Chi phí cho y tế ngày càng đắt đỏ
(ANTĐ) - Mục tiêu của hệ thống y tế nước ta hướng đến công bằng, hiệu quả. Thế nhưng chi phí cho y tế ngày càng đắt đỏ khiến cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế của người dân ngày càng có sự khác biệt lớn. Đây là bài toán khó cho lĩnh vực kinh tế y tế nước nhà.
Chi phí điều trị dao động lớn
Những năm gần đây, mức chi phí bình quân điều trị nội trú và ngoại trú ở nước ta đều tăng nhanh chóng. Kết quả khảo sát mức chi phí bình quân điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2005 và 2008 tại 16 BV trong toàn quốc cho thấy, mức chi phí bình quân cho 1 lần khám chữa bệnh năm 2008 so với 2005 tăng tại tất cả các BV.
Bệnh nhân nghèo gặp khó khăn khi phải đi viện (ảnh chụp tại bệnh viện K) |
Trong đó nhóm BV tỉnh, huyện có mức tăng cao nhất với chi phí bình quân năm 2008 tăng gấp 3 lần so với năm 2005, nhóm BV Trung ương có mức chi phí bình quân điều trị tăng gấp hơn 2 lần… TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, chi phí y tế bình quân đầu người của cả nước năm 2008 là 1,1 triệu đồng, tính theo giá trị thực thì tăng gấp 4 lần so với năm 1998 (hoặc 2,3 lần nếu điều chỉnh theo chỉ số giảm phát).
Cùng với sự gia tăng chi phí khám chữa bệnh, ngày càng có sự dao động lớn trong chi phí điều trị giữa các BV và cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, thậm chí giữa các cán bộ y tế trong cùng một BV.
TS. Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam lấy dẫn chứng với bệnh viêm phổi trẻ em qua một nghiên cứu mới đây tại 30 BV đa khoa tỉnh. Theo đó, chi phí điều trị bệnh này bình quân 1 người bệnh là 834.000 đồng, tuy nhiên trong số các hồ sơ bệnh án được nghiên cứu, trường hợp có chi phí cao nhất cao gấp 70 lần so với trường hợp rẻ nhất (7.911.800 đồng so với 99.000 đồng)…
Do độ bao phủ BHYT còn thấp, chi tiêu cho y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn đóng vai trò chủ yếu (chiếm 52% tổng chi toàn xã hội) nên vẫn còn gần 60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh, số hộ gia đình nghèo phải vay mượn tiền để chi trả cho điều trị nội trú chiếm tới 67%. Có đến 33% hộ dân cho rằng bệnh tật là lý do chính khiến mức sống của họ bị giảm sút, đẩy họ vào cảnh nghèo đói.
Cần đổi mới kinh tế y tế
TS. Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh chỉ ra “nghịch lý” giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sử dụng dịch vụ y tế của các tầng lớp dân cư. Người nghèo có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao nhưng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế khi mắc bệnh lại thấp hơn các nhóm đối tượng khác. Người nghèo chỉ đi khám bệnh khoảng 2,9 lượt/năm, ít hơn nhiều so với người có điều kiện kinh tế khá và giàu là 4,7 lượt/năm. Kể cả những người nghèo có BHYT hoặc được miễn giảm viện phí thì gánh nặng chi phí đối với họ vẫn là rất lớn, tương đương với khoảng 10 tháng chi tiêu ngoài lương thực, thực phẩm.
Vậy làm thế nào để thực hiện công bằng chăm sóc sức khỏe nhân dân khi chênh lệch mức sống trong cộng đồng gia tăng? Làm thế nào để hình thành được một cơ chế tài chính y tế công bằng, hiệu quả và bền vững trong điều kiện trên 60% nguồn tài chính cho các dịch vụ y tế hiện nay đến từ các khoản thanh toán từ tiền túi của người dân?... Theo TS. Dương Huy Liệu, để giải đáp được các câu hỏi đó, chỉ có cách đổi mới cơ chế tài chính y tế, xây dựng được một cơ chế chính sách kinh tế y tế phù hợp. Trong đó, ưu tiên vào y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe, ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho nhóm người nghèo, tăng đóng góp từ nguồn tài chính công, đặc biệt là việc tiến tới nền BHYT toàn dân, mọi người dân đều được BHYT chi trả khi khám chữa bệnh...
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, trước đây ngành y tế nước ta vẫn chủ yếu mang tư duy bao cấp, nặng về ý nghĩ coi y tế là một ngành nhân đạo mà chưa chú ý tới lợi ích kinh tế nó đem lại. Đã đến lúc chúng ta phải xác định rõ ràng việc đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển, nghĩa là tính toán rành mạch việc đầu tư cho y tế được 1 đồng thì sẽ đem lại được lợi ích là bao nhiêu đồng, ngoài các lợi ích về mặt sức khỏe cho người bệnh... Khi đó, y tế mới được đầu tư phát triển mạnh, hướng đến công bằng, hiệu quả và phát triển.
Nguyễn Phan