"Chìa khóa" để cử nhân nhanh chóng tìm được việc làm

ANTĐ - Rất nhiều kinh nghiệm đã được các nhà tuyển dụng chia sẻ  trong buổi tọa đàm “Nhà tuyển dụng muốn gì” với mong muốn giúp  sinh viên nhanh nhất tìm được công việc đúng với giá trị bản thân. 

"Chìa khóa" để cử nhân nhanh chóng tìm được việc làm ảnh 1Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp cao khiến nhiều sinh viên lo lắng về cơ hội việc làm

Nhà tuyển dụng muốn gì?

Tình trạng cử nhân thất nghiệp  đang ngày càng gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân và các nhà tuyển dụng thực sự cần gì. Câu hỏi được sinh viên ĐH Dược Hà Nội đặt ra là:  “Hai cử nhân cùng đến nộp hồ sơ. Một người có bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi nhưng chưa có kinh nghiệm thực tiễn và một người có kinh nghiệm nhưng không có bằng loại giỏi thì nhà tuyển dụng sẽ chọn ai?”.

Ông Đỗ Huy Hiệu, cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện là Giám đốc Công ty TNHH DCH-Bransons cho biết:  “Trong 2 người, bạn nào cầu tiến, quan tâm và biết rõ nhất công việc mình đang đăng ký ở công ty thì tôi sẽ nhận. Tôi không muốn tuyển những người mà tôi phải giám sát, không biết tự tìm việc khi không được chỉ dẫn... Bạn nào có cái tôi quá cao, không có mục tiêu học hỏi thì dù có bằng tốt nghiệp loại giỏi thì tôi cũng sẽ không nhận”.

Bà Nguyễn Thị Huế, cựu sinh viên ĐH Ngoại thương, Giám đốc Công ty EZ Việt Nam cho biết, việc tuyển dụng ở công ty này diễn ra hàng tháng với số lượng từ 10-20 nhân viên. “Tôi ưu tiên tuyển dụng với tiêu chí: sức trẻ, nhiệt huyết, khát vọng làm giàu. Câu hỏi tôi đặt ra với ứng viên là  bạn có mong muốn bán hàng, kiếm tiền và thành công không... Bạn có dám thức khuya dậy sớm, làm cả chủ nhật hay không?”. Bà Nguyễn Thị Huế khẳng định, công ty của mình luôn chào đón những sinh viên có mong ước trở thành người bán hàng, môi giới bất động sản. “Hiện chúng tôi có không ít nhân viên là sinh viên ĐH Ngoại thương, ĐHDL Đông Đô. Các em đều có thu nhập rất tốt” - bà Huế cho biết.

Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất

Hãy xác định mục tiêu cho mình, chấp nhận làm không công để học tập kinh nghiệm... là điều ông Đỗ Huy Hiệu nhấn mạnh. “Lần đầu tiên tôi đi phỏng vấn đã bị loại ngay từ “vòng gửi xe” vì không biết mình xin việc gì. Các bạn cần tìm hiểu kỹ công ty mình ứng cử trước khi phỏng vấn, hãy đặt mình như nhân viên của công ty đó để biết cách trả lời nhà tuyển dụng” - ông Hiệu chia sẻ.

“Nếu tự mình không đặt ra mục tiêu thì các bạn đi mãi cũng không đến đích. Sinh viên đang đi học hãy xách ba lô đến các công ty mình quan tâm để xin việc làm dù là những việc nhỏ nhất. Tôi đã bắt đầu từ những công việc 10.000 đồng/giờ, cả việc lau dọn, xếp bàn ghế. Có hôm làm đến 3h sáng. Với tôi, làm không phải để kiếm được gì mà là học được gì. Mặc dù cần đi làm thêm để có kinh nghiệm nhưng tôi cũng khẳng định, các bạn sinh viên khi còn ngồi ghế nhà trường hãy cố gắng tập trung học thật tốt. Các bạn đừng nghĩ rằng bằng ĐH không cần thiết khi ra đời. Hãy bỏ suy nghĩ nghỉ học để đi làm. Biết phấn đấu và tập trung, nỗ lực... các bạn sẽ thành công sớm hơn tôi”.

Ông Vũ Anh Long, Chủ tịch CLB Hãy cùng hát vang cũng đồng tình với quan điểm có mục đích thì sẽ tìm những kỹ năng phù hợp. “Quan trọng là sự rõ ràng về mục đích, điều mình muốn. Ngoài ra, biết lắng nghe có thể quyết định sự thăng tiến trong công việc. Các bạn hãy sẵn sàng cho đi, có thể là tiền bạc, có thể chỉ là nụ cười chứ đừng cố lấy của thiên hạ” – ông Long chia sẻ. Bên cạnh đó, ông Long cũng chỉ ra điểm yếu của sinh viên tốt nghiệp những trường ĐH có tiếng là cái tôi quá lớn. “Hãy coi mình là số 0, hãy tìm kỹ năng từ những hình mẫu để rèn luyện mình. Có bằng cấp là công cụ cần thiết nhưng điều quan trọng vẫn là tự rèn luyện, nắm bắt cơ hội” - ông Vũ Anh Long đưa ra lời khuyên.

Thêm một bí quyết để thành công, theo bà Nguyễn Thị Huế là, mỗi sinh viên phải tự mang trong mình khát khao cháy bỏng, khác biệt  cuồng nhiệt, niềm tin mạnh mẽ, phải “nhẫn” trong rèn luyện để trở thành người thành công, kiên trì với mục tiêu đặt ra và phải là người có tâm.