Chỉ vì một câu nói, cô gái bị người yêu đâm chết tại chỗ

ANTĐ - Tội ác đó không thể dung thứ và chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị một cách đích đáng. Nhưng ẩn sau hành động điên rồ ấy là cả một tấn bi kịch cuộc đời của kẻ gây trọng án.

Có lẽ nếu không đến căn nhà nơi Trần Minh Tấn ở thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương, không có cuộc trò chuyện đẫm nước mắt với mẹ Tấn thì chúng tôi không sao cắt nghĩa được, vì sao Tấn lại ra tay sát hại người mình yêu dã man như vậy.

Tuổi thơ cay đắng

Bố mẹ Tấn chia tay từ khi Tấn mới mười bốn tuổi. Tấn ở với mẹ. Kể từ khi ấy cho tới nay đã gần mười năm trôi qua nhưng chưa một lần Tấn nhận được lời hỏi han, động viên nào của bố. Cả tuổi thơ Tấn là những ngày tháng đen tối khi phải chứng kiến cảnh người cha rượu chè, cờ bạc và trai gái lăng nhăng. Mỗi lần rượu say, mỗi lần thua bạc là mỗi lần ông ta về lôi mẹ Tấn ra đánh.

“Có lần ông ấy cầm cả cục gạch ném vào đầu tôi, máu chảy lênh láng. Vẫn chưa thỏa ông ấy còn lật ngược tôi lên giẫm chân lên bụng. Vừa giẫm ông ấy vừa bảo, mày chết không cần họ hàng đến đưa, chỉ cần một mình tao vác xác mày đi chôn là được” - chị Nguyễn Thị Tám (mẹ Tấn) cay đắng kể lại. “Thế nên Tấn thương tôi lắm. Ngày bé nó chỉ biết đứng nhìn bố đánh mẹ rồi khóc thôi. Sau này có lần nó bảo tôi, hồi đó con còn bé quá nên không làm gì giúp mẹ được. Giá con lớn như bây giờ thì không đời nào con để chuyện ấy xảy ra. Nghe vậy tôi bảo cháu là con thương mẹ như vậy là mẹ thấy vui lắm rồi”.

Gần chục năm rồi Tấn sống đơn độc với cuộc đời cơm niêu nước lọ. Từ khi chia tay mẹ Tấn, bố Tấn bỏ vào Nam sinh sống rồi sinh con đẻ cái trong đó. Mẹ vì cuộc sống mưu sinh nên cũng phiêu bạt lên Hà Nội làm để lại Tấn một mình nơi quê nhà. Mặc dù không có người lớn bên cạnh nhưng theo những người hàng xóm láng giềng nhận xét thì Tấn vẫn là một đứa trẻ ngoan. Ngày đi làm về tối lại lọ mọ nấu nướng ăn uống rồi ngủ nghỉ chứ cũng chả mấy khi thấy Tấn đi chơi bời.

Đang học dở lớp 8 thì bố mẹ bỏ nhau. Vì chán nản và vì thương mẹ Tấn cũng bỏ học luôn. Dù rằng khi ấy mẹ Tấn đã động viên Tấn cố gắng học hết cấp hai. Nhưng Tấn bảo học cũng chả để làm gì. Rồi Tấn đi làm tăm hương với mẹ. Mười lăm tuổi Tấn xúi mẹ lên Hà Nội phục vụ cho một quán cơm. Được một thời gian lại quay về nhà vì không quen nếp sống nơi phồn hoa đô thị. Về quê, Tấn nói với mẹ sẽ làm phụ hồ kiếm sống. Thế nhưng khi mẹ Tấn dẫn Tấn đến thì bất kể ông thợ xây nào cũng lắc đầu nguầy nguậy chê Tân quá bé. Thấy người ta khó khăn và thấy Tấn thực sự muốn làm mẹ Tấn đành bảo với người ta là “khả năng cháu nó làm được đến đâu thì bác trả công cháu đến đó”. Khi ấy người ta mới chịu nhận. Nhưng vì thể trạng yếu và cơ thể còn nhỏ nên Tấn đã không thể thích nghi được với công việc cần nhiều sức khỏe ấy. Một lần nữa Tấn lại đành bỏ dở công việc.

