Chiếc xe tải và người đàn ông vác sắt qua đường – Buồn cho văn hóa giao thông

ANTĐ - Người đàn ông vác những thanh sắt dài qua đường, chiếc xe tải lao tới quệt vào những thanh sắt. Người đàn ông qua đường tức giận, định tấn công lái xe tải... Những tranh cãi đúng - sai, khiến nhiều người ngán ngẩm về văn hóa giao thông kém văn minh của nhiều người Việt.

Đoạn clip được tài khoản facebook có tên là Duc Luu chia sẻ và gọi đây là "vụ sang đường muốn gặp diêm vương ở Nghệ An". Nguồn: otofun

Ngày 16-3, đoạn video được chia sẻ trên facebook, ghi lại hình ảnh 1 người đàn ông vác trên vai đồ vật cồng kềnh (được cho là những thanh sắt dài), băng rất vội qua đường.

Trong lúc đó, một chiếc xe tải lao tới với vận tốc khá nhanh đã quệt vào đầu những thanh sắt, khiến người đàn ông qua đường tức giận và có thái độ quá khích với tài xế xe tải.

Tuy sự việc sau đó được can ngăn và không để lại hậu quả đáng tiếc, nhưng những tranh cãi xoay quanh việc ai đúng ai sai khiến nhiều người ngán ngẩm về văn hóa giao thông kém văn minh của các nhân vật trong đoạn video.


Ai đúng, ai sai?

Sau khi đoạn clip được chia sẻ, rất nhiều bình luận trái chiều đã được cập nhật. Một số ý kiến cho rằng, lỗi sai thuộc về tài xế xe tải.

“Theo luật, xe tải phải dừng lại nhường đường trong bất cứ trường hợp nào, vì người đi bộ được ưu tiên. Khi có vạch kẻ ngang là phần đường ưu tiên dành cho người đi bộ thì cách đó 20m sẽ có biển báo để các phương tiện được biết. Khi thấy biển này thì tất cả các phương tiện phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ. Khi thấy người đi bộ đứng trên vỉa hè hoặc trên vạch dành cho người đi bộ thì tất cả các phương tiện phải dừng hẳn lại nhường đường”, tài khoản facebook Xuân Trường lập luận và cho rằng, trong trường hợp trên, xe tải hoàn toàn sai luật khi đi quá nhanh và không quan sát người qua đường.

Cùng quan điểm, thành viên tên Pura Vida bình luận: “Người đi bộ vẫy tay xin đường và đi đúng vạch sang đường mà. Xe tải sai rõ ràng rồi”, và khẳng định việc xe tải sai phạm như vậy không phải trường hợp hiếm thấy ở Việt Nam “Mình cũng từng sang đường và suýt bị xe đâm phải. Lúc ấy rất bực. Các bạn cứ lên án chú đi bộ là sao, cứ thử đặt địa vị mình vào người ta đi”.

Nhưng cũng nhiều ý kiến chỉ trích người đàn ông sang đường: “Có vạch mà không có đèn tín hiệu giao thông thì phải nhìn đường xem vắng xe hãy qua chứ, đường toàn xe tải với xe container mà ông này vẫn lao sang như chỗ không người vậy, đi một mình thì không nói, đằng này còn vác hàng cồng kềnh, tính ra ông ấy đi hết 5m đường rồi còn gì”, thành viên Khánh Trần bức xúc.

Tài khoản facebook Bang Bang cũng khẳng định:Ông đi bộ sai rõ rành rành, vác ngang đường, cồng kềnh, xin đường kiểu cho có lệ. Cho dù có xin đi chăng nữa cũng nên nhìn ngó kỹ để đảm bảo tính mạng cho bản thân chứ”.

“Hàng cồng kềnh phải được chở bằng xe chuyên dụng, vác bộ như vậy mà cứ thế bang qua đường thì không chấp nhận được rồi”, nick Binh Xuan Hoa Bui đồng quan điểm.

Trước những phản hồi và tranh cãi gay gắt, một số người xem bình tâm hơn, đưa ra nhận xét: “Ở đây cả xe tải và người đi bộ cùng sai, nhưng lỗi của xe tải là nặng hơn. Cụ thể, lỗi của người đi bộ là không đi đúng phần đường cho người đi bộ (lúc đầu đã đi trên vạch, tuy nhiên ngay sau đó lại đi chéo luôn). Lỗi thứ hai là mang vác vật cồng kềnh, có thể quy vào tội gây cản trở giao thông. Lỗi xe tải là không nhường đường cho người đi bộ trên phần đường ưu tiên. Về lý thì khi người đi bộ có dấu hiệu muốn sang đường ở nơi không có đèn tín hiệu thì phương tiện bắt buộc phải dừng trước vạch giới hạn đến khi người đi bộ hoàn thành việc sang đường”, bạn Đỗ Hồng Phong phân tích.


Hình ảnh ghi lại tại Nhật, mọi phương tiện nhường đường cho các em học sinh. Ngay sau khi qua đường, các em liền gập người cúi chào và cảm ơn các tài xế đã nhường đường. Đoạn video này ngay lập tức được đem ra so sánh với Việt Nam.


Hình ảnh buồn về văn hóa giao thông

Đúng như nhận định của nhiều cư dân mạng, cả tài xế xe tải và người đi bộ đều đã vi phạm luật trong tình huống trên. Ấy nhưng điều đáng buồn hơn hết, là khi xảy ra va chạm, thay vì cảm thấy áy náy về cái sai của mình, thì họ lại có thái độ khiếm nhã, cà khịa lẫn nhau. Đây là tình trạng khá phổ biến trong văn hóa giao thông ở Việt Nam.

Hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đó là 3 tiêu chí quan trọng trong văn hóa giao thông, nhưng rất hiếm người thực hiện nó một cách đầy đủ.


Một clip khác ghi lại cảnh xô xát trên đường phố vì va chạm giao thông. Nguồn: youtube

Không khó để lý giải vì sao thời gian gần đây, trên đường phố của ta thường xuyên xảy ra những vụ xô xát, đánh nhau chỉ vì một va quệt nhỏ khi tham gia giao thông. Nếu mỗi người không tự giác sửa đổi và tiết chế cái tôi của bản thân, nền “văn minh giao thông” sẽ mãi chỉ là ước mơ.