Căng thẳng Nga-Ukraine: So sánh cán cân lực lượng Nga-NATO (Kỳ 2)

Căng thẳng Nga-Ukraine: Sự đối đầu của ‘Diện mạo mới’ và ‘Khuôn mặt cũ’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căng thẳng Nga-Ukraine và những cuộc chiến trước đó đã cho chúng ta thấy sự hiệu quả của quân đội Nga sau cuộc cải tổ mang tên “Diện mạo mới”.

Sự suy giảm sức mạnh của cả khối NATO

Trong kỳ 1 với tiêu đề: “Căng thẳng Nga-Ukraine: Mỹ nhớ thời tung hoành trong ‘Bão táp sa mạc’”, chúng ta đã tìm hiểu về việc Quân đội Mỹ ở châu Âu đã suy yếu ra sao. Thế nhưng, Mỹ không phải là cường quốc NATO duy nhất tìm cách cắt giảm chi phí trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, mà điều này diễn ra cả với các đồng minh mạnh nhất ở châu Âu.

Năm 1988 - một năm trước khi “Bức tường Berlin” sụp đổ - Quân đội Tây Đức đang xem xét một kế hoạch tái tổ chức để giữ nguyên cơ cấu gồm 12 sư đoàn, với 48 lữ đoàn, nhưng giảm mức nhân lực thường trực từ 95% xuống một cơ cấu khung chỉ có 50% -70% quân số và chỉ có thể được phát huy hết sức mạnh thông qua huy động nguồn lực dự bị.

Đến năm 2020, Quân đội Đức đã giảm xuống còn ít hơn 60.000 quân, được tổ chức thành hai sư đoàn thiết giáp gồm sáu lữ đoàn và một sư đoàn triển khai nhanh gồm hai lữ đoàn.

Nhưng ngay cả con số giảm này cũng dễ gây hiểu lầm, để triển khai một lực lượng thiết giáp cỡ tiểu đoàn có khả năng chiến đấu tới Baltics như một phần trong khái niệm một “nhóm chiến đấu” của NATO, Đức phải huy động toàn bộ lực lượng thiết giáp hiện có của mình.

Ngoài ra, Quân đội Đức hiện nay không có khả năng triển khai nhanh một lữ đoàn thiết giáp đơn lẻ từ doanh trại của mình.

Một lực lượng quân sự mạnh khác của NATO là Anh cũng ở trong tình trạng tương tự.

Vào năm 1988, chỉ tính riêng “Quân đội sông Rhine” của Anh (viết tắt là BAOR, đại diện cho lực lượng NATO của Vương quốc Anh ở Châu Âu) đã bao gồm khoảng 55.000 quân được tổ chức thành một quân đoàn thiết giáp duy nhất bao gồm ba sư đoàn thiết giáp với tám lữ đoàn và các đơn vị hỗ trợ. Thế nhưng đến năm 2021, toàn bộ quân đội Anh chỉ còn vẻn vẹn 72.500 quân, không có lực lượng đồn trú ở lục địa Châu Âu.

Căng thẳng Nga-Ukraine hiện tại cho thấy sức mạnh to lớn của Quân đội Nga
Căng thẳng Nga-Ukraine hiện tại cho thấy sức mạnh to lớn của Quân đội Nga

Hơn nữa, người Anh chỉ có khả năng điều động hai lữ đoàn thiết giáp, chỉ một lữ đoàn trong số đó có khả năng thể hiện sức mạnh toàn diện trên đất châu Âu trong một khoảng thời gian ngắn.

Nhìn chung, mọi quân đội khác trong NATO cũng đã trải qua những đợt cắt giảm tương tự. Cùng với việc giảm quy mô, việc huấn luyện, đào tạo cũng giảm đi tương tự, cả về quy mô lẫn phạm vi hoạt động.

Trong khi REFORGER được sử dụng để chuẩn bị cho binh lính chống lại các cuộc giao tranh quy mô nhiều sư đoàn bằng cách sử dụng học thuyết hướng tới việc sử dụng các hoạt động vũ khí tổng hợp, thì ngày nay NATO thực hiện đào tạo quy mô cấp tiểu đoàn và lữ đoàn, tập trung vào xung đột cường độ thấp và “các hoạt động khác ngoài chiến tranh” (ví dụ như: Gìn giữ hòa bình, ứng phó với thiên tai…).

