Chia sẻ là hy sinh
(ANTĐ) - Chủ trương và biện pháp chấn chỉnh, tiến tới xóa bỏ kinh doanh, buôn bán trên lòng đường, vỉa hè là một chủ trương khó khăn, hãy cứ là một người Hà Nội yêu Hà Nội thì nhất định trong nghĩ suy của mỗi người sẽ có chỗ chia sẻ với những gì thành phố đã làm và đang làm để thành phố ta ngày càng đẹp lên trong con mắt người dân và bè bạn.
Tình cảnh các sáng kiến và chiến dịch lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè cứ lặp đi lặp lại đã trở nên quen thuộc ở đô thị của chúng ta.
Quen thuộc và không có gì lạ đã có căn cứ lý luận từ lâu lắm rồi: Từ sản xuất nhỏ mà đi lên. Từ trên 90% dân số là nông dân mà đi lên. Từ cái nôi văn hóa làng xã mà đi lên v.v và v.v... Đặc biệt là khi người dân các nước công nghiệp phát triển từ nông thôn đến thành thị đều quy củ, ngăn nắp xanh sạch và hiện đại rồi thì họ đi tìm những vùng đất, vùng người còn hoang sơ, còn lôi thôi lếch thếch là một thú chơi khám phá. ấy là cảnh tượng các bà, các chị, các em mặc cả “cây” quần áo dân tộc Tày, Nùng, Dao, H’mông... nói tiếng Tây trên tay là thổ cẩm, từng đoàn từng đoàn vây quanh du khách, trên môi là nụ cười. ấy là cảnh tượng chợ cóc, chợ quê đích thực các gánh hàng rong đủ loại tọa lạc trên lòng đường, vỉa hè các con phố cổ, các con phố mới... không biết người Tây xui khôn hay xui dại. Người ta bảo chợ cóc, chợ quê, hàng rong... là nét đẹp văn hóa của đô thị Việt Nam?
Khôn hay dại? Dại hay khôn thì chưa thể biết. Nhưng hoài cổ vốn là đặc điểm của tầng lớp tao nhân mặc khách ở ta.
Yêu từng bức tường nham nhở của “Phái”. Chết mê chết mệt một tà áo gánh hoa Ngọc Hà đi rong... Mê mệt cả mùi nước cống lộ thiên... Chả còn gì để mà nói nữa! Chết nỗi! Hễ cứ là hoài cổ, hễ cứ là từ các vị “khăn đóng áo dài” hoặc “lôi tha lôi thôi”, râu tóc bờm xờm hoặc chưa đến lúc bờm xờm mà tiên phong thì sức nặng, sức níu kéo tựa ngàn cân, tựa ngàn con ngựa... Thế là từ chuyện to đến chuyện nhỏ ở cái đất Hà Nội này, hễ cứ đụng đến là đụng đầu vào tường. Chuyện hàng rong là một cuộc đụng đầu như thế đấy.
Nhưng có điều: Không biết có phải có quá nhiều cuộc đụng đầu, đâu đâu cũng đụng đầu mà nảy nòi ra hai trường phái đối nghịch về cái đầu: Một cái đầu bất chấp tiếng vọng ngàn năm lịch sử. Một cái đầu thượng vàng hạ cám đều coi là lịch sử mà không dám đụng đầu.
Ai dám bảo chợ quê, hàng rong không có gốc gác? Không là một bước tiến dài lâu trên con đường phát triển của nhân loại. Nhưng khi đô thị hay là văn minh đô thị đã được xác lập thì nó nhất định phải phủ định văn minh chợ quê, văn minh hàng rong... Âu cũng là một minh chứng đã được học thuộc lòng của thuyết duy vật biện chứng một thời.
Từ lý thuyết đến thực hành là như vượt qua suối, qua sông, thậm chí là biển cả. Dù to hay là nhỏ mà đụng đến văn hóa dù là văn hóa chợ quê, văn hóa hàng rong lại càng không dễ dàng chút nào.
Nhưng quy luật là quy luật. Quy luật văn minh đô thị nhất định phải phủ định văn minh chợ quê và văn minh hàng rong. Nhưng văn hóa thì không thể phủ định.
Hãy nhìn cách ứng xử của người Pháp ở Hà Nội ta. Có lẽ người Pháp vì duyên hay là vì nợ mà thấu hiểu đến tận tim óc văn hóa chợ quê của người Việt Nam ta. Chả thế mà ông đầu bếp khách sạn S.P. Plaza Ngô Quyền đã dành hẳn một không gian vùng 5 sao, dựng một không gian ẩm thực chợ quê Việt Nam: Những gồng gánh, thúng mủng, mẹt, đĩa bát nguyên gốc Bát Tràng... Những dải lụa váy áo tứ thân... Những tôm, cua, ốc, ếch... Bảo là cung cách ứng xử gì đây? Bảo là văn minh đô thị hay bảo là văn hóa chợ quê? Hay là gộp lại mà bảo: Văn minh đô thị tầm cỡ văn hóa của ông đầu bếp Tây là vậy.
Ông bà ta xưa thường dạy bảo: Trông người mà ngẫm đến ta.
“Thua chị kém em” là tủi hổ lắm! Văn minh đô thị nhất định không phải văn minh chợ quê đang phổ cập ở đô thị nước nhà.
Được quy hoạch đúng tầm, chợ quê sẽ mãi là nét văn hóa |
Từ đấy mà nghĩ rằng: Những dự án đang còn “treo” nên rà soát lại chỗ nào làm chợ “quê” được, còn phải tạm thời buôn thúng bán mẹt được thì dùng cho người đi rong, cho người buôn thúng bán mẹt. Nhưng tuyệt đối không dùng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán. Chúng ta đã tốn biết bao nhiêu công của trả lại vẻ đẹp và văn minh đô thị cho con phố Đoàn Thị Điểm, con phố Hòe Nhai, tháp nước Hàng Đậu... Những gì phải trả giá đã qua thì ngày nay giá có lẽ lại càng phải cao hơn.
“Ăn có nơi, chơi có chốn”. Hè đường phải là nơi dành cho giao thông đô thị. Chủ trương và biện pháp chấn chỉnh, tiến tới xóa bỏ kinh doanh, buôn bán trên lòng đường, vỉa hè là một chủ trương khó khăn, hãy cứ là một người Hà Nội yêu Hà Nội thì nhất định trong nghĩ suy của mỗi người sẽ có chỗ chia sẻ với những gì thành phố đã làm và đang làm để thành phố ta ngày càng đẹp lên trong con mắt người dân và bè bạn.
Đành rằng cần phải có lộ trình - Một thứ lộ trình bất đắc dĩ chỉ xoay quanh câu chuyện trả lại vẻ đẹp cho cái vỉa hè, cái lòng đường.
Biết chia sẻ cũng có nghĩa là phải biết hy sinh. Để thành phố đẹp lên ngay trong năm tháng tiến đến ngày đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội thì sự trả lại, giữ gìn vẻ đẹp hè đường rất cần sự hy sinh của tất cả mọi người sinh sống ở thành phố. Biết đâu đấy đến ngàn năm Thăng Long, câu nói từ cổ xưa của ông bà ta “ăn có nơi, chơi có chốn” lại trở thành nếp ăn mới, nếp chơi mới của người Hà Nội ta chăng.
Lò Văn Minh