Chile trước làn sóng băng đảng ma túy “vươn vòi” khắp Mỹ-Latinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với nền chính trị và kinh tế ổn định, Chile từ lâu đã ghi nhận tỷ lệ tội phạm thấp so với phần còn lại của khu vực Mỹ-Latinh. Nhưng tại sao các vụ giết người và bạo lực súng đạn gia tăng, uy hiếp an toàn công cộng trong thời gian gần đây?
Người dân Chile kêu gọi công lý trong lễ cầu nguyện cho nữ nhà báo xấu số Francisca Sandoval ở Santiago hôm 13-5

Người dân Chile kêu gọi công lý trong lễ cầu nguyện cho nữ nhà báo xấu số Francisca Sandoval ở Santiago hôm 13-5

Làn sóng bạo lực và ma túy bủa vây

Hôm 1-5, Francisca Sandoval, một phóng viên trẻ người Chile, đến một khu thương mại của Thủ đô Santiago để đưa tin về một cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Nhưng đây là bài báo cáo cuối cùng của cô. Trong sự kiện này, đụng độ đã nổ ra giữa các băng nhóm địa phương, người biểu tình và cảnh sát. Một nhóm thành viên băng đảng có vũ trang đã xả súng khiến 3 người bị thương, trong đó có Sandoval. Nhà báo 29 tuổi qua đời 12 ngày sau đó.

Một ngày sau khi nhà báo Sandoval bị bắn, một đối tượng có tiền án vì buôn bán ma túy đã bị bắt vì nghi ngờ là thủ phạm vụ giết người này. Cái chết của Sandoval là minh chứng cho sự gia tăng khủng khiếp về bạo lực chết người được ghi nhận ở Chile. Những vụ việc tương tự đã xảy ra từ lâu tại các quốc gia như Colombia và Brazil, nhưng ở Chile đó là một hiện tượng khá mới.

N.G, 28 tuổi, sống trong khu phố El Bosque nghèo của Santiago gần như không còn nhận ra khu dân cư mà cô vẫn sống từ nhỏ. “Khi tôi còn nhỏ, tôi lo nhất là bị mẹ bắt gặp đang chơi ngoài đường thay vì làm bài tập khi về nhà. Nhưng hiện giờ tôi hầu như không ra ngoài. Lúc nào cũng cảm thấy sợ hãi vì xung quanh là những kẻ buôn bán ma túy. Trong khi, chúng tôi hiếm khi nhìn thấy cảnh sát”. N.G nói rằng tình trạng mất an ninh như vậy đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Theo Cục Phòng chống tội phạm Chile, từ năm 2016 đến năm 2021, các vụ giết người ở nước này đã tăng 40%. Trong khi đó, Văn phòng Công tố quốc gia nhận thấy các vụ giết người đã tăng 66% từ năm 2016-2020. “Tình hình của Chile là đáng lo ngại”, Juan Pablo Luna, nhà khoa học chính trị tại Viện Khoa học Chính trị của Đại học Công giáo Chile nói với CNN. “Các quốc gia nơi nhà nước tương đối mạnh và có nền dân chủ vững chắc được cho là không gặp tình trạng này, nhưng hiện giờ chúng ta thấy rằng đó chỉ là ảo tưởng”, ông Luna nói.

Tội phạm xuyên quốc gia lan rộng

Các chuyên gia cho rằng tình trạng gia tăng bạo lực trong khu vực Mỹ-Latinh là do mạng lưới tội phạm toàn cầu ngày càng mở rộng. Trong một tổng kết năm 2021 từ Mạng lưới Nghiên cứu Bạo lực đô thị, các nhà nghiên cứu cho biết, sự bất bình đẳng ở Mỹ-Latinh đối với người nghèo và tầng lớp lao động khiến họ dễ dàng bị lôi kéo vào hoạt động buôn bán ma túy. Nghịch lý thay, thịnh vượng cũng được coi là nguyên nhân của bạo lực gia tăng. Người nhiều tiền hơn đồng nghĩa rằng lượng tiêu thụ ma túy nhiều hơn, kéo theo các hoạt động buôn bán bất hợp pháp phát triển mạnh... Tất cả những điều này đã gây ra những tranh chấp lãnh thổ mới giữa các băng đảng ở Chile, Uruguay, Paraguay hay Ecuador. Các chuyên gia giải thích rằng cuộc khủng hoảng kinh tế, tình trạng buôn người di cư dọc biên giới Bolivia-Chile gia tăng làm trầm trọng thêm vấn đề, cho phép tội phạm có tổ chức hoạt động theo hướng hoàn toàn mới.

Tháng 9 năm ngoái, giới chức Chile đã cảnh báo về sự gia tăng của 2 băng đảng Mexico (Sinaloa và Jalisco Thế hệ mới) và một băng đảng Colombia (Cartel del Golfo) ở Chile. Các băng đảng Mexico cũng đã tăng cường hoạt động ở Argentina, Colombia, Peru và Ecuador, theo Ernesto López Portillo, điều phối viên của chương trình an toàn công cộng tại Đại học Iberoamericana ở thành phố Mexico. Để củng cố vị trí của mình, các nhóm tội phạm xuyên quốc gia đang thích nghi với từng quốc gia mới bằng cách liên minh với các băng nhóm địa phương trong nhiều hoạt động bất hợp pháp: giết người thuê, buôn bán vũ khí trái phép, tống tiền, buôn người, bóc lột tình dục…

Trong bối cảnh này, nhiều quốc gia Nam Mỹ không có phương tiện để giải quyết vấn đề, ví dụ Chile đang thiếu cảnh sát chuyên trách. “Các quốc gia này hoàn toàn không có khả năng triệt phá tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”, ông López Portillo nói.

“Chúng ta đang chứng kiến sự xâm nhập ngày càng nhiều của tội phạm có tổ chức quốc tế ở châu Mỹ-Latinh. Ở những quốc gia vốn xảy ra bạo lực nghiêm trọng như Colombia, bạn có thể không nhận thấy điều đó, nhưng ở Chile, Ecuador, Peru, Bolivia và có thể là Argentina, mức độ chuyên môn hóa của loại hình tội phạm này lại có một tác động rất lớn vì nó là mới”.

Ông Alejandra Mohor (Nhà xã hội học tại Viện Các vấn đề công cộng tại Đại học Chile)