Với thực trạng trên, quân đội của NATO ngày nay không thể chống lại một cuộc giao tranh quy mô cấp quân đoàn, ngay cả khi nó có một đơn vị cấp quân đoàn đang hoạt động phù hợp để huấn luyện.

Trong khi Nga đang cải tổ quân đội không ngừng thì NATO gần 2 thập kỷ quan vẫn duy trì một "Khuôn mặt cũ" và chỉ là cái bóng của chính nó trước đây, bị vô hiệu hóa về mặt quân sự và không có khả năng thể hiện sức mạnh trong bất kỳ khía cạnh nào.

Nga trỗi dậy với “Diện mạo mới”

Tất nhiên, NATO cũng không phải là tổ chức quân sự châu Âu duy nhất trải qua quá trình cắt giảm và tái cơ cấu, mà đối thủ chính của nó cũng vậy. Với việc Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, quân đội Nga cũng rơi vào tình trạng hỗn loạn hoàn toàn.

Năm 1988, Liên Xô có tổng quân số khoảng 5,5 triệu quân nhân; đến năm 1998, quân đội Nga chỉ còn khoảng 1,5 triệu quân.

Từng được định hình để đánh bại NATO và giữ vững Đông Âu, nhưng đến năm 1998, quân đội Nga cũng không thể tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô vừa hoặc lớn, không có khả năng phối hợp tác chiến, thể hiện rõ nét khả năng chiến đấu kém hiệu quả trong cuộc chiến tranh ở Chechnya.

Căng thẳng Nga-Ukraine đang leo thang nhưng cơ cấu và khả năng cơ động của lực lượng NATO là rất đáng lo ngại
Căng thẳng Nga-Ukraine đang leo thang nhưng cơ cấu và khả năng cơ động của lực lượng NATO là rất đáng lo ngại

Trước đây, Mỹ đã hứa với cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng quân đội NATO sẽ không di chuyển “một inch” về phía đông trong trường hợp nước Đức thống nhất, nhưng sau đó NATO đã gia tăng kết nạp không chỉ các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warsaw, mà còn cả các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sát nách nước Nga.

Thế nhưng mọi thứ bắt đầu xoay chuyển khi Tổng thống Vladimir Putin bước vào Điện Kremlin vào năm 1999. Bị gây sức ép bởi sự mở rộng về phía đông của NATO, Putin đã tiến hành cuộc cải tổ toàn diện Quân đội Nga, mang tên “Diện mạo mới” và hiệu quả của nó đã được thấy ngay sau đó.

Quân đội Nga đã đánh bại quân nổi dậy Chechnya trong Chiến tranh Chechnya lần thứ hai năm 1999 (điều mà quân đội Mỹ và NATO đã không thể thực hiện được trong 20 năm ở Afghanistan).

Quân đội Nga tiếp tục đạt hiệu quả cao trong cuộc chiến tiếp theo là Chiến tranh Gruzia-Nga (cuộc Chiến tranh 5 ngày tháng 8 năm 2008) và thể hiện “Diện mạo mới” gây choáng váng phương Tây trong chiến dịch quân sự thần tốc kiểm soát bán đảo Crimea năm 2014.

Hơn nữa, với mục đích chính để đối phó với sự mở rộng về phía đông của NATO, Nga đã cải tổ hai đơn vị quân sự lớn thời Chiến tranh Lạnh là Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 và Tập đoàn quân vũ trang hỗn hợp 20, với mục đích chuyên thực hiện các hoạt động vũ khí tổng hợp quy mô lớn, cơ động, mà quân đội Mỹ và NATO đã vứt đi vào sọt rác.

Theo đánh giá của giới quân sự, thực tế là việc Nga xây dựng lực lượng ở các quân khu phía tây và phía nam của họ, khi kết hợp với việc triển khai các lực lượng cơ động ở Belarus, thể hiện sức mạnh quân sự không chỉ đè bẹp Ukraine, mà còn vượt quá khả năng đối phó của các lực lượng NATO hiện đang triển khai ở sườn phía đông của khối.

Xác suất bùng phát một cuộc chiến tranh thông thường tổng lực giữa Nga với NATO có thể là cực kỳ mỏng manh, nhưng nó vẫn có thể xảy ra và khi đó, lực lượng quân sự của Nga sẽ dễ dàng đè bẹp các lực lượng quân sự nhỏ lẻ, ô hợp và được tổ chức theo mô hình cũ kỹ của Mỹ và phương Tây.