Chiến sự miền đông Ukraine: Vũ khí là phương tiện bảo đảm hòa bình?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc nội chiến Ukraine có thể được giải quyết nếu giữ được thế quân bình lực lượng, khi cả Kiev và Donbass đều có những vũ khí tương xứng, khiến hai bên phải e ngại lẫn nhau.

Vừa qua, người đứng đầu Cục Dân quân Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) là ông Yan Leshchenko đã nói với các phóng viên rằng, các cơ quan tình báo Ukraine và phương Tây đang chuẩn bị một chiến dịch thông tin chống lại Liên bang Nga và các nước cộng hòa tự xưng Donbass.

Ông tiết lộ là lực lượng tình báo của LPR đã thu được thông tin đáng tin cậy cho thấy cơ quan đặc biệt Ukraine với sự hỗ trợ của đặc vụ phương Tây đang chuẩn bị cho một chiến dịch thông tin có tên mã là “Crushing Sword”, nhằm chống lại Nga và lực lượng dân quân Donbass.

Ông nói rõ rằng, mục đích của các lực lượng tác chiến tâm lý của Ukraine trong chiến dịch này là gieo rắc nỗi hoảng sợ trong dân chúng và những người bảo vệ các nước cộng hòa nhân dân này; gây hiểu lầm cho cộng đồng thế giới về các hành động của Nga”; đồng thời cáo buộc LPR và DPR (Cộng hòa Nhân dân Donetsk) và Liên bang Nga đang tìm mọi cách “gây hấn với Kiev”.

Ngoài chiến tranh tâm lý, phương Tây cũng tăng cường cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev nhằm chuẩn bị cho các động thái quân sự, nhằm mục đích chiếm đóng hai vùng lãnh thổ ly khai này bằng vũ lực.

Bắt đầu từ năm 2014, các nước NATO do Hoa Kỳ đứng đầu đã cung cấp vũ khí cho Ukraine và huấn luyện binh sĩ nước này, vi phạm trực tiếp các thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được ở Minsk (thủ đô Belarus) và ảnh hưởng tiêu cực đến việc giải quyết khủng hoảng ở Donbass.

Cuộc nội chiến Ukraine đang tiếp diễn trong khi phương Tây liên tiếp cung cấp vũ khí cho quân chính phủ Kiev
Cuộc nội chiến Ukraine đang tiếp diễn trong khi phương Tây liên tiếp cung cấp vũ khí cho quân chính phủ Kiev

Ngoài người Mỹ, trong việc cung cấp cho Ukraine tính chung lên tới hàng tỷ USD còn có phần tham gia của các đồng minh NATO như: Anh, Canada, Pháp, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Litva, Cộng hòa Séc, Bulgaria, Romania và Estonia.

Hoa Kỳ đã viện trợ cho Ukraine các tổ hợp tên lửa chống tăng “Javelin”, tàu tuần tra cỡ nhỏ, súng bắn tỉa và trạm radar đối kháng, còn Anh đưa sang cho Kiev súng phóng lựu chống tăng NLAW, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cấp máy bay không người lái tấn công Bayraktar TB2.

Ngoài ra, Ukraine và Anh đã ký Bản ghi nhớ dự trù việc hợp tác thiết kế và đóng tàu chiến trên lãnh thổ hai nước và xây dựng hai căn cứ dành cho Hải quân Ukraine, bằng số tiền viện trợ quân sự của Anh.

Hôm 02/2, ông Leonid Pasechnik - người đứng đầu LPR tuyên bố rằng, việc cung cấp các tổ hợp phòng không tầm thấp “Pantsir”, hệ thống tên lửa chống tăng “Kornet” và hệ thống súng phun lửa hạng nặng “Solntsepek” từ Nga cho Donbass sẽ giúp chính quyền Kiev “tỉnh cơn điên rồ”.

Giới chuyên gia Nga cũng đồng tình rằng, việc Nga cung cấp vũ khí cho Donbass sẽ không tiếp tục khơi lên cuộc chiến tranh, mà ngược lại, có thể chặn đứng những âm mưu tấn công quân sự.

Hôm 2/2, Tổng thư ký Hội đồng “Nước Nga thống nhất” Andrei Turchak tuyên bố rằng, Moscow nên cung cấp cho các nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng ở Donetsk và Lugansk sự hỗ trợ cần thiết dưới hình thức cung cấp một số loại vũ khí nhất định để nâng cao khả năng phòng thủ của họ và kiềm chế ngăn chặn những cuộc gây hấn quân sự hiếu chiến mà Kiev đang chuẩn bị.

Chuyên gia Vladimir Zharikhin, Phó Giám đốc Viện các nước SNG nhận định, việc cung cấp vũ khí cho Donbass có thể là chầu nước lạnh băng làm hạ hoả những cái đầu nóng ở Kiev và Washington.

Theo ông, trong bối cảnh chính quyền Kiev đang được trang bị vũ khí cấp tốc, mà lại là những vũ khí tối tân của phương Tây, Moscow đơn giản là cần có hành động tương xứng dành cho các nước Cộng hòa Nhân dân vùng Donbass. Ông nhận định, đây là những biện pháp khá phù hợp với tình hình.