất lâu ở dưới vệ đường gần điểm tập kết gỗ, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi chỗ nấp, tụt xuống núi...

Phí lót tay”- cơ chế mở cho lâm tặc lộng hành?

Chúng tôi vào nhà ông Lường Văn Úp (61 tuổi, người bản Lúm) vờ xin nước uống để tìm hiểu thêm về vụ việc. Xung quanh nhà ông Úp có 6, 7 nóc nhà; các hộ dân nơi đây nhà nào ít thì dăm, bảy cây gỗ lớn bé, dài ngắn khác nhau, nhà nào nhiều thì có hàng trăm cây gỗ xếp chồng đống bên hiên, dưới gầm sàn nhà. Theo những người dân ở đây cho biết thì số gỗ các hộ có được là do lấy ở trên rừng bản Lúm trên đường Pu Xi về, việc người dân lấy gỗ thì chính quyền xã Mường Mùn chẳng ai bị hỏi han, bắt bẻ gì cả.

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường
Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường 

Tại buổi làm việc ông Quàng Văn Phúng, Chủ tịch UBND xã Mường Mùn, ông Phúng cho rằng nguyên nhân 9ha rừng ở bản Lúm đã bị cháy là do dân trong bản tự ý đốt nương làm rẫy gây nên. Còn tình trạng buôn bán, khai thác gỗ trái phép trên địa bàn thì không có. Nhưng khi chúng tôi đưa ra những hình ảnh ghi lại được tại hiện trường trước đó thì ông Phúng trả lời: Đó là những hộ dân họ tự đi phá rừng lấy gỗ mà không báo cáo cho chính quyền biết, ở đây đã xảy ra nhiều trường hợp hộ dân xin chính quyền vào rừng để tận dụng gỗ, củi nhưng thực tế không tận dụng mà “tận diệt”.

Trước câu hỏi có hay không “cơ chế phí” mà “lâm tặc” và chính quyền địa phương đã lập nên (như nguồn tin từ chính người dân trong xã phản ánh), ông Phúng phủ nhận: Chuyện đóng phí, lót tay giữa chính quyền địa phương và lâm tặc là không có. Tuy nhiên, trong buổi làm việc với Trưởng bản Lúm Lò Văn Tự (38 tuổi) thì chúng tôi biết được một thực tế khác: "Tình trạng người dân chặt phá rừng, lấy gỗ ở bản Lúm không riêng gì chỉ người dân trong bản mà người ở các bản khác cũng tham gia" và cho biết: "Người dân trong bản lấy gỗ làm nhà thì không thu lệ phí, nhưng người dân ở bản khác muốn lấy gỗ trong “rừng của bản” thì phải có chút lệ phí cho tổ bảo vệ". Chúng tôi hỏi “tổ bảo vệ” là những ai? Anh Tự nói là “người trong bản”. Câu nói của anh Tự đã phần nào lý giải tại sao ở dưới nhà sàn của anh tồn tại trên 120 tảng gỗ được đánh số thứ tự bằng phấn trắng hẳn hoi, nằm vuông thành sắc cạnh, nêm cứng hết diện tích không gian dưới sàn; màu gỗ còn tươi mới, mùi gỗ thơm nồng với khối lượng chừng gần 5 khối. Anh Tự không giấu giếm: số gỗ này là của anh rể (ông Lò Văn Phách, người cùng bản) mang từ rừng về được hơn 2 tuần ngày nay.

 Gần 5 khối gỗ dưới gầm sàn trưởng bản Lúm
Gần 5 khối gỗ dưới gầm sàn trưởng bản Lúm

Tìm hiểu chúng tôi được biết năm 2012, trong số 22 hộ nghèo/tổng số 68 hộ của cả bản Lúm chỉ có 4 hộ thuộc diện được thụ hưởng chương trình làm nhà ở 167, gia đình ông Phách không phải thuộc diện này. “Trường hợp của anh Phánh, do nhà cũ gỗ bị mối xung, mọt ăn cần phải làm lại nên mới vào rừng để khai thác gỗ", anh Tự nói.

Liệu, rừng Mường Mùn bị tàn phá, “rút ruột” là do sự thờ ơ, lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan chức năng hay tại đây, chính quyền địa phương xã Mường Mùn đã tiếp tay cho lâm tặc triệt hạ rừng? Đây là câu hỏi bức thiết dành cho cơ quan chức năng huyện Tuần Giáo nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung.