Chia sẻ… âu lo
(ANTĐ) - Giới doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài đều có chung một mục đích là kinh doanh, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. Điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi là mong muốn của bất cứ doanh nghiệp nào.
Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô cũng là một phần tất yếu trong hàng loạt mối quan tâm hàng đầu của họ ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh. Rủi ro kinh tế vĩ mô đang gia tăng đã trở thành một trong những chủ đề “nóng hổi” được quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp trong cuộc đối thoại trực tiếp với Chính phủ vừa diễn ra tại Hà Nội.
Kinh tế vĩ mô, không đơn thuần chỉ ở tầm… vĩ mô mà thực ra có những tác động và ảnh hưởng rất “vi mô” tới doanh nghiệp. Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi lo ngại về tình hình lạm phát có chiều hướng gia tăng, nhưng chúng tôi rất ủng hộ và trông chờ Chính phủ sẽ triển khai chính sách tiền tệ một cách rõ ràng, minh bạch để giúp tăng lòng tin vào hệ thống quản lý kinh tế vĩ mô”.
Theo ông Chủ tịch, hệ thống tiền tệ của Việt Nam chưa duy trì được tính ổn định cho các kỳ vọng về giá trị của đồng tiền đối với nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Bởi vì cách tiếp cận đối với chính sách kinh tế và tiền tệ đã gây ra các vấn đề về sự tín nhiệm và lòng tin.
Phát biểu thẳng thắn, có phần khá mạnh mẽ của đại diện cộng đồng các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiện đang đứng ở vị trí số 1 trong các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có thể gây “sốc” cho các quan chức, song lại “trúng” tâm trạng của giới doanh nghiệp Việt Nam. Những dự báo về việc tiền đồng bị mất giá liên tục gần đây, quả thực đang khiến doanh nghiệp và người dân không còn muốn “ôm” tiền đồng làm cho nó ngày càng trở nên mất giá trị với vai trò là tài sản lưu giữ.
Đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhận xét, ngay trong tháng 11, lãi suất cơ bản đã tăng lên dưới sức ép của giá vàng tăng cao, tỷ giá ngoại tệ cũng tăng nhanh giống như hiện tượng đồng nội tệ bị phá giá. Hơn thế, nguồn tài chính “đồ sộ” nhất đang được đổ vào găm giữ đất đai, vàng và ngoại tệ thay vì đầu tư cho sản xuất. “Thiếu vốn và nguồn vốn quá đắt đang và sẽ là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh” - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ nhấn mạnh.
Trưởng nhóm công tác thị trường vốn của Tổ chức Dominic Scriven kiến nghị thẳng Chính phủ nên tiếp tục tăng cường minh bạch thông tin kinh tế vĩ mô như chỉ số thất nghiệp, hàng tồn kho, thị trường nhà đất và các thông tin về chính sách tài khóa tiền tệ thông qua một “lịch trình sự kiện kinh tế” để các doanh nghiệp tiếp cận.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư chia sẻ nỗi âu lo của giới doanh nghiệp về bất ổn vĩ mô. Ông khẳng định: “Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là thách thức lớn với Việt Nam”. Mặc dù công nhận rằng, kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, song giới doanh nghiệp bày tỏ quan ngại về những “nút thắt” kinh tế như thiếu hụt cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, sự phình to của doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính, quản lý giá cả và hàng loạt các vấn đề liên quan đến đất đai, tài chính…
Đối thoại là nói thẳng, nói thật, thậm chí có thể làm “mất lòng” nhau, song điều đó cho thấy giới doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước thực sự muốn chia sẻ âu lo về kinh tế vĩ mô với Chính phủ. Lo ngại là có cơ sở nhưng họ vẫn bày tỏ lạc quan và tin tưởng. Một báo cáo công bố tại cuộc đối thoại cho thấy, 227 doanh nghiệp được hỏi ý kiến đều thừa nhận, môi trường kinh doanh năm 2010 là “tạm được” và có cải thiện hơn hai năm trước. Bởi thế có tới 75% số doanh nghiệp này cho biết dự định sẽ mở rộng kinh doanh trong ba năm tới.
Đan Thanh