Chia sẻ nỗi đau
(ANTĐ) - Hôm qua, 26-7, chúng tôi về thăm lại gia đình chị Nguyễn Thị Xạ, ở thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội - một trong những nạn nhân chất độc da cam. Chuyến thăm này của Công an TP Hà Nội và Báo An ninh Thủ đô là nhằm chia sẻ những khó khăn với gia đình những người lính năm nào...
Thượng tá Vũ Minh Phương - Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ CATP Hà Nội (người đứng bên cháu Nguyễn Chí Hòa) cùng đại diện Báo ANTĐ tặng quà gia đình chị Xạ |
Nỗi ám ảnh chất độc da cam!
Thực tế chẳng thể mong một kết thúc có hậu ở những nạn nhân chất độc da cam. Tất cả đều giống nhau ở một điểm là họ phải thường xuyên đối mặt với thực tế đau đớn phũ phàng khi ngày ngày chăm nom những đứa con không lành lặn. Chị Xạ cũng thế, đến tận bây giờ chị vẫn không thôi bị ám ảnh bởi cái thứ chất độc chết người mà bản thân chị chưa một lần nhìn thấy: “Tôi chỉ biết cháu bị thế này là do nhiễm dioxin truyền từ bố. Con mình rứt ruột đẻ ra mà hàng ngày cứ phải bất lực nhìn nó liệt dần, liệt dần, thử hỏi còn xót xa nào hơn thế?”.
Năm 1970, cũng như bao lứa trai làng, anh Nguyễn Văn Hiên theo tiếng gọi của đất nước cầm súng lên đường vào Nam chiến đấu. Dù mới cưới chị Xạ chưa được một tháng, nhưng với anh, tiếng gọi giải phóng quê hương còn cao hơn cả việc lo cho hạnh phúc riêng tư. Chị Xạ nhớ lại: “Anh ấy đi là đi biệt, chẳng tin tức, chẳng thư từ. Tôi chỉ nghe mang máng anh ấy sang Campuchia rồi về chiến đấu ở Tây Ninh mãi cho đến năm 1977 mới thấy khoác ba lô trở về. Ngày ấy, lứa thanh niên đi cùng anh quá nửa nằm lại trong các cánh rừng Trường Sơn hay trong các trận đánh dọc biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chồng mình về được là may mắn hơn khá nhiều đồng đội rồi. Vợ chồng sum họp ngày đất nước giải phóng cứ mừng mừng tủi tủi, ai dè…”. Bản thân anh Hiên cũng đâu có ngờ, những tháng ngày ăn rừng, nằm suối tại mặt trận Tây Ninh, thứ chất độc quái ác mà quân đội Mỹ gieo rắc xuống nơi trú quân của đơn vị đã kịp bám chặt vào cơ thể anh. Ngày trở về, hành trang người lính ngoài chiếc ba lô cũ sờn còn có cả chất dioxin khủng khiếp ngấm ngầm đeo bám.
Cháu Nguyễn Chí Hòa ra đời năm 1981, nó là cả niềm hy vọng của anh chị bởi ngay từ nhỏ Hòa là đứa học giỏi nhất nhà. Nhắc đến đây, chị Xạ rùng mình: “Thế rồi đến năm 12 tuổi, chân cháu bỗng nhiên cà nhắc, cà nhắc… Đó cùng là thời điểm khó khăn nhất của cả gia đình. Rời bộ đội, anh lại chuyển ngành sang phục vụ trong lực lượng công an tít mít với những chuyến hết công tác rồi lại điều tra… Thời chiến đi bộ đội đã đành, thời bình sang công an cũng lại là lính. Chị thở dài.
San sẻ với đồng đội
Không được nhờ chồng thì chị tự bươn chải. Ngày ngày, chị ra thị xã Hà Đông bán hàng ăn kiếm tiền nuôi con. Lúc ấy lương anh cả tháng được 800 đồng, chị bán hàng được đồng nào gom góp đưa Hòa đi khắp các bệnh viện chạy chữa. Nhưng tốn bao nhiêu tiền mà bệnh chẳng thuyên giảm. Mãi cho đến khi Hòa học lớp 12, các bác sỹ mới tìm ra căn nguyên của chứng đau khớp khủng khiếp khiến Hòa mất ăn mất ngủ và đôi chân ngày càng teo nhỏ lại. Thủ phạm chính là dioxin. Kết luận ấy cũng làm tan vỡ giấc mơ theo học Đại học An ninh nối nghiệp bố của cậu học sinh giỏi trường cấp 3 Vân Đình.
Bây giờ thì Hòa gắn niềm vui của mình bên chiếc máy vi tính. Trước đó, thầy giáo cấp 3 đã cố gắng dạy cho cậu nghề sửa đồng hồ. Tuy nhiên, di chứng dioxin khiến các khớp của cậu ngày càng cứng lại khiến công việc cũng không thể tiếp tục được. Nhìn con, nhiều lúc anh chị cũng ứa nước mắt, thế mà nhiều lúc chị giục anh đi làm chế độ trợ cấp chất độc da cam thì anh cứ gạt đi: “Còn bao nhiêu người khổ hơn mình mà người ta có đòi hỏi đâu? Mình làm thế e hơi kỳ”. Cái thái độ tự ti ấy khiến chị Xạ phát cáu.
Những lúc như thế anh chỉ cười: “Đồng đội cũ của tôi quá nửa không về. Những ông về được thì cũng “nhiễm” như mình cả. Không nhẹ thì nặng, thậm chí có người còn không có con, mình đã thấm vào đâu”. Tuy chồng nói thế, nhưng chị cũng đã chứng kiến không biết bao lần anh nhìn con rồi lặng lẽ vào phòng tắm đứng khóc. Có lẽ bản chất người lính là như vậy, lúc nào cũng lạc quan để rồi giấu lại những nỗi đau cho riêng bản thân mình.
Món quà trị giá 13 triệu đồng của CATP Hà Nội và Báo An ninh Thủ đô mang đến nhân dịp 27-7 xét ra chẳng thấm vào đâu so với mất mát của anh đã bỏ ra suốt tuổi thanh xuân. Nhưng đó là tất cả những gì mà những chiến sỹ Công an chúng tôi - cũng như anh - có thể san sẻ với đồng đội.
Nhóm PV Bạn đọc