Đối tượng Trần Minh Tấn

Một mình trong căn nhà trống vắng, đã có lần trong đêm khuya Tấn gọi điện lên cho mẹ khóc và nói: “Mẹ đừng đi làm nữa, về nhà ở với con. Sướng khổ cũng có mẹ có con. Con thèm cảm giác đi làm về mệt có mẹ nấu cơm cho ăn. Những lúc con ốm con tủi thân lắm. Giá có mẹ ở nhà mẹ sẽ nịnh cho con bát cháo, nấu cho con bát mì mà ăn”. Nghe con nói vậy chị Tám như đứt từng khúc ruột. Thương con nhưng cũng đành kìm nén lại, đành phải an ủi con là “mẹ chỉ đi làm thêm một năm nữa thôi để tích cóp thêm một số vốn rồi về ở hẳn với con”. Rồi có lần Tấn thỏ thẻ nói với mẹ rằng, Tấn muốn được mẹ sửa sang lại cái trần nhà và lát lại cái nền để nếu bạn bè có đến chơi Tấn cũng đỡ tủi thân. “Trần nhà đã sửa, nền nhà cũng đã lát vậy mà con lại không ở con lại vào trại giam là sao hả con?” - chị Tám khóc nấc lên khi nghĩ đến con trai.

Nhớ lại cái đêm kinh hoàng, vào khoảng gần 23h30, chị Tám nhận được cuộc điện thoại của người thím nói rằng “không biết thằng Tấn và cái Thu đưa nhau đi đâu, chuyện trò gì mà bây giờ thằng Tấn đâm cái Thu chết rồi. Đâm ở nhà chị đấy”. Nghe hung tin, chân tay chị Tám bủn rủn, miệng nói không nên lời. Ngay sau đó chủ nhà nói chị giúp việc đã thuê xe ôm cho chị về quê. Về đến nhà thì Thu đã chết còn Tấn thì bỏ trốn.

Ngôi nhà 2 gian nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng trong xóm, từ ngày xảy ra án mạng kinh hoàng ngôi nhà vốn vắng vẻ nay lại càng cô quạnh. Đã mấy ngày nay chị Tám không dám ăn ngủ ở nhà mình, hàng ngày phải về ngoại, thỉnh thoảng qua nhà nhìn quanh rồi lại đi. “Tấn là con trai lại là thanh niên nhưng vẫn tình cảm với mẹ lắm. Hiếm khi tôi mới thu xếp được một buổi về thăm con. Mỗi lần như thế Tấn đều bảo hai mẹ con mình ngủ chung một giường nhé, dù rằng nhà tôi có hai cái giường. Có lần hai mẹ con cứ mải miết chuyện trò, tâm sự nhìn lên đồng hồ thì đã hai, ba giờ sáng. Tấn vẫn thường kể cho tôi nghe về Thu. Hai đứa yêu nhau cũng đã mấy năm rồi. Nhiều lần Tấn ngỏ lời muốn lấy Thu về làm vợ nhưng đều bị Thu từ chối khiến nó buồn lắm. Nó bảo nó muốn lấy vợ sớm để có người đỡ đần tôi và để tôi sớm có cháu bế bồng. Vậy mà giờ ra nông nỗi này”.

Hỏi chị Tám có cắt nghĩa được vì sao đứa con trai ngoan ngoãn, hiền lành của mình lại bỗng chốc có hành động như vậy không thì chị Tám mếu máo: “Tôi là người hiểu con mình hơn ai hết. Từ bé Tấn đã thiếu thốn tình cảm của cha sau đó lại phải sống xa mẹ nên luôn khát khao một cuộc sống gia đình. Đến khi lớn lên, Tấn yêu Thu và mong nhận được tình yêu của Thu để xây dựng gia đình thì lại bị Thu từ chối. Có lẽ điều đó đã khiến con tôi bị tổn thương và tuyệt vọng nên nó mới hành động như vậy”...

Và kết cục bi thảm của một tình yêu không thành

Trước khi vụ án xảy ra Nguyễn Thị Hoài Thu (xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách, Hải Dương) còn cùng bố mẹ, ông bà và hai em ăn bữa cơm gia đình thân mật. Chẳng ai ngờ được rằng đó lại là bữa cơm cuối cùng em ăn với những người thân yêu của mình. Ngôi nhà anh Nguyễn Văn Bình (bố đẻ của Thu) vẫn còn rất đông người qua lại, hỏi han nhưng cũng không phá vỡ đi được không khí nặng nề, lạnh lẽo đến rợn người. Chẳng ai nói với ai câu nào, mỗi người ngồi một chỗ với gương mặt thất thần như không tin vào sự thật.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông nội Thu là người nói nhiều nhất, cũng là người khóc nhiều nhất. Bởi lẽ bố mẹ chỉ là người sinh ra Thu nhưng chính ông bà nội mới là những người nuôi nấng, chăm bẵm cho Thu từ miếng ăn giấc ngủ. “Cháu nó sống với ông bà nội từ nhỏ, bố đi làm ăn xa tận Quảng Ninh, mẹ nó thì làm cho công ty may rất bận rộn nên cũng không quan tâm tới nó nhiều được” - Ông nội Thu chia sẻ. Thế nên trước sự ra đi đột ngột và đau đớn của đứa cháu nội, ông bà đã rất sốc, sức khỏe suy sụp đi nhiều. Ngồi đối diện với bàn thờ lập vội, bà nội Thu vừa khóc vừa nói với di ảnh cháu: “Thế là mất cháu rồi! Mất thật rồi. Biết bao giờ bà mới lại được nhìn thấy cháu đây?!”.

