Căng thẳng Nga-Ukraine: So sánh cán cân lực lượng Nga-NATO (Kỳ 1)

Căng thẳng Nga-Ukraine: Mỹ nhớ thời tung hoành trong ‘Bão táp sa mạc’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, nếu muốn đối phó với Nga, Mỹ cần nhớ lại những kinh nghiệm trong thời kỳ tổ chức lực lượng đối đầu với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Iraq.

Mỹ sẵn sàng triển khai 8500 quân tới Đông Âu

Lầu Năm Góc đang trong quá trình chuẩn bị các phương án cho Tổng thống Joe Biden liên quan đến việc triển khai các lực lượng Mỹ vào sườn phía đông của NATO để tìm cách ngăn cản Nga hành động chống lại Ukraine hoặc đe dọa các thành viên cực đông của NATO là Ba Lan, Latvia, Estonia và Lithuania.

Khoảng 8.500 lính Mỹ đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng triển khai tới châu Âu trong thời gian ngắn. Đây là quân thuộc “Lực lượng Ứng phó NATO” (NRF), một đơn vị đa quốc gia, gồm 40.000 quân có nhiệm vụ ứng phó với các hành động gây hấn chống lại các nước thành viên.

Nếu Mỹ muốn nhiều hơn thế, họ có thể triển khai thêm một vài phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ, cùng với một lữ đoàn thiết giáp hạng nặng khác, có trang thiết bị được chuẩn bị sẵn ở Ba Lan và một số binh lính hỗ trợ.

Lầu Năm Góc cũng có thể gửi thêm 3.000 binh sĩ từ Sư đoàn Dù 82, có nhiệm vụ “ứng phó với các trường hợp khủng hoảng xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới trong vòng 18 giờ”.

Tuy nhiên, tất cả những đội quân này, ngay cả khi được tập hợp đầy đủ cũng không thể chống lại một đối thủ tiềm tàng như Nga, vì một thực tế đơn giản là không có lực lượng nào trong số này được huấn luyện để chiến đấu trong một cuộc xung đột vũ khí tổng hợp hiện đại chống lại một đối thủ ngang hàng.

Căng thẳng Nga-Ukraine khiến Mỹ sẵn sàng đưa quân tới châu Âu (Ảnh: Máy bay chiến đấu F-16A, F-15C và F-15E của Mỹ bay trên các giếng dầu bị Quân đội Iraq đốt cháy ở Kuwait trong “Chiến dịch Bão táp Sa mạc”)
Căng thẳng Nga-Ukraine khiến Mỹ sẵn sàng đưa quân tới châu Âu (Ảnh: Máy bay chiến đấu F-16A, F-15C và F-15E của Mỹ bay trên các giếng dầu bị Quân đội Iraq đốt cháy ở Kuwait trong “Chiến dịch Bão táp Sa mạc”)

Chuyên gia quân sự Mỹ Scott Ritter, một cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân lục chiến Mỹ và là tác giả của cuốn sách Scorpion King: America's Suicidal Embrace of Nuclear Weapons from FDR to Trump” đã nhận định rằng, việc đưa binh lính và thiết bị vào chiến trường là điều quá dễ dàng, nhưng để phối hợp được theo đúng tiêu chuẩn NATO là điều khó hơn và để thực thi thành công một học thuyết chiến tranh đã không còn phù hợp là điều không thể.

Những hành động mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đang làm càng nhấn mạnh trạng thái sẵn sàng chiến đấu “cực kỳ ảm đạm” của quân đội Mỹ sau 20 năm chỉ tham gia những cuộc xung đột cường độ thấp.

Những thời điểm mà Lầu Năm Góc có thể triển khai 50.000 binh sĩ tới châu Âu là vào năm 2008, sau Chiến tranh Nga-Gruzia (Chiến tranh 5 ngày tháng 8/2008), hoặc năm 2014, sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine dẫn tới việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Vào những thời điểm đó, việc đối đầu với 50.000 lính Mỹ được trang bị vũ khí tốt tập trung vào nhiệm vụ chống lại một cuộc xung đột trên bộ kéo dài ở châu Âu có thể buộc Nga phải xem xét lại các lựa chọn của mình. Còn khi xem xét tình hình lúc này, tất cả những gì ông Biden đang làm đã chứng minh quan điểm rằng, Mỹ là một siêu cường đang thất bại và NATO đang thiếu cả mục đích lẫn động lực.

Quân đội Mỹ và cái bóng của chính mình

Sự khác biệt được trông thấy rõ nét sau ba thập kỷ. Vào năm 1990, Quân đội Mỹ tại Châu Âu (USAREUR) bao gồm khoảng 213.000 binh sĩ luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Lực lượng này được tổ chức thành hai Quân đoàn (V và VII), mỗi quân đoàn gồm một sư đoàn bộ binh, một sư đoàn thiết giáp và một trung đoàn kỵ binh thiết giáp. Ngoài ra, còn có các đơn vị độc lập là Lữ đoàn Berlin và Lữ đoàn 3 của Sư đoàn Thiết giáp 2, được triển khai ở miền Bắc nước Đức để bảo vệ cảng Hamburg.

