Chiếc sừng tê giác rởm và cú lừa điếng người giá... 240 triệu

ANTĐ - Anh L tê tái người khi biết chiếc sừng tê giác trị giá 240 triệu đồng chỉ là.... hàng giả
Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) vừa nhận được đơn trình báo của anh H.H.L về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn đánh vào sự cả tin, những kẻ lừa đảo đã khiến anh L phải ôm trọn một chiếc sừng tê giác giả với giá 240 triệu đồng.

Chỉ vì cả tin, anh L đã bỏ ra 240 triệu để ôm lấy chiếc sừng tê giác giả
(Ảnh minh họa)

Theo lá đơn của anh H.H.L (xã Hưng Thịnh - Hưng Nguyên), khoảng 11 giờ trưa 6-6, anh đang ở nhà (nhà anh buôn bán tạp hoá), có 1 người đàn ông tầm 40 tuổi, da ngăm đen, dáng người đậm, mặc quần ka ki cùng áo bò xanh da trơn, nói giọng lơ lớ người dân tộc đến tìm gặp.

Sau khi người đàn ông này mua một chai nước, anh L. có hỏi thăm thì người này nói, mình tên là T. quê ở bản Én, huyện Anh Sơn. Qua cuộc nói chuyện, người đàn ông có để lại một con trăn, nhờ anh bán hộ với giá 2 triệu đồng. Nếu bán được, người đàn ông này sẽ trả công 100.000 đồng.

Sau đó, T. bảo có việc cần phải đi. Khoảng một tiếng sau, có một người khác, nói giọng Bắc, cao chừng 1m70, người hơi gầy đi trên một chiếc xe Wave và ăn mặc rất lịch sự tự xưng tên là V. đến hỏi mua con trăn. Anh L. đồng ý bán với giá 2 triệu đồng. Người này còn để lại số điện thoại để tiện liên lạc.

3 ngày sau, T. lại mang tiếp một con trăn khác đến và nhờ anh L. bán hộ. Đúng như lời hứa, sau khi đưa T. 2.000.000 đồng, anh L. được T. thưởng cho 100.000 đồng tiền công đã bán trăn. Sau đó, anh L. có gọi điện để báo tin cho V. thì V. hứa là 1 tiếng sau sẽ đến nhà lấy hàng. Lần này, sau khi bán hàng thành công, anh L. cũng được T. trả công 100.000 đồng như lần trước. Những lần khác, sau khi bán được hàng, anh L. còn mời cơm và để người đàn ông này ở trong nhà mình.

Đơn trình báo của anh L

Tiếp 3 ngày sau, T. lại đến nhà anh L. với một hộp mật gấu và bảo bán với giá 13 triệu đồng. Lần này, chỉ sau cú điện thoại ngắn ngủi, V. đã xuất hiện và mua hộp mật gấu với giá 13 triệu đồng mà không hề băn khoăn.

Đến khoảng 16 giờ ngày 18-6, T. đến đưa theo một chiếc sừng và bảo là sừng tê giác nhờ anh L bán hộ với giá 330 triệu đồng. Anh L. vội gọi cho V. Khoảng 5 giờ sáng ngày 19-6 thì V. đến cũng kiểm tra chiếc sừng và bảo: “Hiện giờ không có đủ tiền, tôi đặt cọc trước 20 triệu đồng”.

Vốn tin tưởng từ trước nên anh L, đồng ý và gói chiếc sừng này vào. V. hẹn ngày 21-6 sẽ đến giao đủ tiền và lấy chiếc sừng. Đến chiều ngày 19-6, T. gọi điện thúc giục anh L. và bảo cần tiền gấp. Vốn đã làm ăn thành công sau nhiều phi vụ, vợ chồng anh L. đã đi vay mượn được tổng số tiền là 240 triệu đồng để về đưa cho T.

Nhưng T. lại bảo chưa đủ tiền để dùng vào công việc. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, vẫn không có đủ 70 triệu nên T. bảo anh L. viết giấy với nội dung còn nợ 70 triệu đồng và đến ngày 28-6 sẽ trả đầy đủ. Sau khi cầm số tiền 260 triệu đồng (gồm 240 triệu đồng và 20 triệu đồng của V. đặt cọc) thì T. ra về. Từ đó đến nay, cả T. và V. đều không quay lại nhà anh L. thêm một lần nào nữa.

Đợi mãi không thấy V. đến mua hàng, cũng không thấy T. quay lại đòi nợ, anh L. sinh nghi liền mang chiếc sừng tê giác đi thử. Kết quả khiến anh choáng váng, đó chỉ là một chiếc sừng tê giác giả! Liên lạc với T. theo số máy thường gọi thì máy báo không có tín hiệu, nhờ người kiểm tra bản Én ở huyện Anh Sơn, anh L. mới hay chẳng có ai như thế. Sau thời gian suy nghĩ và chờ đợi, anh L. viết đơn trình báo với Công an huyện Hưng Nguyên.

Theo Công an huyện Hưng Nguyên thì nếu chỉ theo những thông tin mà anh L. gửi đến thì rất khó xác định và khoanh vùng đối tượng. Nếu chỉ dựa vào đặc điểm ngoại hình và tên thì không thể tìm rõ tung tích của cả T. và V. Bên cạnh đó, việc anh L. trình báo chậm cũng gây khó khăn cho cơ quan công an. Hiện, vụ việc đang được điều tra làm rõ. Đây là một chiêu thức lừa đảo mới, bà con cần nêu cao ý thức cảnh giác, tránh gây thiệt hại về người và của.