“Chim gãy cánh” và đám đông “dìm hàng”

ANTĐ - T rò chơi Flappy Bird (Chim vỗ cánh) cuối cùng cũng đã được nhà phát triển trẻ tuổi Nguyễn Hà Đông tự “bẻ cánh”, chấm dứt quãng thời gian ngắn ngủi tồn tại trên kho ứng dụng của Apple và Android. Một bất ngờ lớn, bởi trong ít tuần qua, Flappy Bird đã tạo nên một cơn sốt trên toàn thế giới, với hàng chục triệu lượt tải về, liên tục được CNN, Forbes và nhiều hãng tin lớn đánh giá và bình luận, đưa tên tuổi Hà Đông nổi hơn bất cứ khi nào.

Và điểm mấu chốt khiến Nguyễn Hà Đông phải tự bẻ đi đôi cánh của đứa con tinh thần - chú chim trong game gây sốt mà anh chỉ viết trong 3 ngày chính là vấn đề trên. Lần đầu tiên, một game được phát triển ở Việt Nam, dưới bàn tay và khối óc Việt, lại gây “sốt” trên toàn thế giới như thế. Khắp nơi, người ta tải về, nghiền ngẫm, vọc vạch, thích thú, đắm chìm, hậm hực và thậm chí nổi giận với chú chim nhỏ… để rồi nghiện từ lúc nào không hay, dù đó chỉ là một trò chơi vô cùng đơn giản, là chạm vào màn hình liên tục vừa đủ để giữ cho chú chim bay lưng chừng, chui qua các khe hẹp giữa 2 ống cống.

Từ trên bàn ăn, bàn học, bàn làm việc cho đến giường ngủ, cơn sốt Flappy Bird chẳng chừa ở đâu. Nhưng cũng chính tốc độ lan truyền ấy khiến Hà Đông phải đối mặt với cơn “dìm hàng” khó đỡ của người Việt, đến mức phải giương cờ trắng. “Tôi không thể chịu nổi nữa”, Hà Đông thốt lên trên Twitter. Bên cạnh vấn đề pháp lý, hay vấn đề thuế, thì lý do chính người ta cho rằng Hà Đông rút lui là vì sức ép quá lớn của cơn bão dư luận. Sự thành công, nổi tiếng chóng vánh của anh đã tạo nên một hiệu ứng ngược, khiến anh bị “dìm” nhanh chẳng kém. Flappy Bird được cho là một sản phẩm “ăn may” chứ không có gì nổi bật đáng để tự hào. 

Nhưng cần phải nhớ rằng, ngay cả những game thuần Việt được xây dựng công phu như “7554” (Game bắn súng đầu tiên của Việt Nam) hay “Thuận Thiên Kiếm” (Game online thành công nhất)… cũng chưa từng đạt được thành công vang dội như cách Flappy Bird đã có. Và việc nó bị khai tử thực sự là một nỗi đau. Thay vì được cổ vũ để vươn lên, tiếp tục tỏa sáng, Flappy Bird bị chính những người đồng hương dìm không thương tiếc. Đó là một trò chơi, nhưng về cơ bản, nó là một sản phẩm văn hóa mà từ đó, người Việt có thể bắt đầu giấc mơ chinh phục những đỉnh cao công nghệ. Cũng giống như “hiện tượng” Gangnam Style của Hàn Quốc, nhưng thay vì có thái độ tự tôn, tung hô và vun đắp, đa phần người Việt trẻ lại ganh ghét, đố kỵ với thành công của Hà Đông, thậm chí miệt thị anh. Những hành động chẳng giống ai ấy có thể sẽ giết chết một tài năng vừa được khai sáng. Và làng công nghệ Việt Nam, vốn đã lạc hậu, có lẽ còn lâu mới tìm được một nơi yên ổn để vun đắp giấc mơ tiệm cận thế giới.

Dù sao thì trò chơi này cũng đã bị gỡ, và cơn sốt Flappy Bird rồi cũng sẽ sớm bị thay thế bởi một cơn sốt khác. Nhưng cơn sốt tiếp theo ấy có một lần nữa đến từ Việt Nam được hay không, thì còn phải chờ. Bởi có nhà phát triển nào đủ dũng cảm để dám thành công vượt bậc trước những làn sóng đố kỵ, dìm hàng “rất đông và nguy hiểm” như thế?