Di ảnh của Nguyễn Thị Hoài Thu

Học hết lớp 11, nhận thấy sức học mình có hạn Thu đã xin ông bà, bố mẹ cho nghỉ học để xin vào công ty may nơi mẹ đang làm. Thường ngày phải 20h hai mẹ con Thu mới đi làm về nhưng hôm đó công ty ít việc nên được về sớm. Hiếm hoi cả nhà được ăn bữa cơm ấm cúng, đầy đủ mọi người. Đang trong lúc vui vẻ thì Trần Minh Tấn vào nhà và xin phép mọi người cho chở Thu đi xin việc hộ mình. Thấy không có gì đặc biệt, Tấn cũng là người quen nên mọi người đồng ý cho Tấn chở Thu đi. “Mọi khi đi chơi cứ khoảng 9 giờ đêm là cháu nó về nhưng hôm đó đến tận 10 giờ mà không thấy cháu đâu. Tôi có gọi điện nhưng nó không nghe máy. Nghĩ chắc có việc gì đột xuất hoặc con ham vui nên về muộn nên tôi cũng không nghĩ gì nhiều” - mẹ Thu nói. Khoảng 12h đêm mọi người trong nhà nhận được điện thoại từ người quen. Cú điện thứ nhất với nội dung: “Thu đi chơi, đánh nhau nên bị trói vào sân kho rồi”. Mọi người hốt hoảng chuẩn bị đi xem cơ sự ra sao thì bàng hoàng nhận được cú điện thoại thứ hai: “Cháu nó chết rồi, bị đâm chết”.

Khi chúng tôi hỏi gia đình Thu có biết tình cảm yêu đương giữa Thu và Tấn không thì đều nhận được câu trả lời là không hề hay biết gì. Mọi người cho rằng Thu có rất nhiều bạn, và Tấn cũng chỉ giống như nhiều người bạn khác của Thu mà thôi. Chưa hề có một lời xin phép được đi lại chính thức từ Tấn hay từ gia đình nhà Tấn nên mọi người trong gia đình Thu không hề coi đó là một mối quan hệ yêu đương chính thức. Và chính bản thân Thu cũng chưa một lần thừa nhận mối quan hệ này với gia đình. Thế nên khi sự việc xảy ra mọi người hết sức ngỡ ngàng. Nhất là lại được nghe phong thanh Tấn giết Thu vì bị Thu từ chối kết hôn.

Tại cơ quan Công an, Tấn đã khai nhận: Sau khi đi chơi, Tấn đã chở Thu về nhà mình và tiếp tục bàn tính chuyện cưới xin. Thu nói với Tấn: “Bố mẹ anh bỏ nhau, biết đâu sau này em với anh lại giống như vậy?”. Cho rằng mình đã bị xúc phạm danh dự nên Tấn dùng con dao gọt hoa quả đâm nhiều nhát vào người Thu, trong đó có 1 nhát chí tử vào cổ khiến nạn nhân đứt động mạch cảnh và cuống họng sau đó chết tại chỗ.

Những ngày đầu trong trại giam, tinh thần Trần Minh Tấn có vẻ hoảng loạn. Thậm chí một số điều tra viên còn cho rằng Tấn đang giả điên để giảm tội. Chỉ vì một phút không kiềm chế được bản thân, Tấn đã gây ra tội ác không thể dung thứ và để lại nỗi đau cho biết bao người. Chính anh ta cũng bóp chết niềm hy vong cuối cùng của mẹ mình là “được nhìn thấy con trưởng thành và sinh con đẻ cái để an lòng khi về già”.

Ông Trần Văn Định (Phó Công an xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương): Trong cuộc sống thường ngày Trần Minh Tấn là một thanh niên chưa từng gây gổ, xích mích với ai. Tuy nhiên có thể thấy hành động man rợ mà Tấn ra tay với người yêu cũng là kết quả tất yếu của việc không có người lớn bên cạnh kèm cặp. Bố mẹ li dị, bố vào Nam sinh sống, mẹ nhiều năm nay cũng lên Hà Nội làm việc nên không có ai ở bên cạnh. Sự cô đơn và mặc cảm khiến Tấn trở nên tự ti và cực đoan.