Thông qua một chương trình có tên gọi “Lực lượng Tăng cường cho Đức” (REFORGER), USAREUR có thể được tăng cường lực lượng mạnh trong vòng 10 ngày bởi ba sư đoàn bộ binh cơ giới (một trong số đó là của Canada); hai lữ đoàn thiết giáp khác sẽ bổ sung đầy đủ sức mạnh cho Quân đoàn V và VII; cũng như việc tăng cường quân đoàn thứ ba (Quân đoàn III), với lực lượng bao gồm hai sư đoàn thiết giáp, một sư đoàn bộ binh cơ giới, một trung đoàn kỵ binh. Ngoài ra, còn có các đơn vị binh chủng hợp thành cấp quân đoàn khác.

Căng thẳng Nga-Ukraine cho thấy Mỹ thiếu lực lượng chiến đấu ở châu Âu so với thời Chiến tranh Lạnh (Ảnh: Sư đoàn kỵ binh số 1 Mỹ triển khai trên sa mạc Saudi Arabia ngày 4/11/1990)
Căng thẳng Nga-Ukraine cho thấy Mỹ thiếu lực lượng chiến đấu ở châu Âu so với thời Chiến tranh Lạnh (Ảnh: Sư đoàn kỵ binh số 1 Mỹ triển khai trên sa mạc Saudi Arabia ngày 4/11/1990)

Các lực lượng này sẽ được trang bị bởi các kho quân dụng đã được chuẩn bị sẵn ở châu Âu và được duy trì ở mức độ sẵn sàng liên tục.

So với các lực lượng khác đã hiện diện ở châu Âu và những lực lượng sẵn sàng chuẩn bị triển khai, USAREUR có năng lực chiến đấu cực mạnh với hơn 550.000 quân (cả lực lượng thường trú tại châu Âu và lực lượng dự bị), giúp duy trì thế cân bằng trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô (có khoảng 600.000 quân đóng ở Đông Âu, trong đó có 338.000 binh sĩ ở Đông Đức).

Sức mạnh của các lực lượng Mỹ hồi đó đã được thể hiện rõ nét trong cuộc chiến giải phóng Kuwait khỏi tay Tổng thống Iraq Saddam Hussein vào năm 1991.

Vào thời điểm đó, USAREUR đã triển khai một Sở chỉ huy Quân đoàn (VII) cùng với 75.000 nhân viên quân sự; 1.200 xe tăng, 1.700 xe bọc thép; hơn 650 khẩu pháo và pháo tự hành, cùng với 325 máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang đến Vịnh Ba Tư để hỗ trợ cho “Chiến dịch Lá chắn sa mạc” và “Chiến dịch Bão táp sa mạc” (“Operation Desert Shield” và “Operation Desert Storm”).

Một thập kỷ huấn luyện tác chiến vũ khí tổng hợp căng thẳng để hỗ trợ “Học thuyết Tác chiến Liên hợp Không-Bộ” mới đã khiến lực lượng USAREUR trở thành đơn vị có khả năng chiến đấu cao nhất trong chiến dịch, giúp đánh bại quân đội lớn thứ tư thế giới lúc đó (Iraq) trong một chiến dịch chiến đấu mặt đất kéo dài 100 giờ, chưa từng có trong chiến tranh hiện đại.

Thế nhưng, sau khi gìn giữ hòa bình ở châu Âu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến ở Trung Đông, USAREUR đã được Mỹ khen thưởng bằng cách “vô tình ném vào thùng rác lịch sử”.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, vào năm 1992, khoảng 70.000 binh sĩ của USAREUR tái triển khai về lục địa Mỹ, đến cuộc rút quân tiếp theo quân số của USAREUR giảm xuống còn khoảng 122.000 vào cuối năm 1992; một năm sau, lực lượng của nó giảm xuống chỉ còn 62.000 binh sĩ.

Vào thời điểm đó, Mỹ cho rằng: Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và không còn cần phải gánh thêm chi phí để duy trì một lực lượng thường trực trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở châu Âu, bởi sau sự giải thể của Khối Hiệp ước Warsaw và sự tan rã của Liên bang Xô viết, sẽ không bao giờ nổ ra một cuộc chiến tranh mặt đất quy mô lớn ở Châu Âu.

Đến năm 2008, sở chỉ huy quy mô cấp Quân đoàn cuối cùng còn sót lại ở USAREUR là Quân đoàn V và lực lượng quân sự tlwngf lẫy một thời giờ được đánh giá là đơn vị quân sự yếu kém nhất trong toàn bộ cơ cấu quân đội Mỹ về sức mạnh chiến đấu và khả năng triển khai tác chiến viễn chinh.

(*Còn tiếp...)